Sáng ngày 10.7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm, cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Huỳnh Thị Hằng, Huỳnh Anh Minh và Nguyễn Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành hữu quan nhằm nghe Sở GT-VT tỉnh báo cáo phương án tuyến và quy mô xây dựng đường tránh Quốc lộ 13 đoạn qua thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.
Theo báo cáo của Sở GT-VT tỉnh, tuyến đường tránh Quốc lộ 13 đi qua thị trấn Lộc Ninh có tổng chiều dài khoảng 11 km, được thiết kế với mặt đường rộng 19m; lề đường rộng 5m; phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 38,5 ha, tổng mức đầu tư hơn 317 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 236 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án BOT Quốc lộ 13 đoạn An Lộc – Chiu Riu ở 2 giai đoạn thực hiện là 760 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 15 năm, thu phí tạo lợi nhuận là 7 năm. Nếu đưa kinh phí đầu tư giai đoạn 1 của tuyến đường tránh Quốc lộ 13 vào Dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc – Chiu Riu thì tổng mức đầu tư lên đến hơn 1 ngàn tỷ đồng và dự án không có điểm dừng thu hồi vốn. Nguyên nhân là do thời gian kinh doanh khai thác càng dài thì chi phí duy tu, bảo dưỡng càng cao. Do đó, để dự án có thể hoàn vốn đầu tư và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư với thời gian khu phí không quá 25 năm, nhà đầu tư chỉ có thể đầu tư số vốn khoảng 55 tỷ đồng, số còn lại đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).
Tại buổi họp, UBND huyện Lộc Ninh, Bộ CHQS tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng hoàn toàn thống nhất việc thực hiện tuyến đường tránh này vì sẽ giảm bớt ảnh hưởng tuyến Quốc lộ 13, cũng như đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hóa của các tỉnh sang Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho rằng, việc thực hiện tuyến đường tránh Quốc lộ 13 là rất cần thiết đối với huyện Lộc Ninh cũng như tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Do đó, trước mắt huyện Lộc Ninh cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của nhân dân địa phương, cụ thể là việc chặt cây, hiến đất để giảm bớt kinh phí giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GT-VT tỉnh cần khảo sát thật kỹ những phần việc liên quan đến tuyến đường; đồng thời, nghiên cứu tham mưu 2 phương án để so sánh: phương án thứ nhất theo hình thức BOT sẽ giao Công ty cổ phần BOT đảm nhận nguồn vốn; và phương án thứ 2 là ngân sách tỉnh chịu hoàn toàn để trình UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất, với phương châm “quyết tâm thực hiện”./.
Anh Ngọc-Phạm Tăng/BPTV