Bộ Công an và Công an các địa phương đã triệt phá nhiều “phi vụ” buôn lậu vàng qua biên giới từ vài trăm kg đến vài tấn vàng.
Buôn lậu 3 tấn vàng qua cửa khẩu Lao Bảo
Ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô xác nhận, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ triệt phá thành công đường dây buôn lậu vàng với số lượng lớn tại tỉnh Quảng Trị.
Theo thông tin ban đầu, đường dây nêu trên do Nguyễn Thị Hóa ở Quảng Trị cầm đầu với thủ đoạn vận chuyển vàng từ Lào qua biên giới về Việt Nam. Chuyên án trên được các đơn vị nghiệp vụ thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Nguyễn Thị Hoá (đánh dấu X) và 17 bị can mới bị khởi tố tội Buôn lậu.
Cảnh sát thực hiện nhiệm vụ khám nhà các đối tượng trong đường dây buôn lậu 3 tấn vàng ở Quảng Trị.
Kết quả đấu tranh chuyên án bước đầu xác định, từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa (trú tỉnh Quảng Trị) cùng đồng phạm tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Buôn lậu và Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo, Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối Nguyễn Thị Hoá và 17 đối tượng về tội Buôn lậu. Vụ án vẫn đang được Bộ Công an củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố và điều tra mở rộng vụ án.
Hai ngày chuyển gần 200kg vàng qua biên giới
Cách đây khoảng 1 năm, vào tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP.HCM và Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới Việt Nam – Campuchia.
Kết quả bước đầu xác định, riêng hai ngày 27 và 28/9, đường dây trên đã nhập lậu 198kg vàng. Cơ quan chức năng xác định được đối tượng chủ mưu cầm đầu, vận chuyển, tiêu thụ. Thời điểm tháng 9/2022, cơ quan chức năng thu giữ 103 kg vàng, hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỷ đồng cùng các phương tiện, thiết bị vật chứng liên quan.
Bộ Công an xác định, đường dây trên rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, trên nhiều tỉnh, thành phố. Thủ đoạn của các đối tượng thiết lập đường dây khép kín, thu mua ngoại tệ từ Việt Nam chuyển qua Campuchia mua vàng về Việt Nam tiêu thụ.
Tang vật vụ án buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới Việt Nam – Campuchia.
Buôn lậu vàng rúng động miền Tây
Được biết đến là tỉnh có khoảng 100km đường biên giáp Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế và rất nhiều “đường mòn lối mở” – tỉnh An Giang nổi lên nhiều loại tội phạm buôn lậu. Đặc biệt là buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới.
Vào đầu năm 2022, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình (57 tuổi, trú TP Long Xuyên) và Trang Kiến Tường (46 tuổi, ngụ TP Châu Đốc) đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu. Thời điểm bắt quả tang ông Bình và Tường, lực lượng Công an tỉnh An Giang thu giữ 3 thỏi vàng, gần 170.000 USD và 700 triệu đồng.
Quá trình khám xét khẩn cấp tiệm vàng có liên quan cùng các địa điểm khác, cảnh sát thu giữ khoảng 15kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, một số ngoại tệ khác, 25 tỷ đồng và một số giấy tờ, điện thoại di động có liên quan.
Cũng tại An Giang, tên gọi trùm buôn lậu Mười Tường được biết đến với phạm vi hoạt động và thời gian thực hiện hành vi buôn lậu kéo dài. Trùm buôn lậu Mười Tường tên thật là Nguyễn Thị Kim Hạnh (52 tuổi, trú An Giang).
Bà trùm buôn lậu Mười Tường tại cơ quan công an
Nguyễn Thị Kim Hạnh được biết đến với vai trò cầm đầu các vụ vận chuyển 51 kg vàng, 470.000 và 200.000 USD.
Đầu tháng 7/2021, hàng trăm cảnh sát thuộc Công an tỉnh An Giang đồng loạt khám xét 15 cửa hàng kinh doanh vàng và nhà ở của một số đối tượng có liên quan đến đường dây buôn lậu của Mười Tường tại TP Châu Đốc, huyện An Phú.
Tại các địa điểm khám xét, công an đã thu giữ khoảng 36 kg vàng, 1,27 triệu USD; hơn 1,7 tỷ; nhiều thiết bị điện tử, cùng các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi giao dịch tiền, vàng qua biên giới của các tiệm kinh doanh vàng và của các nghi can liên quan đến Mười Tường.
Hồi tháng 11/2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đầu năm 2023, bà Mười Tường bị TAND tỉnh An Giang xử phạt 14 năm tù khi cầm đầu đường dây buôn lậu đường cát.
Đại tướng Tô Lâm lý giải nguyên nhân buôn lậu vàng diễn biến phức tạp
Vào tháng 3/2022, trong phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đề cập về thực trạng buôn lậu vàng qua biên giới.
Theo Đại tướng Tô Lâm, hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm… có xu hướng diễn biến rất phức tạp.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao.
Nguồn: vietnamnet