Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) (NTU) là đại học đứng thứ 19 trong top đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng QS Ranking 2022.
Chia sẻ với VietNamNet, Khánh Linh kể rằng bản thân yêu thích học Toán từ nhỏ và ước mơ du học cũng bắt nguồn từ người chị hàng xóm nhiều năm trước đậu học bổng ASEAN và theo học tại NTU.
“Lúc đấy chị là hình tượng của em nên em đã phấn đấu và xác định chuẩn bị hồ sơ du học ngay khi bước vào cấp 3” – Linh nói.
Một lí do nữa khiến Khánh Linh quyết tâm theo học ngành liên quan đến công nghệ bắt nguồn từ câu chuyện của người mẹ.
“Trước kia, mẹ em thi đỗ ngành máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội và rất thích nhưng bà em mong muốn mẹ theo đuổi ngành sư phạm nên mẹ đã thành giáo viên dạy Toán. Vì vậy, khi em nói muốn học ngành liên quan công nghệ, bố mẹ đã luôn cổ vũ và mong em có thể theo đuổi điều em thích” – Khánh Linh nói.
Năm lớp 10, Khánh Linh ra Hà Nội học lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngay từ thời điểm đó, nữ sinh đã nhắm mục tiêu du học Singapore với học bổng ASEAN và rủ người bạn cùng lớp chuẩn bị hồ sơ từ năm lớp 10.
3 năm chuẩn bị học bổng ASEAN
Khánh Linh cho biết để nhận được học bổng ASEAN bậc đại học, ứng viên cần vượt qua 2 vòng: Đầu tiên là được ngôi trường có nguyện vọng theo học chấp nhận, vòng thứ 2 là thi phỏng vấn.
Trong vòng đầu tiên, Khánh Linh đã nộp vào ngành Khoa học dữ liệu và AI của Đại học Công nghệ Nanyang. Nữ sinh cho biết hồ sơ gồm có xác nhận điểm trung bình học tập, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, hoạt động ngoại khóa, sau đó tham gia vòng phỏng vấn máy.
Do có mục tiêu từ sớm nên quá trình chuẩn bị hồ sơ của Khánh Linh không quá vất vả. Đối với yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, Khánh Linh đã đạt 7.0 IELTS nhờ chiến thuật “chia nhỏ để học” trong suốt 3 năm THPT.
“Khi vào lớp 10, em yếu nhất kĩ năng Nghe nên đã tập nghe các đoạn hội thoại đơn giản hàng ngày sau đó nâng dần độ khó. Sau đó, em lên kế hoạch để ôn kỹ năng Đọc bằng cách luyện đề. Đối với kỹ năng Nói, ban đầu em luyện với bạn nhưng 2 đứa có lịch khác nhau nên em chuyển sang tự học nói 1 mình trên mạng. Đối với kỹ năng Viết, em viết lại các bài mẫu điểm cao trên Internet và sau đó phân tích cách làm, cấu trúc” – Linh chia sẻ.
Ngoài ra, nữ sinh cũng có một số hoạt động ngoại khóa như: tham gia dạy Toán cho trẻ em, viết bài về lĩnh vực khoa học công nghệ và quản trị một trang fanpage để chia sẻ kiến thức về khoa học kỹ thuật.
Để tăng khả năng cạnh tranh, Khánh Linh còn ôn thi chứng chỉ A Level ngay từ năm lớp 11 với 3 môn Toán, Toán nâng cao và Vật lý.
“Em ôn thi cũng để dự phòng trường hợp không đỗ học bổng thì có thể sử dụng chứng chỉ để xét tuyển vào các trường đại học trong nước. Kết quả là em đậu điểm khá cao sau hơn 1 năm ôn luyện” – Khánh Linh kể.
Sau khi nộp hồ sơ, Khánh Linh tham gia vòng phỏng vấn với máy và cho biết thời điểm đó, nữ sinh vô cùng căng thẳng.
“Trước ngày phỏng vấn khoảng 2 tuần, em dành 2 giờ mỗi ngày để luyện phỏng vấn mẫu bằng tiếng Anh với bạn. Chúng em tham khảo các câu hỏi từ những năm trước và của các anh chị. Thời gian này em cực kì stress vì không biết có qua được không” – Linh kể.
May mắn, hồ sơ của Khánh Linh đã đến được vòng học bổng ASEAN. Nữ sinh cho biết chỉ có những ai vượt qua vòng chấp nhận và nhận thư mời phỏng vấn học bổng mới có thể có cơ hội giành được học bổng này.
Ngoài những giấy tờ trước đó, hội đồng tuyển sinh yêu cầu nữ sinh có thêm 1 bài luận, 1 bài viết về 5 thành tích nổi bật và tham gia phỏng vấn trực tiếp với các giáo sư. Tuy vậy, Khánh Linh nói cảm thấy may mắn vì năm nay, hội đồng tuyển sinh không tổ chức thi học bổng mà chỉ xét hồ sơ.
Về bài luận, Khánh Linh tâm sự rằng ý tưởng đến khá nhanh khi đề bài yêu cầu kể về câu chuyện của riêng mình.
“Trong bài, em viết về định kiến việc con gái không thể học tốt môn Toán và kể câu chuyện đi dạy Toán ở làng trẻ em SOS. Khi thấy các bé gái rất rụt rè, em đã động viên các em hãy cứ học theo sở thích của mình” – Khánh Linh kể.
Đến vòng phỏng vấn trực tiếp, Khánh Linh nhận xét khá dễ thở vì đã ôn luyện rất nhiều khi phỏng vấn với máy. Do đó, nữ sinh đã trả lời một cách tự nhiên.
Kết quả, cả Khánh Linh và người bạn thân đều đỗ học bổng ASEAN. Đây là quả ngọt cho cả 2 khi đã xác định mục tiêu và chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm.
“Trong tương lai, em sẽ cố gắng học tập và trải nghiệm nhiều phương diện của ngành Khoa học dữ liệu và AI để có thể tìm ra hướng đi tốt nhất cho mình” – Khánh Linh nói.
Thầy giáo Phạm Văn Thuận, người trực tiếp hướng dẫn Khánh Linh cho biết nữ sinh là 1 trong 6 học sinh cùng khóa có sức học tốt nhất ở Hexagon, đặc biệt là ở các môn yêu cầu đầu vào. Riêng Linh đồng đều cả bốn nhóm chỉ số theo yêu cầu của Đại học Công nghệ Nanyang.
“Vừa trúng tuyển được ngành cạnh tranh cao vừa đạt học bổng ASEAN quả là thành tích xuất sắc, và xứng đáng với Khánh Linh” – thầy Thuận nhận xét.
Nguồn: vietnamnet