Nhiều người đặt câu hỏi, không biết trong số hàng triệu hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng, có bao nhiêu trường hợp thực sự tự nguyện mua và hiểu đúng bản chất, giá trị của nó?
Cơn ác mộng
Chị Trần Hiền Mai ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội kể, năm 2021 do cần tiền mua nhà chị phải vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Khi đó nhân viên ngân hàng yêu cầu chị phải mua gói bảo hiểm nhân thọ130 triệu đồng mới được giải ngân. Chị phải chấp nhận dù không muốn.
Theo chị Mai, nhân viên tư vấn giải thích khiến chị hiểu là chỉ bỏ ra tổng số 130 triệu đồng cho gói này thôi. Vậy nhưng sau 1 năm công ty bảo hiểm lại yêu cầu chị đóng tiếp 130 triệu đồng nữa. Chị định từ chối thì bên ngân hàng lại dọa đòi tất toán sớm khoản vay. Thế là chị phải cắn răng nộp thêm 130 triệu đồng nữa.
Nay khoản nợ ngân hàng đã trả xong, chị không muốn đóng tiếp nữa nên đề nghị dừng. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm cho biết nếu dừng hợp đồng thì khoản tiền 260 triệu đồng đã đóng sẽ không lấy lại được. Nhưng để đóng tiếp cả chục năm với số tiền 130 triệu đồng mỗi năm chị không thể cáng đáng nổi.
“Em đã từng bị bệnh ung thư mà họ vẫn ghi sức khỏe bình thường trong hợp đồng bảo hiểm. Anh bảo như vậy là thế nào?” Mai nói với tôi.
Các công ty bảo hiểm kết hợp với ngân hàng để bán chéo bảo hiểm, đã tạo thành cơn ác mộng
Thời gian gần đây, khi việc bán bảo hiểm qua ngân hàng được báo chí phản ánh rầm rộ, tôi đã phỏng vấn nhiều khách hàng mua bảo hiểm. Tâm trạng chung của tất cả mọi người là rất lo âu về khoản tiền “đầu tư” mua bảo hiểm họ đã trót lỡ. Mỗi người một cảnh, nhưng trường hợp như của Mai nêu trên không khỏi làm tôi thấy bức xúc.
Bán bảo hiểm chéo qua ngân hàng là một dịch vụ bình thường ở nhiều nước khác. Nhưng ở nước ta, việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, áp lực của các nhân viên ngân hàng về doanh số, sự phức tạp của một hợp đồng bảo hiểm, mà trong nhiều trường hợp được thiết kế phức tạp như một cái bẫy đã làm dịch vụ này trở nên méo mó.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, riêng kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) năm 2022 đạt gần 1 triệu hợp đồng, doanh số hơn 23.700 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh số thị trường bảo hiểm nhân thọ. Lũy kế tới hết quý I/2023 đạt hơn 2,9 triệu hợp đồng, đóng góp doanh số gần 45.000 tỷ đồng.
Nhiều người đặt câu hỏi, không biết trong số hàng triệu hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng, có bao nhiêu trường hợp thực sự tự nguyện mua và hiểu đúng bản chất, giá trị của nó?
Chắc chắn con số này trên thực tế ít hơn rất nhiều so với những trường hợp bị ép mua khi vay vốn như câu chuyện của chị Mai kể trên, hoặc bị “gài bẫy” khi gửi tiết kiệm.
Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng đã thừa nhận, thời gian qua, nhận được rất nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc bị các ngân hàng thương mại ép khách mua bảo hiểm hoặc tư vấn gây nhầm lẫn bảo hiểm với sản phẩm tiết kiệm tiền gửi.
Trước kia, khi các nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ hướng vào đối tượng là người thân, bạn bè đã từng để lại những hình ảnh không hay trong mắt mọi người, thậm chí còn bị xa lánh, nay kết hợp với ngân hàng thực sự đã tạo thành cơn ác mộng. Nói đến bảo hiểm nhân thọ nhiều người không khỏi bức xúc.
Khủng hoảng niềm tin
“Đây là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin của thị trường”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thốt lên. Xin đặt câu hỏi, khủng hoảng này từ đâu ra?
Thống kê báo cáo tài chính kiểm toán của các ngân hàng thương mại cho thấy, năm 2022, kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đem lại doanh thu lớn, ghi nhận tăng trưởng cao tại nhiều ngân hàng. Trừ đi chi phí, biên lợi nhuận của việc kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng đạt từ 50-60%. Những hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm hàng chục ngàn tỷ đồng, đã mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng.
Muốn thay đổi định kiến của người dân về bảo hiểm nhân thọ thì các doanh nghiệp cần thay đổi trong cung cách phục vụ.
Hoa hồng cho nhân viên ngân hàng cao, cộng với sức ép về chỉ tiêu, khiến đa số đã khách “ép” khách mua bảo hiểm, hoặc tư vấn sai về bảo hiểm nhân thọ. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ rủi ro, có nhiều vấn đề phải cân nhắc trước khi mua như: kỳ hạn đóng phí dài, nếu rút trước hạn sẽ bị mất hết… đều bị bỏ qua, chỉ tập trung nói về những lợi ích.
Trong khi đó, công tác đào tạo đại lý bảo hiểm có vấn đề, từ nghiệp vụ cho đến đạo đức nghề nghiệp. Đào tạo thế nào mà để nhân viên tư vấn sẵn sàng ghi vào hợp đồng bảo hiểm cho một người bị mắc bệnh Parkinson là sức khỏe bình thường; người ta đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì “bịa” thành kinh doanh chứng khoán với thu nhập 100 triệu đồng/tháng…
Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm.
Tuy nhiên, muốn thay đổi định kiến của người dân về bảo hiểm nhân thọ thì các doanh nghiệp cần thay đổi trong cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Nếu công cụ chính để doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh vẫn chỉ là chi hoa hồng thật cao, mở thật nhiều đại lý thì chỉ chạy theo số lượng, doanh thu, lợi nhuận mà lờ đi việc cải thiện chất lượng.
Và khủng hoảng niềm tin có lẽ chưa dừng lại.
Nguồn: vietnamnet