“Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh”.
Đó là hậu quả của việc thiếu thiết bị y tế hoặc thiết bị chất lượng kém ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh.
Hàng rẻ, kém chất lượng chính là lãng phí
Giám đốc một bệnh viện đa khoa hạng 1 tại TP.HCM nói về nỗi niềm của ông Nguyễn Tri Thức về vấn đề “dao mổ giá rẻ”: “Tôi hiểu cảm xúc đó. Ai hỏi tức không, tức chứ! Bởi với một người đứng đầu được giao chủ trì việc cứu người nhưng lại không thể quyết định được giải pháp tốt nhất cho người bệnh.
Khi đi mua sắm trang thiết bị, ai cũng đều muốn mua loại tốt nhất, nhưng thực tế cứ bị vướng cái này cái nọ, phải cân đo đong đếm lấy hàng giá rẻ nhất, thế rồi mua về cũng không đạt yêu cầu sử dụng. Đây là một sự lãng phí”.
Một chuyên gia hàng đầu về bệnh lý mạch máu não cho biết việc thiếu trang thiết bị vật tư, thuốc men cho y tế là một chuyện, thiếu hàng đủ chất lượng điều trị mới là vấn đề thực sự đáng báo động bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Dẫn chứng tại bệnh viện nơi ông đang công tác, nếu đáp ứng đúng nhu cầu phải cần cùng lúc đến 5 máy chụp CT-MR nhưng thực tế hiện giờ chỉ còn 1 máy CT-MR hoạt động, các máy còn lại đang trong tình trạng “trùm mền”.
Chuyên gia này giải thích: “Thiếu thuốc còn có thể điều chỉnh được bằng thuốc thay thế, dù chất lượng không tương đồng, còn về trang thiết bị và phương tiện chẩn đoán nếu thiếu chỉ còn nước bó tay hoặc bất đắc dĩ phải xài lại”.
Theo ông, một số dụng cụ như stent (ống đỡ động mạch), hay như dụng cụ lấy huyết khối chẳng hạn hiện có lúc phải dùng đồ xài rồi, dù nguyên tắc không cho phép.
“Đã dùng đồ cũ đương nhiên không thể tơ hào đồng nào từ người bệnh, và phải thừa nhận việc này đâu thể an toàn được, nhưng có còn hơn không. Đứng trước sinh mệnh của người bệnh, chúng tôi không thể thấy chết mà không cứu được” – ông nhìn nhận.
Cũng từ quan điểm này, ông Võ Đức Chiến – giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – kể: ở thời điểm người dân TP.HCM chưa chích ngừa COVID-19, lúc bấy giờ đơn vị ông đang “ôm” một lượng lớn bệnh nhân nằm chạy thận nhân tạo.
Nếu để “lọt lưới” COVID-19, theo ông Chiến, nguy cơ bệnh nhân tử vong hàng loạt là điều khó tránh khỏi.
“Ngay từ đầu tôi xây dựng nguyên tắc phải mua kit test do WHO và FDA chứng nhận, cho dù giá cả có cao hơn một số loại khác. Lúc ấy chỉ có kit test của Mỹ đạt yêu cầu và chúng tôi nghiêm khắc với chất lượng đó nhằm tạo hàng rào bảo vệ tối đa cho người bệnh.
Không biết sau này có hồi cứu lại hay không, nếu có tôi cũng đành chịu trách nhiệm bởi trong tình huống cấp bách, bảo vệ bệnh nhân là quan trọng” – ông Chiến nêu ý kiến thẳng thắn.
Phải nhanh chóng gỡ vướng mắc
Từ các vấn đề phát sinh nêu trên, ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị về giá hàng hóa mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, bởi bệnh viện dễ rơi vào “bẫy” mua phải vật tư không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Theo ông, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng bệnh viện và quy định rõ các bước, các hội đồng có thẩm quyền xác định nhu cầu điều trị thực tế là phù hợp với đơn vị.
Vị chuyên gia về bệnh lý mạch máu não cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần thay đổi quy định đấu thầu theo kiểu “giá mua sắm là giá thấp nhất”, bởi điều này tác động rất lớn đến chất lượng điều trị.
“Tôi hỏi thật với bệnh lý mạch máu não cần phải can thiệp, một stent giá bèo của một nhà sản xuất đại trà “giá nào cũng có’”, liệu mấy ai dám gắn lên đầu. Khi mua giá rẻ, có hai vấn đề là chất lượng điều trị kém và phát sinh tiêu cực”, ông nói.
Các bệnh viện cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu.
Như với yêu cầu 3 bảng báo giá, các bệnh viện đều cho rằng trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành, một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có 1 nhà cung cấp trên địa bàn.
Do đó việc thu thập đủ 3 bảng báo giá theo quy định để xác lập giá kế hoạch khó thực hiện được.
“Thời gian qua có một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ 3 báo giá, có loại chỉ có 2 báo giá, có loại thì chỉ có 1 báo giá và thậm chí không có báo giá nào” – ông Trần Văn Sóng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, dẫn chứng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định – gợi ý dựa theo quy định đấu thầu sẽ có các tiêu chí kỹ thuật, nếu sản phẩm nào dự thầu đạt các tiêu chí kỹ thuật sẽ tiếp tục xét đến giá thành và cuối cùng chọn sản phẩm có giá thành thấp nhất.
“Dĩ nhiên khi mua sắm buộc phải lựa theo giá thấp nhất sẽ không thể mong muốn có được sản phẩm mang lại kết quả điều trị tối ưu” – ông Hải chia sẻ.
Và để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo chất lượng điều trị nêu trên, bác sĩ Nguyễn Tri Thức kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng I trở lên được lựa chọn “thương hiệu nhà sản xuất” trong việc mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao, có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó.
Kiến nghị quy định chi tiết như thế nào là tình huống cấp bách trong y khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh; để từ đó các cơ sở y tế an tâm trong việc chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ tổ chức nào trong cơ sở y tế được thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, để tránh lạm dụng chỉ định thầu và đồng thời bảo vệ cho cán bộ lãnh đạo quản lý.
“Thuốc và trang thiết bị y tế có tính đặc thù rất cao, không giống như những loại hàng hóa thông thường khác, do đó tôi đề nghị bổ sung 1 chương riêng, chuyên sâu về đấu thầu và mua sắm phục vụ công tác y tế trong Luật đấu thầu” – ông Thức kiến nghị.
Kiến nghị tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế
Ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị các bộ, ngành nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo nghị định 60.
Theo ông Thức, giá dịch vụ công (dịch vụ y tế) được quy định tại điểm a khoản 3 nghị định số 60 xác lập đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá.
Tuy nhiên, đến nay giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư.
Mặt khác, theo ông Thức, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế.
Ông dẫn chứng: “Ví dụ như điện nước, chi phí, xăng dầu, chi phí tiền lương tiền công, BHXH, BHYT… chưa kể đến các chi phí vật tư tiêu hao biến động giá theo cơ chế thị trường và trượt giá ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài”.
Máy móc thiết bị “lèo tèo”
Từ cuối năm 2021, mắt của bà N.T.V. (55 tuổi, ngụ quận 10) bỗng dưng mờ nhanh. Bà V. được tư vấn đến chuyên khoa mắt của một bệnh viện lớn tại TP.HCM để khám. Bác sĩ chẩn đoán bà V. bị “cao nhãn áp glocom”, thậm chí tiên đoán bệnh nhân có thể đang mắc phải căn bệnh nan y là “viêm võng mạc đa sắc tố”.
“Nhưng để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có khuyên tôi qua Bệnh viện Mắt TP.HCM làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, chứ với máy móc thiết bị lèo tèo hiện tại của bệnh viện đó thì không thể chẩn đoán chính xác được” – bà V. tỏ ra ngao ngán về việc phải đi khám “bổ sung” ở một bệnh viện khác.
* Ông Lê Văn Tăng (nguyên cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư):
Không có quy định nào trong luật bắt phải mua “dao cùn”
Mọi hàng hóa mua qua đấu thầu phải đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật thì mới xem xét tới vấn đề giá mua là bao nhiêu. Nếu “dao mổ rạch 3 lần mới qua lớp da” thì có cho cũng không lấy chứ chưa nói đến việc bỏ tiền ngân sách mua.
Chất lượng “dao mổ” không đạt thì sao lại mua về. Với việc đấu thầu mua thiết bị tại bệnh viện, “dao mổ” đầu tiên phải đạt tiêu chí kỹ thuật mổ được, không có quy định nào trong luật bắt các bệnh viện công phải mua “dao cùn”.
Luật đấu thầu luôn quy định 2 bước phải đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật mới xem đến giá. Ngay cả khi mua “dao mổ” giá thấp nhất thì cũng phải đạt tiêu chí kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu, tức phải sử dụng được trong phẫu thuật.
Quy trình đấu thầu đã quy định rất rõ, đấu thầu không phải chuyện ra chợ cái gì rẻ nhất thì mua. Trong số những nhà thầu đáp ứng về kỹ thuật, cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, nhà thầu nào có giá chào thầu thấp nhất sẽ được chọn.
Việc bệnh viện mua “dao cùn”, “rạch 3 lần mới qua lớp da” thì cần xem lại trình độ của người làm đấu thầu tại bệnh viện.
* TS Nguyễn Việt Hùng (chuyên gia về đấu thầu):
Tiền nào của nấy
Mọi cuộc đấu thầu đều có hai vòng đánh giá về kỹ thuật và về tài chính. Đầu tiên nhà thầu phải vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí kỹ thuật. Với các loại “dao mổ” đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì loại nào rẻ nhất sẽ được mua.
Nhưng không thể ít tiền mà lại đi mua cái tốt nhất. Nếu mua loại dao tốt nhất, giá đắt thì người bệnh, bảo hiểm có chi nổi không.
Trong mua sắm công, bộ trưởng, thứ trưởng dùng xe nào cũng có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng, chứ không thể muốn mua xe bao nhiêu tiền thì mua. Với bệnh viện tư nhân, họ mua loại “dao mổ” nào, giá bao nhiêu thì họ tự quyết định.
Đấu thầu là chọn hàng hóa đáp ứng yêu cầu, “dao mổ” ở bệnh viện công là đáp ứng yêu cầu toàn dân.
Vì vậy thời gian qua tại các bệnh viện mới có hình thức liên doanh, liên kết, đặt máy, mượn máy. Đây là một biệt lệ để đáp ứng nhu cầu của người giàu, người có nhiều tiền hơn, dùng loại thiết bị y tế tốt hơn.
Nên thiết bị tốt nhất chỉ phù hợp với mô hình liên doanh, liên kết thôi, chứ không phải thiết bị sử dụng cho đa số người dân có thu nhập thấp, bệnh nhân nghèo.
Liên doanh, liên kết là một sự “mềm hóa” về tư duy trong quản lý nhà nước, chứ nhà nước và tư nhân kết hợp với nhau cực kỳ khó. Nên cần trọng tài đứng ra cho hình thức liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công.
Nguồn: tuoitre.vn