Trung Quốc không muốn trở thành siêu cường – một cực của nhiều quốc gia trong hệ thống quốc tế. Họ muốn trở thành siêu cường – mặt trời địa chính trị để phần còn lại của hệ thống quay xung quanh.
Trung Quốc được cho là đang ở giữa ngã ba đường của những tham vọng và sự bất an. Trong cuốn sách nhan đề “Vùng nguy hiểm: Xung đột sắp tới với Trung Quốc”, hai giáo sư về khoa học chính trị Hal Brands và Michael Beckley đã cố gắng giải thích căn nguyên của viễn cảnh đó: một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và cảm giác bị suy yếu.
Nỗ lực sắp xếp lại trật tự thế giới của Trung Quốc có từ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, và tăng tốc đáng kể trong những năm gần đây.
Theo hai tác giả, trước tiên cần hiểu được tầm quan trọng của các tham vọng – những gì Trung Quốc thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được. Bắc Kinh đang thực hiện một dự án hoành tráng nhằm viết lại các quy tắc của trật tự toàn cầu ở châu Á và xa hơn nữa. Trung Quốc không muốn trở thành siêu cường – một cực của nhiều quốc gia trong hệ thống quốc tế. Họ muốn trở thành siêu cường – mặt trời địa chính trị để phần còn lại của hệ thống quay xung quanh.
Tham vọng ấy thể hiện rất rõ trong những gì các quan chức Trung Quốc đang đề cập đến hiện nay. Điều đó càng rõ ràng hơn trong những gì đại lục đang làm, từ chương trình đóng tàu hải quân đánh bại thế giới đến nỗ lực tái lập địa lý chiến lược Âu – Á.
Đại chiến lược của Trung Quốc bao gồm cả việc theo đuổi các mục tiêu gần đất nước, chẳng hạn như củng cố quyền lực trong nước và thu hồi những phần đã bị tước bỏ khi nước này suy yếu. Nó cũng bao gồm các mục tiêu mở rộng hơn, chẳng hạn như tạo ra phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và cạnh tranh với sức mạnh của Mỹ trên quy mô toàn cầu.
Chương trình nghị sự của Bắc Kinh pha trộn cảm giác về vận mệnh lịch sử của Trung Quốc với sự nhấn mạnh vào các công cụ quyền lực hiện đại của thế kỷ 21. Nó bắt nguồn từ những tham vọng địa chính trị và cả sự bất an đang ám ảnh các nhà lãnh đạo.
Nỗ lực sắp xếp lại trật tự thế giới
Mặc dù nỗ lực sắp xếp lại trật tự thế giới của Trung Quốc có từ trước khi ông Tập lên nắm quyền, nhưng nó đã tăng tốc đáng kể trong những năm gần đây. Ngày nay, bề ngoài, các quan chức đại lục luôn tỏ ra tin tưởng một Trung Quốc trỗi dậy đang làm lu mờ nước Mỹ.
Chiến lược lớn của Trung Quốc thường rõ thấy ở sự đồng thuận của các tầng lớp tinh hoa hơn là trong các kế hoạch chi tiết, từng bước cho tương lai. Song, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang theo đuổi một đại chiến lược đa tầng, kiên định với 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đó là duy trì quyền lực của đảng cầm quyền. Mục tiêu cơ bản của ông Tập, như một quan chức từng giải thích năm 2017, là đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Thứ hai, đưa Trung Quốc trở lại toàn diện bằng cách giành lại các lãnh thổ đã mất trong thời kỳ nội loạn và ngoại xâm trước đó. Ở những nơi khác dọc theo vùng ngoại vi, Trung Quốc đang có những tranh chấp biên giới gây chú ý với nhiều nước, từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Bắc Kinh cũng yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất về mặt thương mại của thế giới.
Mục đích thứ 3 là tạo ra một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Như ông Tập từng nói vào năm 2014: Người dân châu Á phải điều hành các công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của châu Á.
Lớp cuối cùng trong chiến lược của Bắc Kinh tập trung vào việc đạt được sức mạnh toàn cầu và cuối cùng là vị thế toàn cầu. Truyền thông nhà nước và các quan chức đại lục giải thích, một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh không thể thoải mái tồn tại trong một hệ thống do Mỹ lãnh đạo.
Tân Hoa Xã đã nêu thẳng đối tượng sẽ định hình các vấn đề toàn cầu một khi Trung Quốc hoàn thành sự trẻ hóa quốc gia: Vào năm 2050, hai thế kỷ sau cuộc chiến tranh nha phiến, vốn từng đẩy “Vương quốc trung tâm” rơi vào thời kỳ tổn thương và xấu hổ, Trung Quốc dự kiến sẽ lấy lại sức mạnh của mình và trở lại vị trí hàng đầu thế giới. Thời báo Hoàn cầu, tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia tuyên bố: “Cuộc đấu tranh để trở thành số 1 thế giới… là một cuộc chiến tranh nhân dân. Nó sẽ khổng lồ và hùng vĩ như một dòng sông lớn. Đó sẽ là đợt thủy triều không thể ngăn cản”.
Bốn lớp trong đại chiến lược của Trung Quốc đều song hành với nhau. Đại chiến lược của Trung Quốc do đó bao hàm nhiều điều hơn việc bảo vệ đất nước và chế độ cầm quyền một cách hạn hẹp. Những mục tiêu đó gắn chặt với việc theo đuổi sự thay đổi mang tính thời đại trong các quy tắc của khu vực và toàn cầu.
Mối đe dọa Mỹ
Người Mỹ có thể ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi Mỹ là một quốc gia đối đầu nguy hiểm. Trong những thập kỷ gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định họ mong muốn Trung Quốc tốt đẹp. Song đại lục vẫn coi Mỹ đã chắn ngang con đường vươn tới sự vĩ đại của Trung Quốc theo những cách khác.
Trung Quốc không chối bỏ tất cả các khía cạnh của trật tự do Mỹ lãnh đạo. Bắc Kinh khai thác một cách xuất sắc khả năng tiếp cận nền kinh tế toàn cầu mở và các lực lượng quân sự của họ đã tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Nhưng ngay cả vào những thời điểm Bắc Kinh và Washington tỏ ra thân thiện, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nuôi dưỡng những quan điểm tiêu cực về sức mạnh Mỹ. Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người có các cải cách kinh tế dựa vào thị trường và công nghệ của Mỹ, tin Washington đang tiến hành một cuộc chiến tranh thế giới không có tiếng súng nhằm lật đổ nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Những nhận thức như vậy dẫn đến niềm tin rằng việc thực hiện các ước mơ của Trung Quốc rốt cuộc sẽ đòi hỏi một cuộc thử thách sức mạnh với Mỹ. Năm 2019, ông Tập từng phát biểu rằng, Bắc Kinh đang đối mặt một cuộc trường chinh mới trong quan hệ với Mỹ. Ông Tập đã đúng về việc hai nước đang trên đà va chạm. Đại chiến lược của Trung Quốc thúc đẩy Mỹ quan tâm đến việc ngăn chặn bất kỳ thế lực đối nghịch nào kiểm soát Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Động lực giành ưu thế về công nghệ của Trung Quốc cũng không kém phần đáng ngại.
Lý do cơ bản khiến quan hệ Mỹ – Trung Quốc trở nên căng thẳng hiện nay là Bắc Kinh đang cố gắng định hình thế kỷ tiếp theo bằng những cách có nguy cơ đảo ngược những gì Mỹ đã đạt được trong thế kỷ trước. Điều này đặt ra một câu hỏi sâu sắc hơn: Tại sao Bắc Kinh lại bắt đầu sửa đổi hệ thống về cơ bản, ngay cả khi làm như vậy dẫn đến sự cạnh tranh nguy hiểm với Washington?
Trỗi dậy tìm kiếm quyền lực
Câu trả lời liên quan đến địa chính trị, lịch sử và hệ tư tưởng. Theo một cách nào đó, việc Trung Quốc nỗ lực giành vị trí dẫn đầu là một chương mới trong câu chuyện lâu đời nhất trên thế giới. Các quốc gia đang trỗi dậy thường tìm kiếm ảnh hưởng, sự tôn trọng và quyền lực lớn hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ đơn giản bị lay động bởi logic địa chính trị lạnh lùng. Việc nước này đang vươn tới vinh quang còn như một vấn đề của vận mệnh lịch sử. Các nhà lãnh đạo đại lục coi họ là người thừa kế của một nhà nước Trung Quốc từng là siêu cường trong hầu hết lịch sử. Một loạt đế chế Trung Quốc tuyên bố “tất cả dưới bầu trời” thuộc sự cai quản của họ. Họ bắt các quốc gia lân cận nhỏ hơn phải quy phục.
Lịch sử này đã nuôi dưỡng ở người Trung Quốc một niềm tin vững chắc về vai trò của họ cũng như đất nước họ trong thế giới ngày nay và mãi mãi về sau, Michael Schuman, một nhà quan sát châu Á kỳ cựu viết trong cuốn sách “Siêu cường bị gián đoạn”.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, một thế giới do Mỹ lãnh đạo, trong đó Trung Quốc là cường quốc hạng 2 không phải thông lệ lịch sử mà là một ngoại lệ nghiêm trọng. Trật tự đó được tạo ra sau Thế chiến thứ hai, trong đó một Trung Quốc chia rẽ đã bị các thế lực ngoại bang “bóc lột”. Nhiệm vụ của Trung Quốc là thiết lập lại lịch sử một cách đúng đắn, bằng cách đưa đại lục trở lại vị trí hàng đầu.
Cuối cùng là sự tồn tại của mệnh lệnh ý thức hệ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy sự thôi thúc phải làm cho các chuẩn mực và thể chế quốc tế trở nên thân thiện hơn với sự dẫn dắt của Bắc Kinh. Họ phải giành lấy quyền lực quốc tế. Và khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh chắc chắn sẽ tìm cách nâng cao ảnh hưởng và khẳng định mô hình của họ ở nước ngoài.
Không có gì bất thường về điều này. Khi Mỹ trở thành một cường quốc thế giới, họ cũng đã tạo nên một thế giới sẵn sàng tiếp nhận các giá trị họ theo đuổi.
Nhưng ngay cả khi ca ngợi sức mạnh của Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận có nhiều cách để “phương Tây mạnh và phương Đông yếu”. Khi xem xét kỹ hơn, hóa ra có một Trung Quốc khác, đang bị bao vây bởi ngày càng nhiều các vấn đề trong nước và sự gia tăng đối đầu bên ngoài: Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, năng suất sụt giảm; nước, thực phẩm và năng lượng đang trở nên khan hiếm; đối mặt với sự sụp đổ nhân khẩu học thời bình tồi tệ nhất trong lịch sử… Hơn nữa, Trung Quốc đang mất dần quyền tiếp cận với thế giới đã giúp họ đi lên.
Nguồn: vietnamnet