Tài liệu rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Ai Cập – đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông – đã bí mật sản xuất 40.000 tên lửa để vận chuyển đến Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi tại thành phố Sochi (Nga) hồi 17-10-2018
Việc tối thiểu Ai Cập có thể làm để trả ơn Nga
Tài liệu trên được lập vào ngày 17-2, có nội dung tóm tắt các đoạn hội thoại hôm 1-2 giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi và một số quan chức quân đội cấp cao của nước này, theo báo Washington Post.
Theo tài liệu, ngoài tên lửa, Ai Cập còn dự định cung cấp đạn pháo và thuốc súng cho Nga.
Ông El-Sisi yêu cầu các quan chức đảm bảo việc sản xuất và vận chuyển tên lửa được giữ bí mật để “tránh rắc rối với phương Tây”, đồng thời chỉ đạo một người tên Salah al-Din (khả năng cao là Bộ trưởng Bộ Sản xuất quân sự Mohamed Salah al-Din) giải thích với nhân viên nhà máy rằng số vũ khí này được sử dụng cho quân đội Ai Cập.
Đáp lại yêu cầu của tổng thống, ông Salah ah-Din khẳng định nếu cần thiết, ông sẽ “cho các công nhân luân phiên làm việc 24/7 vì đây là điều tối thiểu Ai Cập có thể làm để trả ơn Nga”.
Theo báo Washington Post, tài liệu không đề cập phía Ai Cập đang muốn trả ơn Nga về điều gì.
Nhiều tháng qua, hai nước này đã đạt một số thỏa thuận lớn, trong đó có kế hoạch để Nga xây một nhà máy đường sắt lớn tại Ai Cập hồi đầu năm 2023.
Rosatom – công ty năng lượng hạt nhân quốc doanh của Nga – cũng vừa khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập hồi năm 2022.
Đặc biệt, từ khi nguồn cung lúa mì từ Ukraine bị gián đoạn do tình hình chiến sự, Cairo đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào ngũ cốc Nga. Từ nhiều năm qua, Ai Cập đã là nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới. Hơn 80% số lúa mì của nước này được nhập khẩu từ Nga hoặc Ukraine.
Mỹ cần suy nghĩ lại về mối quan hệ với Ai Cập
Ông Ahmed Abu Zeid – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập – phản hồi nghi vấn sản xuất vũ khí cho Nga: “Mong muốn từ đầu của Ai Cập là không tham gia vào cuộc khủng hoảng này, đồng thời cố gắng giữ khoảng cách cân bằng giữa hai bên, tuân thủ điều lệ Liên Hiệp Quốc cũng như luật pháp quốc tế được nêu trong các nghị quyết của Đại hội đồng”.
Ông Ahmed Abu Zeid, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập
Ông Abu Zeid khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi hai bên ngừng các hành động thù địch, hướng đến giải pháp chính trị thông qua đàm phán”.
Cung cấp vũ khí cho Nga được xem là ván cược liều lĩnh của Ai Cập. Nhiều thập kỷ qua, nước này đều đặn nhận hơn 1 tỉ USD tiền viện trợ nhân đạo hằng năm từ Mỹ.
“Ai Cập là đồng minh lâu đời nhất của chúng ta ở Trung Đông. Nếu việc ông El-Sisi đang bí mật sản xuất tên lửa cho Nga là đúng, chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại về mối quan hệ này”, thượng nghị sĩ Chris Murphy – thành viên Ủy ban Quan hệ đối ngoại và Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ – trả lời phỏng vấn báo Washington Post.
Giống ông Murphy, bà Sarah Margon – giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại Mỹ tại Quỹ Xã hội mở – cho biết nếu những gì ghi trong tài liệu là đúng thì Mỹ cần cân nhắc “có nên tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ” Ai Cập hay không.
Nguồn: tuoitre.vn