Hôm 17-7, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân đội nước này đã tái chiếm gần 18km2 lãnh thổ ở khu vực phía đông và phía nam trong tuần qua.
Tình hình chiến sự Nga – Ukraine (đến 17-7-2023)
Đây là thông tin tích cực cho đợt phản công được Ukraine chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt nhiều tháng.
Theo bà Maliar, kể từ lúc bắt đầu đợt phản công (khoảng đầu tháng 6), tổng cộng Ukraine đã tái kiểm soát hơn 210km2. Nhưng thành quả này vẫn bị đánh giá khá khiêm tốn, và tiến độ phản công của Ukraine quả thực chậm hơn dự kiến.
Phải thay đổi chiến thuật
Ngôi làng Kupyansk-Vuzlovyi ở Ukraine hoang tàn sau trận đánh bom. Ảnh chụp ngày 28-6
Mục tiêu của cuộc phản công này là giành lại các khu vực tại Ukraine bị Nga kiểm soát kể từ tháng 2-2022, thời điểm Matxcơva khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Điều này đồng nghĩa Kiev đang chuyển từ phòng thủ sang tấn công, và những khó khăn đã lập tức được phơi bày.
Ngay cả các nhà phân tích từ phương Tây, vốn thường chê bai chất lượng của quân đội và khí tài Nga, cũng thừa nhận hiện nay rất khó để Kiev có thể gặt hái thành công lớn từ cuộc phản công nêu trên.
Hôm 15-7, tờ New York Times dẫn lời hai quan chức từ Mỹ và châu Âu nhận xét rằng trong hai tuần đầu của chiến dịch phản công, Ukraine đã tổn thất khoảng 20% khí tài. Số vũ khí bị thiệt hại bao gồm xe tăng và xe chở lính do phương Tây cung cấp.
Theo các quan chức này, tổn thất “đáng kinh ngạc” trên đã giảm còn 10% trong các tuần tiếp theo, nhưng sự suy giảm này chỉ đơn giản bắt nguồn từ việc Ukraine phải giảm nhịp độ phản công.
Theo phân tích trên, Ukraine đang phải thay đổi chiến thuật bằng cách tập trung sử dụng pháo binh và tên lửa tầm xa để tiêu diệt lực lượng Nga, thay vì mạo hiểm với các bãi mìn và hỏa lực của Nga.
Quân đội Nga hiện tại vẫn được đánh giá áp đảo Ukraine cả về quân số lẫn vũ khí.
Trước đây, bất kể chịu tổn thất nặng nề, Ukraine được cho vẫn mới tiến thêm khoảng 8km, so với mục tiêu ban đầu gần 100km nhằm đến được vùng biển phía nam nước này để chia tách lực lượng Nga.
Mục tiêu chủ yếu của đợt phản công này là tới biển Azov, cắt khu vực “cây cầu trên đất liền” nối với bán đảo Crimea. Tuy vậy, việc thay đổi chiến thuật của Ukraine lệ thuộc lớn vào đạn dược và cả sức mạnh trên không.
Ukraine đang tiêu tốn đáng kể đạn do Mỹ và các nước phương Tây sản xuất và hiện phải tính toán phương án sử dụng bom chùm gây tranh cãi. Ngoài ra, Kiev cũng liên tục kêu gọi Mỹ gửi chiến đấu cơ F-16, một yêu cầu mà Washington chưa chấp nhận tính tới nay.
Nga phòng thủ kiên cố
Sau giai đoạn đầu bị cho hứng chịu tổn thất nặng nề, sau cùng Nga đã sáp nhập bốn vùng và kiểm soát khu vực lớn ở miền đông và nam Ukraine. Matxcơva cũng dành nhiều tháng để chuẩn bị phòng thủ trước đợt phản công của Kiev.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ, Nga đã thiết kế một trong những hệ thống phòng thủ lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Tuyến công sự của Nga dài gần 2.000km, kéo dài từ biên giới nước này với Belarus cho tới vùng đồng bằng Dnipro.
Có khoảng 1.000km tuyến phòng thủ này nằm trên đất Ukraine. Các tuyến phòng thủ này gồm chiến hào, chướng ngại vật chống tăng (còn gọi là “răng rồng”), hầm và các vị trí pháo binh.
Hệ thống phòng thủ của Nga khiến xe tăng và bộ binh Ukraine tiến rất chậm, khó tiếp cận hoặc thậm chí dễ sập bẫy.
Hiện Ukraine sử dụng xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ để đưa quân vượt làn đạn và bãi mìn. Nhưng theo số liệu của New York Times, hiện khoảng 30% xe Bradley đã bị phá hủy. Trong khi đó, lữ đoàn 33 của Ukraine cũng có thể đã tổn thất 30% số xe tăng Leopard-2.
Điều khiến Ukraine gặp khó khăn hơn nữa là đối thủ của họ đang mạnh hơn trước đây. CNBC dẫn lời các nhà phân tích quân sự nhận xét rằng sau 16 tháng giao tranh, Nga đã thích nghi với chiến trận hơn và trở thành một địch thủ nguy hiểm hơn nhiều.
Theo Tổ chức Tư vấn quốc phòng và an ninh RUSI (Anh), hiện nay Nga đã được tổ chức tốt hơn, phối hợp và phản ứng nhanh hơn.
Báo cáo của RUSI về chiến thuật của Nga trong năm thứ hai giao tranh ở Ukraine nhận định: “Độ dày phòng tuyến của Nga đồng nghĩa Ukraine phải có sức chiến đấu đủ lớn để xuyên thủng phòng tuyến, với việc mức độ công sự của Nga hiện nay cho thấy việc vượt qua chúng là gần như không thể”.
Nhà phân tích quân sự Ukraine, Oleh Zhdanov, cho rằng Nga đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái (drone) và công cụ tác chiến điện tử cải tiến để gây khó khăn cho Ukraine.
Mặc dù không quân Nga hoạt động với số lượng khá nhỏ, họ vẫn giành lợi thế từ vũ khí hiện đại hóa như bom lượn vốn đang vận hành hiệu quả.
Lấy ví dụ, theo Zhdanov, Matxcơva đang dùng các loại bom nặng 500kg được điều chỉnh bằng GPS để gây sát thương lớn, trong khi “Liên Xô (trước đây) đã sản xuất các loại bom này với số lượng không thể đếm nổi”.
Ukraine đứng sau vụ tấn công cầu Crimea?
Ảnh vệ tinh cầu Crimea nối Nga với bán đảo Crimea chụp ngày 17-7
Hôm 17-7, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức Ukraine khẳng định Hải quân Ukraine và Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) đã tổ chức cuộc tấn công vào cầu nối bán đảo Crimea với Nga. Nguồn tin của AFP cũng nói SBU và Hải quân Ukraine đứng sau vụ tấn công này, sử dụng máy bay không người lái.
Cầu Crimea dài 19km, bắc qua eo biển Kerch, là đường nối trực tiếp duy nhất giữa Nga và bán đảo Crimea (sáp nhập vào Nga từ năm 2014). Đây là chiếc cầu quan trọng trong khâu tiếp viện ở Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga mô tả đây là một vụ “tấn công khủng bố” nhằm vào cây cầu trên, vốn đã làm chết ít nhất hai người. Matxcơva cũng cáo buộc phương Tây đồng lõa trong vụ việc.
Nguồn: tuoitre.vn