Môn tiếng Anh và tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai từ năm học 2022 – 2023. Nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn thiếu trầm trọng giáo viên của hai môn học này.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu học: Môn học mới thiếu trầm trọng giáo viên - Ảnh 1.

Giáo viên tiểu học tại Tuyên Quang trong một giờ dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 

Tính đến năm học sắp tới, cả nước có 27.338 giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, trong đó đạt chuẩn trở lên là 19.913 giáo viên (chiếm 72,8%), dưới chuẩn cần tiếp tục bồi dưỡng là 5.685 giáo viên (chiếm 20,8%).

Thiếu trên 13.000 giáo viên

Khi triển khai chương trình mới, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tạm đủ giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học cho lớp 3, 4, 5 thì cần 9.589 giáo viên. Riêng trong năm học tới, phải cần thêm 5.322 giáo viên tiếng Anh, và hai năm tiếp theo lần lượt cần 2.207 và 2.060 giáo viên.

Giáo viên tin học cả nước hiện có 11.026 giáo viên, trong đó chỉ có 72,8% giáo viên biên chế, còn lại là hợp đồng. Còn trên 30% giáo viên tin học chưa đạt chuẩn. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần phải có thêm 3.684 giáo viên tin học thì mới đủ tối thiểu 1 giáo viên tin học/trường.

Như vậy sẽ cần trên 13.000 giáo viên tiếng Anh và tin học mới tạm đủ để triển khai bắt buộc hai môn học này ở cấp tiểu học (100% học sinh học).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 373 giáo viên tiếng Anh đang dạy tự chọn ở cấp tiểu học và dạy bắt buộc ở cấp THCS (theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2000).

Tính tới năm học 2024 – 2025, Yên Bái còn thiếu 273 giáo viên tiếng Anh. Tương tự, nhu cầu giáo viên tin học của Yên Bái tính đến năm học 2024 – 2025 là 434, so với hiện tại còn thiếu 285 giáo viên.

Tại Hà Giang, giáo viên tiểu học chưa đảm bảo để dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học tới mới đạt tỉ lệ 1,25 giáo viên/lớp. Số giáo viên tiếng Anh hiện có là 136 người. Để triển khai dạy bắt buộc ngay trong năm học tới, cần thêm 93 người. Nhưng để đủ cho cả lớp 3, 4, 5 ở bậc tiểu học học chương trình mới, tỉnh này cần thêm 300 giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tỉnh khác thiếu số lượng đáng kể giáo viên tiếng Anh, tin học cấp tiểu học để thực hiện chương trình mới như Lai Châu, Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum, Thanh Hóa, Quảng Ninh…

Không có biên chế, thiếu nguồn tuyển

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã phê duyệt được hơn ba năm và triển khai sang năm học thứ ba, nhưng tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên các môn học mới (môn mới, môn chuyển từ tự chọn sang bắt buộc) vẫn là khó khăn lớn nhất.

Theo phân tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên do hai lý do chính: không có biên chế hoặc có biên chế nhưng không có nguồn tuyển. Năm học tới, ngành giáo dục và đào tạo được bổ sung trên 27.500 biên chế giáo viên các cấp học.

Nhưng việc đào tạo giáo viên đủ điều kiện về trình độ theo yêu cầu mới không kịp để bổ sung cho nguồn tuyển. Một số địa phương khó khăn chưa có cơ chế thu hút giáo viên.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ theo Luật Giáo dục thì trình độ giáo viên tiểu học đã nâng từ trung cấp lên đại học. Tính từ khi luật có hiệu lực đến nay mới hai năm nên các cơ sở đào tạo giáo viên chưa thể cung cấp kịp, nhất là giáo viên tin học. Nghệ An hiện chỉ mới đạt 1,24 giáo viên/lớp, trong khi yêu cầu tối thiểu để triển khai dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 1,5 giáo viên/lớp.

Dạy liên trường, liên cấp

Với yêu cầu dạy bắt buộc tiếng Anh, tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học tới, nhiều địa phương đang phải gồng lên áp dụng nhiều giải pháp tình thế để có thể đáp ứng yêu cầu.

Thanh Hóa còn thiếu hơn 100 giáo viên tiếng Anh và hơn 400 giáo viên tin học tiểu học để có thể đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cấp tiểu học.

Để đáp ứng yêu cầu giáo viên tin học, ngoại ngữ ở lớp 3 cho năm học tới, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết đã thực hiện việc điều động, thuyên chuyển giáo viên dạy liên trường, liên cấp sau khi đã được bồi dưỡng, tập huấn để phù hợp với đối tượng học sinh của cấp tiểu học.

Tỉnh Kon Tum cũng xây dựng phương án bố trí giáo viên linh hoạt dựa trên rà soát nhu cầu ở từng địa bàn cụ thể vào đầu năm học mới. Theo đó, giáo viên tiếng Anh và tin học cấp tiểu học trong biên chế được ưu tiên xếp dạy lớp 3.

Những giáo viên này được bố trí dạy liên trường trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Kon Tum cũng điều chuyển giáo viên THCS ở nơi đang dư thừa xuống dạy tiểu học.

Một số tỉnh miền núi phía Bắc đang tính toán giải pháp bố trí giáo viên và thiết bị để dạy trực tuyến môn tiếng Anh.

Các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu đều đang tính toán việc tổ chức giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh theo cụm trường.

Việc tổ chức dạy trực tuyến có thể trong phạm vi cấp huyện, thị. Học sinh của các trường trong một huyện, thị được học trực tuyến với giáo viên thuộc biên chế của các trường trong huyện đó.

Nhưng cũng có thể mở rộng để giáo viên ở vùng thuận lợi dạy trực tuyến cho học sinh vùng còn thiếu giáo viên trong nội tỉnh, thậm chí có thể huy động sự hỗ trợ nguồn nhân lực ở các tỉnh thành khác.

Cả huyện chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh

Tỉnh Hà Giang còn nhiều trường không có giáo viên tiếng Anh. Toàn huyện Mèo Vạc chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Môn tin học ở Hà Giang có 100 giáo viên, còn thiếu 77 người.

Không thể triển khai môn học mới vì không có giáo viên

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc trung học hiện có trên 430.000 giáo viên. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THCS còn thiếu 14.653 giáo viên và cấp THPT còn thiếu 11.133 giáo viên.

Các tỉnh thiếu nhiều nhất là Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bạc Liêu… Riêng giáo viên để dạy môn nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc) đang thiếu 5.367 giáo viên.

Năm học 2022 – 2023, nhiều địa phương không triển khai được môn nghệ thuật ở lớp 10 mặc dù có nhu cầu của học sinh lựa chọn môn học này. Lý do không triển khai được là không có giáo viên cơ hữu cũng chưa có giải pháp để huy động nguồn giáo viên khác cho môn học này.

TP.HCM đỏ mắt tuyển giáo viên

NH-LDC1a 1(Read-Only)

Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM trong ngày tựu trường năm học 2022 – 2023 Trong bối cảnh học sinh lớp 3 bậc tiểu học bắt đầu phải học môn tin học, công nghệ bắt buộc và tính điểm cuối kỳ theo chương trình sách giáo khoa (SGK) 2018, các trường tiểu học và phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, TP Thủ Đức (TP.HCM) đau đầu trước bài toán thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các môn tin học, công nghệ, tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Những năm trước trường cũng đã tuyển giáo viên môn tin học nhưng không thể tuyển được vì thông báo tuyển dụng nhưng không có người ứng tuyển. Đối với môn công nghệ, trường đã tập huấn cho giáo viên dạy nhiều môn để giáo viên có thể choàng gánh trong thời điểm chưa có giáo viên chuyên ngành. Với môn tin học, giáo viên dạy nhiều môn không thể choàng gánh nên tôi cũng đang đau đầu với việc tuyển giáo viên để đảm bảo dạy học theo chương trình giáo dục 2018, mỗi tuần học sinh học một tiết tin học”.

Theo ông Phan Sĩ Đạt, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, như hầu hết các quận huyện tại TP.HCM, ngành giáo dục quận đang thiếu rất nhiều giáo viên trong đó đặc biệt là giáo viên các môn học mới.

“Năm nay toàn quận thông báo tuyển đến 29 giáo viên môn tiếng Anh và 10 giáo viên môn tin học, 22 giáo viên nhiều môn ở bậc tiểu học để đảm bảo công tác dạy học chương trình phổ thông mới. Tôi hy vọng sẽ tuyển đủ nguồn giáo viên mà các trường cần” – ông Đạt nói.

Tương tự, quận Bình Tân năm nay có 24 trường tiểu học nhưng theo nhu cầu tuyển dụng năm học 2022 – 2023, quận Bình Tân tuyển cho các trường tiểu học đến 19 giáo viên tin học và 32 giáo viên tiếng Anh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân không tuyển được giáo viên, một hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.HCM cho biết năm học 2022 – 2023 nhà trường thiếu giáo viên tin học nhưng không thể thuyết phục được giáo viên đang dạy tin học của trường thi tuyển để trở thành viên chức trong nhà trường.

“Họ dạy theo tiết như vậy thì tiết nào họ lấy tiền tiết đó, không bị ràng buộc các hoạt động. Còn trở thành giáo viên viên chức thì lương khởi điểm của giáo viên đưa về mức trung cấp (1,86) và phải hai năm sau mới được thi nâng bậc. Lương khởi điểm của giáo viên tiểu học dù bằng cấp gì cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, cộng các khoản này kia và phụ cấp các kiểu cũng khoảng 4 triệu đồng/tháng, hỏi làm sao giáo viên tiểu học sống nổi ở TP.HCM đắt đỏ này?” – hiệu trưởng này nói về nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ những bất cập trong Luật giáo dục khi quy định giáo viên bậc tiểu học phải tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không cho phép tuyển giáo viên tốt nghiệp bậc trung cấp, cao đẳng. “Trong những môn yêu cầu về năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao và những môn đặc thù như tin học và công nghệ, trình độ của những người học trung cấp đủ để đảm nhận việc dạy học theo yêu cầu môn học này rồi. Chúng ta muốn tuyển dụng và đội ngũ gắn bó với nhà trường thì cần phải sửa luật theo hướng quy định bằng cấp chuẩn trình độ, còn việc yêu cầu nâng cao bằng cấp, trình độ phải tùy thuộc vào từng địa phương” – ông này phân tích.

Trong khi đó, một trưởng phòng giáo dục và đào tạo tại TP.HCM nói nguyên nhân thứ ba là do những ngành như âm nhạc, mỹ thuật, tin học được tuyển sinh quá ít, đào tạo quá ít mỗi năm do học sinh phổ thông không biết về ngành này còn các trường sư phạm thì không có những chính sách riêng để thu hút thí sinh vào những ngành này.

Xác nhận với Tuổi Trẻ về tình trạng thiếu giáo viên môn tin học và tiếng Anh ở nhiều quận huyện TP.HCM, bà Lâm Hồng Lãm Thúy – trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạoTP.HCM – cho biết sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường và trong hội nghị cuối tháng 8-2022 sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó tình trạng này. Đối với những đơn vị thiếu giáo viên môn tin học và ngoại ngữ, có thể ký hợp đồng với giáo viên hoặc thỉnh giảng, phòng GD-ĐT có thể điều chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống. Ngay cả cho phép các trung tâm có năng lực phối hợp dạy học để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ, tin học.

“Riêng đối với môn công nghệ, để thực hiện nội dung môn học này thì ngay từ năm học trước Sở GD-ĐT TP.HCM đã có rà soát và đưa giáo viên tin học công nghệ đi học lấy chứng chỉ nên hiện tại đã thực hiện và chủ động. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng phối hợp với Trường ĐH sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức bồi dưỡng, đặt hàng để chủ động nguồn giáo viên cho thực hiện chương trình giáo dục tiểu học mới” – bà Thúy thông tin.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu họcthiếu giáo viên

Các tin liên quan đến bài viết