Ngày 23-8, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lãnh án 12 năm tù, bị phạt hàng chục triệu USD vì tham nhũng. Trước đó, đầu năm 2021, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên án 3 năm tù, trong đó có 2 năm tù treo cũng vì tham nhũng…
Trong hai thập niên qua, nhiều cựu lãnh đạo trên thế giới đã bị xét xử, tuyên án, phạt tù vì tham nhũng, lạm quyền, trốn thuế… Những án phạt nghiêm minh dành cho họ đã phần nào củng cố niềm tin với người dân rằng “không ai đứng trên luật pháp”.
Mới nhất, trong tuần qua, sau những kháng cáo bất thành, ngày 23-8 cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lãnh án 12 năm tù và bị phạt hàng chục triệu USD vì bê bối tham nhũng rút ruột hàng tỉ USD từ Quỹ nhà nước 1MDB. Tại Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump cũng đang đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý mà gần nhất là việc các đặc vụ FBI bất ngờ khám xét tư gia của ông tại Florida và thu giữ nhiều tài liệu đóng dấu mật.
Về hưu vẫn không thoát
Đầu năm 2021, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên án 3 năm tù, trong đó có 2 năm hưởng án treo, vì tội tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng cá nhân để thu lợi trong thời gian tại nhiệm. Trong thời gian là lãnh đạo nước Pháp từ năm 2007 tới 2012, ông Sarkozy bị cáo buộc hối lộ thẩm phán Gilbert Azibert để đổi lấy thông tin nội bộ về cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc ông đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp từ Liliane Bettencourt, người thừa kế Tập đoàn L’Oreal, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.
Các thẩm phán Pháp nhận thấy hành động của ông Sarkozy là “đặc biệt nghiêm trọng” bởi ông đã vi phạm hiến pháp khi dùng quyền lực hành pháp để can thiệp vào nền tư pháp. Trong quá khứ, ông Sarkozy cũng đã bị buộc tội nhận tiền từ chính phủ của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi cũng như thao túng một nữ đại gia lớn tuổi để có được các khoản đóng góp chiến dịch bầu cử, theo báo Washington Post tháng 4-2021.
Tuy nhiên, ông Sarkozy không phải lãnh đạo châu Âu đầu tiên bị buộc tội và bị kết tội sau khi rời nhiệm sở. Trước đó, năm 2011 ông Jacques Chirac, người từng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống Pháp từ 1995 đến 2007, cũng đã bị kết tội biển thủ ngân sách, lạm dụng lòng tin công chúng và lạm quyền khi tạo việc làm giả tại Tòa thị chính Paris. Tuy nhiên, bản án 2 năm tù của ông đã được tạm hoãn vì lý do tuổi cao và sức yếu, khó thi hành án.
“Lưới trời lồng lộng”
Bê bối tham nhũng kéo dài và có quy mô lớn nhất tại châu Âu bị phanh phui vào năm 1999 là vụ án “Schwarzgeldaffäre” (Bê bối tiền đen) liên quan tới cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl và một loạt chính trị gia Đức và Pháp, trong đó có cựu tổng thống Pháp François Mitterrand.
Cựu thủ tướng Kohl vốn có công lớn trong việc thống nhất nước Đức và là thủ tướng lâu nhất kể từ cuối những năm 1800, vì vậy thế lực chính trị của ông hoàn toàn vững chắc và tưởng như khó có thể bị “đụng vào”. Ấy thế nhưng ngay sau khi hết nhiệm kỳ, ông Kohl và thuộc cấp lập tức bị điều tra diện rộng bao gồm các khoản quyên góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử, nhận lại quả từ các thương vụ mua bán, biến bất động sản công thành của riêng, nhập nhằng quỹ đảng và trốn thuế, theo báo Spiegel (Đức). Dù ông Kohl đã mất từ tháng 6-2017 nhưng tới nay sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.
Danh sách các cựu thủ tướng và cộng sự bị buộc tội tham nhũng còn kéo dài với các nhà lãnh đạo bị kết tội ở Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Estonia và các nơi khác khiến không khí “đốt lò” ở châu Âu luôn nóng hơn bao giờ hết. Trên thực tế, công cuộc chống tham nhũng không chỉ nhắm vào các vị đã “về vườn”, mà ngay cả với những người đương nhiệm và đang còn thế lực chính trị vững chắc, họ cũng không dễ dàng qua mặt được sự giám sát độc lập của nhánh tư pháp.
Tại Áo, ông Sebastian Kurz đã bị điều tra ngay khi đang ngồi ghế thủ tướng và buộc phải rời chức lần thứ hai vì tham nhũng và hối lộ. Theo báo Spiegel, “những cáo buộc rất nghiêm trọng về tội phản quốc, hối lộ và tham nhũng, với đầy đủ các án tù thực sự” đã được đưa ra chống lại thủ tướng Kurz và các cộng sự của ông liên quan tới giai đoạn 2016 – 2018, khi sự nghiệp của ông Kurz cất cánh.
Hay gần đây nhất, giữa tháng 8 vừa qua, thủ tướng đương nhiệm Đức là Olaf Scholz bị điều trần liên quan tới vụ gian lận thuế của Ngân hàng Warburg khi ông còn làm thị trưởng thứ nhất của Hamburg. Báo Bild cho rằng dù sự việc còn chưa có kết luận cuối cùng nhưng uy tín của ông Scholz đã bị giảm sút nghiêm trọng so với thời điểm nhậm chức 8 tháng trước.
Rõ ràng, việc luận tội các nguyên thủ quốc gia và cộng sự của họ ở trong hoặc sau nhiệm kỳ càng củng cố thêm tính độc lập, nghiêm minh của nền tư pháp quốc gia và làm gia tăng mạnh mẽ niềm tin của người dân vào sự công bằng, minh bạch của thể chế chính trị. Không có bất kỳ “vùng cấm” nào trong cuộc chiến chống tham nhũng, đây chính là cảnh báo mạnh mẽ nhất cho các chính trị gia khi đứng trước nhiều cám dỗ của đồng tiền.
Tại châu Á, tội tham nhũng đã khiến không ít lãnh đạo cả đương nhiệm lẫn về hưu phải trả giá đắt, điển hình như ở Hàn Quốc. Ông Roh Moo-hyun, nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong các năm 2003 – 2008, đã tự sát sau khi rời nhiệm sở một năm, lúc đang bị điều tra tội tham nhũng.
Người kế nhiệm của ông Roh là ông Lee Myung-bak, 78 tuổi, cũng đã bị đưa lại nhà tù sau khi tòa giữ nguyên bản án 17 năm tù với ông vì tham nhũng. Người thay ông Lee, bà Park Geun-hye, dù đương nhiệm và có một gia thế chính trị vững mạnh, vẫn bị điều trần suốt một năm và bị cách chức vào năm 2017. Bà Park bị kết án 24 năm tù vì nhận hối lộ vào năm 2018, theo trang Axios.
Nguồn: tuoitre.vn