Phật giáo quan niệm rằng, đầu năm mỗi người có thể khởi những tâm niệm, những lời nói, những câu chúc và những hành động, việc làm tốt đẹp nhất đến với bản thân, gia đình và mọi người.

Tiếp câu chuyện “cúng sao giải hạn” đầu năm, Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Thư ký kiêm Phó văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cho rằng, tu là quá trình chuyển nghiệp, và việc lập các “đàn tràng cầu an” nghĩa là chúng ta chuyển hóa từ nghiệp xấu thành nghiệp tốt.

Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Thư ký kiêm Phó văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

Đại đức nói thêm về tục cầu an đầu năm, nhất là dịp rằm tháng Giêng đối với người dân Việt.

– Đầu năm, khoảng mùng 8 tháng Giêng thường có lễ dâng sao và giải hạn để cầu một năm vượt qua tất cả mọi tai ách, đặc biệt là “tam tai” và những năm gặp sao xấu. Đó là quan điểm dân gian.

Còn Phật giáo quan niệm rằng, đầu năm mỗi người có thể khởi những tâm niệm, những lời nói, những câu chúc và những hành động, việc làm tốt đẹp nhất đến với bản thân, gia đình và mọi người. Từ ý-khẩu-thân đều mong tất cả mọi người có được một năm mới hạnh phúc, an vui, sức khỏe và thành đạt.

Theo đó, trong nhà Phật thiết trí “đàn tràng cầu an” hay “pháp hội cầu an” dịp đầu năm để người Phật tử và người dân qua đó thực hành lối sống thiện trên cả ba phương diện thân-khẩu-ý.

“Pháp hội cầu an” dịp đầu năm được thể hiện rất rõ qua “đàn tràng Dược sư”. Cụ thể, chúng ta hướng về Đông phương, nơi có ánh sáng, nơi khởi điểm của một ngày mới – hướng về Đức Phật Dược Sư, Bồ-tát Nhật Quang Biến Chiếu, để lập đàn tràng trang nghiêm, thanh tịnh. Qua đó, cầu nguyện Đức Phật Dược Sư, các vị Phật ở cõi phương đông, Bồ-tát, Thánh chúng… gia hộ cho mọi người được một năm an lạc.

Khi chí thành hướng về Đàn tràng Dược Sư như vậy thì tâm chúng ta được an tĩnh. Khi tâm được an thì tự nhiên chúng ta học được theo hạnh của Đức Phật Dược Sư, đó là làm sao để nghĩ được điều lành, nói được lời tốt, làm được những việc hay. Như thế nghĩa là chúng ta đã gặt hái được những công đức lớn.

Một khi có được phước, được công đức lớn thì như dân gian có câu: “Có đức mặt sức mà ăn”. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta sẽ vượt được qua nhiều khổ nạn, bởi đức trọng thì quỷ thần kinh sợ. Do vậy, tích phước tích đức sẽ giúp con người vượt qua tất cả mọi khổ đau, ách nạn. Dù cho có “sao hạn” gì chăng nữa, người có phước đức đều sẽ sống trong yên bình.

Đại đức Thích Tuệ Nhật cho rằng, khi làm những việc tốt, tịnh thân – khẩu – ý, chúng ta sẽ phát huy được công đức, những điều tốt lành.

Đầu năm, khởi điểm của mùa xuân, nếu chúng ta có được những việc làm tâm linh mang ý nghĩa sâu sắc như thế thì có thể tin tưởng rằng bản thân sẽ có một năm với tinh thần tốt. Khi ta có cố gắng duy trì, phát huy thì cả năm sẽ luôn được bình an vô sự.

Theo nhà Phật, mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều mang theo những nghiệp quả riêng. Đó có thể là nghiệp lành và cũng có thể là nghiệp dữ, hay nghiệp tốt và nghiệp xấu. Nghiệp lực ấy là do quá khứ từ những kiếp khác, trong tiến trình luân hồi sinh tử chúng ta đã tạo tác. Và quan trọng hơn, đó là đời này kiếp này, chúng ta đã tạo dựng nó sâu dày hơn bằng ba nghiệp của mình là thân – khẩu – ý.

Như vậy, tu là quá trình chuyển nghiệp, và việc lập các “đàn tràng cầu an” nghĩa là chúng ta thông qua đó, có ý thức chuyển hóa từ nghiệp xấu thành nghiệp tốt, cụ thể qua sự thực tập hằng ngày. Khi chúng ta đã chuyển hóa như vậy, chúng ta sẽ có được công đức, từ đó bình an và niềm vui nảy sinh trong đời sống một cách tự nhiên.

Tất nhiên, khi nghiệp chúng ta nặng, hay thế gian gọi là “sao xấu chiếu”, thì chúng ta sẽ gặp tai ách, xui rủi, nhưng do biết tăng trưởng phước, đồng thời có sức khỏe tốt, sẽ vượt qua bệnh tật, cảm mạo thông thường.

Nếu đã làm những việc tốt, tịnh thân – khẩu – ý, chúng ta sẽ phát huy được công đức, những điều tốt lành. Nhờ đó, vượt qua khỏi tai ách, sự bất an và đạt đến an lạc. Đó chính là ý nghĩa của việc cầu bình an đầu năm theo quan điểm Phật giáo.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Lễ cầu anphật giáo

Các tin liên quan đến bài viết