Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu – phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – về thực trạng khai thác du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù tiềm năng của khu vực còn rất lớn.
Ngày 16-11, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long (tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long), ông Hà Văn Siêu – phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cho biết sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đã sớm mở lại du lịch nội địa và quốc tế, tạo được sự đồng lòng của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Cho đến nay, du lịch Việt Nam đã phục hồi rất nhanh. Mặc dù trong bối cảnh quốc tế và nhiều quốc gia trong khu vực chưa mở cửa lại, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực phục hồi chậm nhất so với toàn thế giới, Việt Nam là một nước phục hồi sớm.
Từ đầu năm đến nay, về du lịch nội địa, Việt Nam đã đón 91 triệu lượt du khách, so với 85 triệu lượt của năm 2019 thì đây là một con số rất tích cực. Tổng thu du lịch cả nước là 425.000 tỉ đồng, đạt 74% so với mức của năm 2019.
Đối với du khách quốc tế, Việt Nam đã đón 2,3 triệu lượt trong kế hoạch đón 5 triệu lượt năm 2022. Ông Siêu nhận định để đạt được kế hoạch đề ra, ngành du lịch còn phải nỗ lực nhiều hơn.
“Sau kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc để tìm giải pháp phục hồi, thu hút du khách quốc tế vào đất nước chúng ta. Sẽ có chỉ thị của Thủ tướng để thúc đẩy hơn nữa việc thu hút khách du lịch quốc tế”, ông Siêu thông tin.
Ông Siêu cũng nhìn nhận vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng có tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, sắc nét của một vùng sông nước miệt vườn.
“Những tiềm năng du lịch chưa được khai thác như khu Di sản đương đại Mang Thít. Nó mang một giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, không ở đâu có được. Nơi này có thể xây dựng thành một biểu tượng, một đại diện thương hiệu cho du lịch tỉnh Vĩnh Long. Chúng ta cũng còn thấy tiềm năng du lịch nông nghiệp của cả vùng còn rất lớn”, ông Siêu nói và cho biết thêm, thời gian qua Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều sản phẩm du lịch trùng lặp, na ná nhau.
Với tiềm năng như hiện nay, ông Siêu nói các địa phương, nhà tư, doanh nghiệp cần phải có sức sáng tạo để làm ra các trải nghiệm du lịch mới, thiết kế những kỳ nghỉ, chuyến đi ấn tượng, khắc sâu vào tâm trí du khách.
Lợi thế để làm được việc này là sự liên kết giữa TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước. Vì đây là một trung tâm lớn phân phối khách du lịch trong nước và quốc tế cho cả nước.
“Các nhà đầu tư nên tư duy lại, tìm ra cái mới, giá trị của từng địa phương để làm du lịch một cách chất lượng nhất, có giá trị gia tăng cao. Qua đó làm giàu cho chính mình, góp phần làm giàu cho địa phương. Các tỉnh cũng phải cởi trói về cơ chế để hỗ trợ các nhà đầu tư, hợp tác để cùng phát triển”, ông Siêu kiến nghị.
Nguồn: tuoitre.vn