Tháng 5 này, ba nhóm sinh viên Việt Nam sẽ đọ sức cùng các đối thủ từ những đại học quốc tế tên tuổi trong một “hội quần anh” dành riêng cho những chiếc xe tự hành.

Xe tự hành Việt ra thế giới so tài - Ảnh 1.

4 thành viên đội thi Trường ĐH Lạc Hồng 

Ở Việt Nam, xe tự hành, tức xe có thể tự điều khiển mà không cần con người can thiệp, còn khá mới mẻ cả ngoài cuộc sống lẫn trong các chương trình đại học.

Dù vậy mới đây, ba đội thi từ Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã giành vé vào vòng cuối cùng của cuộc thi xe tự hành Bosch Future Mobility Challenge 2023 do Trung tâm kỹ thuật Bosch tổ chức ở Romania vào tháng 5-2023.

“Dạy” xe như dạy… trẻ

Những ngày này, bạn Trần Cao Lương – sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô – cùng ba đồng đội trong ê kíp xe tự hành của Trường ĐH Lạc Hồng thường xuyên túc trực tại phòng thực hành – nơi mà giờ đây đã được cải biến thành một sa bàn dã chiến cho mô hình xe tự hành luyện tập.

Từ bộ kit ban đầu được ban tổ chức phân phát, bao gồm khung xe và các mạch xử lý đầu vào, mạch arduino, các mô tơ, driver…, sau khoảng bốn tháng thiết kế và hiệu chỉnh, đến nay chiếc xe đua của đội đã có thể tự chạy “mượt mà” khắp sa bàn, có thể đi đúng theo các làn đường và tốc độ đề ra, đồng thời nhận diện thành thạo các biển báo dọc đường để không… vi phạm luật giao thông.

“Sa bàn mà bọn mình đang chạy thử có lẽ chỉ bằng 1/10 so với thực tế trong vòng chung kết. Tại Romania, xe tự hành của các đội sẽ phải chạy trong một thành phố thông minh mô phỏng.

Từ điểm xuất phát, xe của mỗi đội sẽ phải hoàn thành lộ trình của ban tổ chức, đi đúng các quy tắc biển báo giao thông, tránh được những vật cản và quan trọng là tiết kiệm được thời gian” – Lương nói.

Bạn Bùi Phi Hùng – sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, thành viên đội thi Trường ĐH Lạc Hồng – cho rằng mấu chốt đầu tiên khi thiết kế xe tự hành cho cuộc thi này nằm ở khả năng xử lý ảnh. Đội đã phải tập huấn cho xe biết được những làn đường và nhận diện nhanh, chính xác các tín hiệu, biển báo giao thông.

Hùng chia sẻ thời gian đầu, “dạy” xe như dạy… trẻ em. Hùng và các bạn sẽ giơ những biển báo phía trước camera, cho xe có thời gian nhận diện. Ở mỗi biển báo, nhóm viết code cho xe hiểu sẽ phải làm gì tương ứng. Tiếp đó là khâu lập trình giúp xe tăng tốc và chuyển hướng.

Đây cũng là điểm cạnh tranh giữa các đội, làm sao cho các đoạn code tương ứng với các tác vụ của xe có sự kết nối mượt nhất.

“Ở vòng thi cuối cùng, ban tổ chức cho phép các đội sử dụng thêm một số thiết bị ngoài bộ kit ban đầu. Bọn mình sẽ lắp thêm một cảm biến góc nghiêng và một cảm biến siêu âm để tối ưu khả năng nhận diện cho xe. Ngược lại, bọn mình sẽ tính toán lấy ra một số bộ phận không cần thiết giúp giảm trọng lượng, giúp xe chạy được nhanh nhất” – Hùng nói.

Xe tự hành Việt ra thế giới so tài - Ảnh 3.

Xe tự hành của đội thi Trường ĐH Lạc Hồng 

Điểm quyết định: giải quyết được sự cố bất ngờ

Hiện tại, đội thi gồm bốn thành viên của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đang gấp rút “nâng cấp” chiếc xe tự hành trước vòng chung kết.

Trong đội, một thành viên có thế mạnh về mảng thị giác máy tính sẽ xử lý hình ảnh, một bạn mạnh về các thuật toán dùng cho điều khiển xe, một bạn mạnh về phần cứng. Ngoài ra, sẽ có một bạn ở vị trí như “libero”, có thể hỗ trợ cả ba mảng trên khi cần đầu tư công sức.

Theo ThS Phạm Trần Đăng Quang – bộ môn ô tô, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – người hướng dẫn cho nhóm, những cuộc thi đấu xe tự hành sẽ cần nhiều kiến thức và kỹ năng liên ngành.

Nếu mỗi thành viên trong đội mạnh một lĩnh vực cụ thể sẽ có lợi hơn so với một nhóm gồm những thành viên biết đều các mảng nhưng thật sự không nổi trội ở phần nào, khó tìm được tiếng nói chung.

Bạn Cao Tuấn Kiệt – sinh viên khoa điện – điện tử, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), thành viên đội thi xe tự hành – cho biết hiện tại xe của nhóm chạy khá trơn tru trên sa bàn do nhóm tự thiết kế. Tuy nhiên, do chưa biết được sân đấu của ban tổ chức, nhóm phải chờ đến lúc sang trực tiếp Romania để điều chỉnh phần lập trình cho sát với sa bàn thực tế.

“Chúng mình sẽ có ba ngày để làm quen khu thi đấu ở Romania trước khi chính thức tranh tài” – Kiệt nói.

Theo Kiệt, điểm quyết định thành bại của các đội thi là khả năng lường trước những tình huống xuất hiện vật cản thình lình trên đường, có thể là một chiếc xe “vượt ẩu” hoặc mô hình người qua đường bất chợt… Đó là những thử thách thật sự mà ban tổ chức dành cho các đội, bởi sẽ đòi hỏi xe tự hành phải nhận diện và xử lý được những bất ngờ này trong tích tắc.

119 đội sinh viên trên toàn cầu

Bosch Future Mobility Challenge 2023 có 119 đội đăng ký dự thi đến từ những đại học khắp nơi trên thế giới. Sau vòng phỏng vấn, 74 đội đạt yêu cầu và nhận được bộ kit mô hình xe RC tỉ lệ 1:10 để phát triển thuật toán.Các đội phải thực hiện lập trình theo các yêu cầu như: giữ làn đường, qua ngã tư giao cắt, xử lý được các biển báo, thực hiện được các thao tác dừng, đỗ xe.Ban giám khảo chọn ra 24 đội tranh tài vòng chung kết thế giới tại Trung tâm kỹ thuật Bosch ở Cluj Napoca (Romania) vào tháng 5-2023.24 đội này – trong đó có 3 đội Việt Nam – sẽ lần lượt thi đấu trên sa bàn của ban tổ chức. 8 đội có thời gian nhanh nhất sẽ tranh tài thêm một lượt lấy thành tích xếp hạng.

Cơ hội quý cho học hỏi

TS Hoàng Ngọc Tân – trưởng ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Lạc Hồng – cho biết trong cuộc thi năm nay có rất nhiều đội giàu kinh nghiệm và đến từ các quốc gia mạnh về công nghệ ở châu Âu. Trong khi đó, các đội Việt Nam chỉ mới tham gia lần đầu.

Ông nhận định dù chuẩn bị khá kỹ lưỡng, khả năng tranh chấp các thứ hạng cao chung cuộc của các đội Việt Nam là khá thách thức.

“Tuy nhiên, là cơ hội tốt để sinh viên có thể học hỏi, cạnh tranh với những bạn trẻ rất giỏi trong lĩnh vực sáng chế xe tự hành từ các nước trên thế giới. Lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam” – TS Hoàng Ngọc Tân nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ĐH Lạc Hồngxe tự hành

Các tin liên quan đến bài viết