Bà tôi có một mảnh vườn. Bà mất năm 2019 và di chúc lại mảnh vườn cho bố tôi. Trước đó, tôi đã thuê người đổ đất để tôn tạo vườn làm cho mảnh vườn đẹp và có giá trị hơn rất nhiều.
* Bây giờ bố tôi muốn bán mảnh đất này, trong khi tôi muốn giữ lại để cho gia đình. Vậy tôi có quyền ngăn cản bố tôi bán đất không. Nếu ông vẫn quyết bán đất thì tôi có thể đòi tiền công tôn tạo đất được không?
Bạn đọc H., TP.HCM.
– Luật sư Lê Văn Hoan tư vấn:
Luật sư Lê Văn Hoan
Nếu di chúc trong trường hợp này được lập hợp pháp, toàn bộ di sản thuộc quyền sở hữu của người cha và hàng thừa kế thứ nhất không có ai thuộc diện thừa kế, không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại điều 644 Bộ luật dân sự, thì người có tên trong di chúc được hưởng toàn bộ di sản thừa kế.
Như vậy, nếu bà nội của bạn để lại di sản cho bố bạn là hợp pháp thì chỉ bố bạn có quyền đối với phần đất này và bạn không có quyền ngăn cản nếu di chúc bà nội để lại không hạn chế quyền của người thừa kế.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng bạn có công “đổ đất để tôn tạo vườn làm cho mảnh vườn đẹp và có giá trị hơn rất nhiều”, thì bạn có thể thương lượng với bố của mình để xem xét quyền lợi, giá trị mà bạn đã bỏ ra để tôn tạo.
Trường hợp không thỏa thuận được thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết liên quan đến phần mà bạn đã bỏ tiền, bỏ công ra tôn tạo.
Nguồn: tuoitre.vn