Nhiều người thắc mắc không hiểu do chế độ ăn uống hay sinh hoạt mà siêu âm kiểm tra và thậm chí nhập viện cấp cứu do bị sỏi ở nhiều bộ phận cơ thể. Thường gặp là sỏi thận, sỏi bàng quang, có người viên sỏi khổng lồ làm ảnh hưởng sức khỏe.

Viên sỏi khổng lồ trong bàng quang một bệnh nhân, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phẫu thuật lấy ra - Ảnh: T.LŨY

Viên sỏi khổng lồ trong bàng quang một bệnh nhân, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phẫu thuật lấy ra 

Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc – trưởng khoa ngoại thận, tiết niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, ngày nay các bệnh lý sỏi đường tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về niệu khoa.

Do Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ với bệnh lý sỏi. Theo số liệu thống kê, có khoảng 10-14% người Việt có sỏi đường tiết niệu.

Theo các thống kê cho thấy tỉ lệ mắc sỏi đường tiết niệu ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ giới, thường ở người trưởng thành, đặc biệt là người lao động làm việc trong môi trường nóng nhiều.

“Thực tế điều trị chúng tôi nhận thấy nhiều người có triệu chứng như đau lưng, tiểu gắt nhưng ngại đi khám bệnh và tự mua thuốc uống, lâu ngày dẫn đến biến chứng nặng hơn.

Khi đến bệnh viện thường có nhiều biến chứng như sỏi phát triển to, nước tiểu đục, tiểu máu, thậm chí nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thận chướng nước dẫn đến suy thận” – bác sĩ Lộc nói.

Đối với sỏi bàng quang thường là sỏi từ trên thận di chuyển xuống; một số trường hợp còn do hẹp cổ bàng quang, tăng sinh tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, đặt thông tiểu lâu ngày… làm nước tiểu lắng đọng và kết tụ tạo thành sỏi bàng quang.

Vì sao có sỏi đường tiết niệu?

Có nhiều giả thuyết cơ chế tạo sỏi đường tiết niệu, nhưng dễ nhận thấy nhất nguyên nhân gây ra sỏi là bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu.

Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều chất, điển hình là canxi, axit uric, cystine…, trong đó 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi.

Nguyên nhân cụ thể được chỉ ra là: 

– Uống không đủ nước, cơ thể không đủ nước cho thận bài tiết, nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.

– Chế độ ăn nhiều muối: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người Việt, do khẩu vị ăn khá mặn, trong đó muối và nước mắm là gia vị quen thuộc hằng ngày… Khi chúng ta ăn nhiều muối (NaCl), cơ thể phải tăng đào thải, làm tăng canxi tại ống thận, do đó sỏi calcium dễ hình thành.

– Chế độ ăn nhiều đạm: Đạm trong đồ ăn làm tăng nồng độ pH nước tiểu, tăng bài tiết calcium và lại làm giảm khả năng hấp thu citrate (chất này làm nước tiểu ít axit hơn).

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân gây sỏi tiết niệu khác như: nạp bổ sung calcium, vitamin C sai cách. Chúng ta bổ sung vi chất quá nhiều, vô tội vạ dẫn đến tình trạng cơ thể thừa chúng.

Đặc biệt đối với vitamin C, khi bổ sung thừa hoặc không đúng cách, chúng chuyển hóa thành gốc khác sẽ cạnh tranh và ức chế việc hấp thu các ion khác… Khi thận quá thừa các chất sẽ bị quá tải, sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi.

Hậu quả của một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy… cũng có thể hình thành sỏi calci oxalate. Ngoài ra còn có nguyên nhân do yếu tố di truyền, người béo phì…

Có thể phòng ngừa và hạn chế sinh sỏi đường tiết niệu

Hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế sỏi đường tiết niệu, quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể thao vừa sức.

Nên uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2.000 – 2.500ml nước. Có thể tính theo công thức: trọng lượng cơ thể x 40 ra số ml nước nên uống trong một ngày.

Đối với chế độ làm việc, cần hạn chế làm việc trong môi trường khô, nóng thời gian quá lâu. Quá trình làm việc, lao động, học tập tuyệt đối không được nhịn tiểu thời gian dài; thường xuyên tập thể dục, vận động để tránh béo phì.

Trong ăn uống, có chế độ ăn hợp lý: Hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm giàu oxalate như đậu bắp, củ cải đường, trà, sô cô la, đậu nành; không uống nhiều nước ngọt; không ăn nhiều protid từ các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản…

Trong chế độ ăn hằng ngày hạn chế không ăn mặn. Hạn chế chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Khi có các triệu chứng đường tiết niệu như đau lưng, tiểu gắt… nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, phát hiện sớm bệnh lý sỏi đường tiết niệu cũng như các nguyên nhân để điều trị kịp thời. Không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng về sau.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chế độ ăn uốngsỏi tiết niệu

Các tin liên quan đến bài viết