Sau bài viết ‘Trẻ Việt Nam ít được giáo dục kỹ năng sống, chỉ biết ăn, ngủ’, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều câu hỏi ‘cha mẹ nên làm gì để trẻ có nhiều kỹ năng sống?’.
Trẻ cần được chơi để lớn lên thay vì học suốt ngày
Trao đổi với TS Ngô Xuân Điệp – trưởng khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông cho rằng “trẻ thiếu kỹ năng hiện nay phần lớn do cha mẹ quá bảo bọc”.
Theo TS Điệp, có những việc cha mẹ tưởng đúng nhưng “áp” vào con sẽ khiến trẻ thiếu vô vàn kỹ năng trong cuộc sống, thậm chí khiến con khó xây dựng cuộc sống hạnh phúc về sau.
Đó là những việc như:
1. Giới hạn trẻ trong những bức tường, ít cho trẻ tiếp xúc với xã hội, cộng đồng.
Đô thị lớn với những tòa nhà chọc trời, đường phố nhộn nhịp nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trộm cắp, lừa đảo… đã khiến nhiều người làm cha làm mẹ lo lắng, muốn đảm bảo an toàn nhất cho trẻ bằng cách giữ các con thật chặt trong nhà, sau những bức tường.
Chính điều này khiến trẻ học hỏi được từ xã hội rất ít.
Mặt khác, hiện nay mạng xã hội len lỏi khắp nơi, cha mẹ lại thường “quăng” cho con điện thoại, iPad nhằm giữ trẻ an toàn trong các bức tường.
Như vậy, trẻ không chỉ thụ động, thiếu kỹ năng mà thậm chí còn bị nghiện các thiết bị điện tử, không thích giao tiếp với thế giới thật. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiếp xúc với cộng đồng, xã hội nhiều hơn.
2. Làm tất tần tật việc nhà cho trẻ.
Trẻ thiếu kỹ năng trong việc sắp xếp nhà cửa, nấu ăn… là do cha mẹ quá lo lắng việc “trẻ không làm được việc”. Nhiều cha mẹ như osin của con, không để con đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì nên khiến trẻ ngày càng “làm gì cũng không được”.
Cha mẹ không chỉ bao bọc hoàn toàn việc nhà cho con từ việc nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp… mà còn bao bọc luôn cả việc sắp cặp sách đi học của trẻ, sắp xếp gọn gàng đồ đạc cá nhân của trẻ, dọn phòng học…
Cha mẹ hãy nhớ rằng nếu khi còn nhỏ trẻ không tự làm được những việc này thì lớn lên trẻ sẽ không muốn làm và cũng sẽ làm đâu hỏng đấy.
Vì thế, để trẻ có kỹ năng thì cần phải cho trẻ tự làm những việc nhà cơ bản. Hãy giao việc cho trẻ, tuổi nhỏ làm việc nhỏ.
3. Tự hào về kỷ luật thép.
Nhiều cha mẹ lo lắng con sẽ không an toàn, lo con bị lừa lọc, lo con nói dối… khiến cho họ kiểm soát con mọi lúc mọi nơi.
Khi con còn ở độ tuổi thiếu nhi, cha mẹ không dám cho con chơi các trò chơi hoạt động vì sợ con ngã, con té, con xước một chút cũng đã lo lắng hết sức thì khi con lớn hơn trẻ không được tự do lựa chọn trong bất cứ vấn đề gì.
Thậm chí nhiều em còn bị cha mẹ “gắn định vị”, bắt buộc chơi với bạn này, không chơi với bạn kia… khiến trẻ như bị kìm kẹp, ngột ngạt.
Điều này khiến trẻ bất an, sợ hãi nên sẽ đánh mất các kỹ năng tự ra quyết định và khiến trẻ lớn lên thành những người thiếu chính kiến, hay lo sợ. Thậm chí rơi vào trầm cảm và làm những điều dại dột.
4. Nhảy vào giải quyết tất tần tật các việc của con.
Vì mỗi gia đình hiện nay hầu hết chỉ có 1 đến 2 con nên cha mẹ thường xuyên can thiệp và thậm chí sẽ giúp trẻ giải quyết các vấn đề của con như mối quan hệ với bạn bè, với anh chị em, họ hàng, và thậm chí là giúp làm bài tập.
Trên hành trình lớn lên của trẻ, trẻ phải tự giải quyết những vấn đề của mình nên cha mẹ hãy dành cho con những quyền này để bồi dưỡng kỹ năng tự giải quyết vấn đề của con.
Cha mẹ cần cho trẻ tự giải quyết vấn đề của mình.
5. Nhồi nhét con kín lịch học mỗi ngày.
Trẻ cần được lớn lên thông qua những trò chơi. Tốt nhất là trẻ nên chơi những trò chơi dân gian. Thông qua các hoạt động của các trò chơi, trẻ sẽ học được vô vàn kỹ năng mà kiến thức sách vở, khoa học không giúp được trẻ.
Cha mẹ cần dành thời gian cho con chơi thay vì học suốt ngày.
Nguồn: tuoitre.vn