Nhiều trẻ sau khi đi bơi 1-2 tuần đã bị viêm xoang gây sưng mặt, mờ mắt… nhưng cha mẹ không nghĩ là do đi bơi. Việc không biết cách phòng tránh khi bơi lội dẫn tới mắc viêm xoang không chỉ gây đau tại chỗ mà còn gây các biến chứng nguy hiểm.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh thăm khám cho bệnh nhân
Mẹ chủ quan, con mang bệnh nặng
Đến nay sau 1 năm nhưng mẹ bé Đ.T.P. (8 tuổi, Hà Nội) vẫn còn sợ chưa dám quyết định hè này cho con đi bơi nữa hay không. Bởi năm ngoái, sau 1 tuần con học bơi bị ngứa mũi, chảy nước mũi nhưng chị chủ quan cho rằng do thay đổi thời tiết nên vẫn để bé tiếp tục bơi.
Đến khi bé có biểu hiện đau đầu, mờ mắt, sưng 1/2 bên mặt chị mới đưa con đi khám thì được bác sĩ cho biết bé bị viêm xoang cấp, có biểu hiện biến chứng ở mắt, thần kinh và não… Rất may bé đến viện kịp thời, nếu không diễn biến bệnh thật khó lường.
Tương tự, bé P.V.M. (8 tuổi) sau một vài tuần đi bơi bị sốt cao 39 – 40 độ C, người mệt mỏi, ăn kém, rồi mắt trái bị sưng tấy, lồi ra phía trước. Tưởng con đau mắt, gia đình mua thuốc nhỏ không đỡ, đi khám chụp CT được chẩn đoán viêm đa xoang mạn tính có biến chứng mắt, thị lực giảm nghiêm trọng, phải phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết cứ đến hè là số bệnh nhi bị viêm xoang do đi bơi tăng cao. Đặc biệt, có rất nhiều trẻ bị nặng: đau đầu, sưng nửa mặt, mờ mắt, không thở được, viêm đa xoang, mủ nhiều… phải điều trị tích cực cả tháng trời không khỏi.
Hầu hết ở trẻ nặng là do cha mẹ chủ quan coi thường khi thấy trẻ đi bơi về bị ngứa mũi, nhảy mũi… nhưng thường bỏ qua, không phát hiện và điều trị sớm đến khi đau đầu, mờ mắt, đi khám thì xoang đã lan rộng khắp nơi.
Viêm xoang không chỉ khiến trẻ đau đớn, khó chịu tại chỗ mà còn gây viêm kết mạc mắt dễ dẫn tới mù, liệt mắt, giãn đồng tử, viêm thần kinh thị giác, viêm hoặc u nhầy các xoang sau… Đặc biệt dẫn tới viêm màng não mủ, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch dọc trên, xoang hang, nhiễm khuẩn nội sọ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nước bẩn gây nhiều bệnh
Theo PGS Dinh “Ở những hồ bơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức khi đi bơi thải ra (như đàm dãi, nước mũi, thậm chí là cả nước tiểu…) dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng, bệnh mắt, bệnh ngoài da.
Các bệnh tai mũi họng thường gặp: viêm họng (khi bơi về trẻ mệt mỏi, họng khô rát, đau, sốt); viêm mũi xoang dẫn đến viêm tai giữa. Đặc biệt, nhiễm trùng từ mũi xoang có thể đi theo vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp với triệu chứng: ù tai, giảm thính lực, đau tai…
Chuẩn bị dụng cụ bơi để tránh bệnh
PGS Dinh khuyên, để phòng tránh nhiễm bệnh khi đi bơi cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như đồ bơi, phao bơi, mũ bơi, kính bơi, nút tai, khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng, không ăn no trước khi bơi.
Trước khi xuống hồ nên tắm gội sạch sẽ và khởi động làm nóng cơ thể để tránh chuột rút. Trong khi bơi cần tránh sặc nước, hạn chế nước vào tai và mũi họng. Khi mới bơi xong nên choàng khăn ngay cho trẻ để tránh gió. Sau đó tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ và lau khô giữ ấm.
Xì mũi nhẹ cho nước trong mũi ra sạch. Nên xì mũi đúng cách: bịt một lỗ mũi này và xì nhẹ lỗ mũi kia rồi làm ngược lại. Không nên bịt cả hai lỗ cùng một lúc để xì mũi. Tránh gây ù tai hoặc làm nguồn viêm nhiễm từ mũi họng qua vòi nhĩ vào tai gây viêm tai giữa cấp.
Lau khô vành tai và cửa tai. Không nên dùng bông gòn ngoáy tai sẽ gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng da ống tai ngoài.
Nếu nước vào tai, chỉ cần nghiêng đầu, lắc nhẹ và kéo nhẹ vành tai tạo đường thẳng cho nước chảy ra ngoài. Có thể nhỏ mắt, nhỏ mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý.
Nguồn: tuoitre.vn