Lần đầu tiên được báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land tổ chức, cuộc bầu chọn dành cho các nữ tuyển thủ đã đem lại sự bất ngờ và thích thú với các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn.
Ở cuộc thi dự đoán lần này, sẽ có hội đồng chuyên môn riêng cho cuộc bầu chọn của cầu thủ nam và nữ.
Theo đó, hội đồng chuyên môn ở nữ gồm 3 thành viên: nhà báo Nguyễn Nguyên (báo Pháp Luật TP.HCM) cùng hai cựu tuyển thủ của tuyển nữ Việt Nam là tiền đạo Đỗ Thị Ngọc Châm và tiền vệ Văn Thị Thanh.
Về nam, hội đồng chuyên môn gồm: nhà báo Vũ Công Lập, HLV Nguyễn Đức Thắng (Topenland Bình Định) và cựu tuyển thủ – tiền đạo Lưu Ngọc Mai.
Vui với sự công bằng
Từng gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam ngay từ những ngày đầu, nhà báo Nguyễn Nguyên chia sẻ: “Lâu nay bóng đá nữ luôn thiệt thòi trong sự quan tâm của người hâm mộ lẫn truyền thông. Họ luôn ở sau cái bóng của bóng đá nam, dù thành tích đạt được đều hơn rất nhiều mà mới nhất là giành vé dự World Cup nữ 2023. Vì vậy, cuộc thi sẽ là động lực rất lớn cho các cầu thủ nữ, tạo đà cho bóng đá nữ phát triển và người ta cũng quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ.
Tôi có trao đổi với một số cầu thủ nữ hiện tại hoặc các cầu thủ nữ thế hệ trước, tất cả đều rất vui khi bóng đá nữ được quan tâm qua một cuộc thi như thế. Không chỉ vậy, giải thưởng cũng bằng nhau, tạo cho mọi người nhìn thấy sự công bằng trong đối xử với cả bóng đá nam và nữ.
Tuổi Trẻ luôn có những chương trình hay phần thưởng về tinh thần rất lớn với các cầu thủ nữ. Như chương trình giao lưu với đội tuyển nữ Việt Nam sau khi giành vé dự World Cup 2023, với phần tặng áo dài đầy dễ thương.
Từng gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam ngay từ những ngày đầu, nhưng cũng chưa đóng góp gì nhiều, việc tham gia hội đồng chuyên môn của cuộc thi là một vinh dự để tôi có thể ghi nhận thêm những nỗ lực của các cầu thủ nữ”.
Trong khi đó, cựu tuyển thủ Ngọc Châm bày tỏ: “Khi còn thi đấu, tôi chưa từng được tham dự một cuộc bầu chọn “cầu thủ xuất sắc nhất” nào bởi các cuộc bầu chọn thường chỉ dành cho nam. Do đó, tại SEA Games 31 trên sân nhà, có cuộc bầu chọn cầu thủ nữ là điều rất hay.
Đây là cơ hội để các bạn ấy được người hâm mộ biết đến nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn cũng như là được trân trọng cho những nỗ lực trên sân. Không chỉ nhận được bình chọn mà người chiến thắng còn được trao giải nên sẽ là động lực để các bạn thi đấu tốt hơn”.
Bất ngờ thú vị
Và bất ngờ khi ba thành viên của hội đồng chuyên môn dành cho các nam cầu thủ cũng hướng về cuộc thi của các… nữ tuyển thủ.
Theo đó, nhà báo Vũ Công Lập nói trong hứng khởi: “Báo Tuổi Trẻ đã mang lại sự thú vị và hết sức bất ngờ cho cá nhân tôi lẫn người hâm mộ khi có những thay đổi trong lần tổ chức dự đoán này. Giá trị của giải thưởng có thể không cao, nhưng có ý nghĩa rất lớn và là nguồn động viên với cầu thủ nữ khi họ được quan tâm như cầu thủ nam.
Thú vị tiếp theo là trong thành phần hội đồng chuyên môn có sự xuất hiện của cựu nữ tuyển thủ. Chúng ta đừng quên rằng phụ nữ nói chung, và trong lĩnh vực thể thao nói riêng, đã làm được nhiều điều, có được nhiều thành tích hơn cả phái nam. Một khi họ làm được thì sự đánh giá, nhận xét của họ cũng hết sức công tâm, thậm chí là còn có nét dí dỏm cho dù họ chưa từng có kinh nghiệm làm giám khảo”.
Còn với cựu tuyển thủ Lưu Ngọc Mai: “Tôi thật sự vui, bất ngờ khi báo Tuổi Trẻ đã tạo ra bước ngoặt thú vị trong cuộc thi dự đoán này. Giá trị giải thưởng ngang bằng nhau thể hiện cái nhìn về công sức của cầu thủ nam và nữ được trân trọng đúng mức.
Bóng đá nữ nói riêng và thể thao của nữ giới nói chung rất cần có những bước đột phá, thay đổi như vậy để dần xóa bớt đi khoảng cách quá lớn về thu nhập. Cách làm thú vị này, theo tôi, chắc chắn sẽ là nguồn lực tinh thần để các tuyển thủ nữ cống hiến nhiều hơn ở SEA Games sắp tới, xa hơn nữ là vòng chung kết World Cup 2023.
Tôi cũng kỳ vọng, từ bước ngoặt này, bóng đá nữ sẽ được quan tâm và đầu tư nhiều hơn để các đồng nghiệp trẻ có được thu nhập xứng đáng với những gì mà họ bỏ ra trong đời cầu thủ nữ vốn dĩ có tuổi thọ rất ngắn…”.
HLV Nguyễn Đức Thắng nói: “Tuổi Trẻ đã đưa ra một cách làm hết sức nhân văn, góp phần thu hẹp lại khoảng cách thu nhập của cầu thủ nam – nữ. Tôi cho rằng sự bình đẳng trong thu nhập và đánh giá lao động là hết sức cần thiết, bởi người nào cũng thi đấu cật lực suốt 90 phút, thậm chí 120 phút. Cần có một cú hích để trở thành động lực giúp bóng đá nữ nước nhà phát triển xứng tầm như bóng đá nam”.
Áp lực từ các… đồng nghiệp nữ
Đây là cảm giác của HLV Nguyễn Đức Thắng khi được mời vào hội đồng chuyên môn. Anh nói: “Vui và hào hứng khi được mời, nhưng tôi cũng cảm thấy… áp lực khi biết rằng bên cạnh mình sẽ có một nữ đồng nghiệp nổi tiếng như Lưu Ngọc Mai.
Cùng một góc nhìn, một sự kiện trong thi đấu bóng đá nhưng mỗi người sẽ đưa ra đánh giá khác nhau. Nhưng điều mà tôi chờ đợi, kỳ vọng là sẽ được nghe đồng nghiệp nữ của mình đưa ra những chính kiến, góc quan sát thú vị hơn. Và biết đâu chừng ý kiến ấy còn sắc sảo hơn với phái nam chúng tôi”.
Nhà báo Vũ Công Lập cũng bày tỏ sự thích thú khi có một đồng nghiệp nữ cùng “nhìn” trận đấu với mình. Ông nói vui: “Cũng có áp lực vì sợ cô ấy nhìn trận đấu “sắc” hơn mình. Nhưng tôi cũng mong điều đó xảy ra vì như vậy sẽ đem lại thú vị cũng như sự bất ngờ mà Tuổi Trẻ đã đem đến cho cuộc thi lần này”.
Cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh: “Cuộc thi là niềm khích lệ rất lớn”
Bóng đá nữ không có nhiều cuộc thi hay giải thưởng ở các kỳ tranh tài lớn nên cuộc thi lần này là điều khích lệ rất lớn cho các cầu thủ nữ. Nói vậy bởi ngoài mục tiêu chung à bảo vệ HCV, các bạn nữ tuyển thủ cũng muốn thể hiện hết khả năng của mình để làm sao có được vinh dự bầu chọn ấy từ người hâm mộ trong kỳ tranh tài ngay trên sân nhà.
Tại SEA Games 22 ở Việt Nam năm 2003, chúng tôi đã được nhà tài trợ treo thưởng tặng cho chiếc xe máy nếu ghi bàn thắng đầu tiên ở trận bán kết và chung kết. Tôi thấy rất vui và vinh dự khi nhận được giải thưởng đó, bởi sau SEA Games 22, tivi vẫn chiếu đi chiếu lại bàn mở tỉ số của tôi ở trận chung kết SEA Games 2003 với Myanmar (Việt Nam thắng 2-1 và giành HCV – PV). Năm đó, tôi mới 18 tuổi và lần đầu tiên khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam dự SEA Games.
Thách thức cho đội tuyển nữ Việt Nam
Thái Thị Thảo (11) vắng mặt là sự đáng tiếc của đội tuyển nữ Việt Nam
Với sự vắng mặt của tiền vệ Thái Thị Thảo (bị chấn thương trong trận đá tập thua CLB Than Khoáng Sản Việt Nam 0-1 vào hôm 29-4), đội tuyển nữ Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong hành trình bảo vệ HCV tại SEA Games 31.
Thật vậy, trong sơ đồ chiến thuật của HLV Mai Đức Chung, Thái Thị Thảo được xem là “linh hồn” trong lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam. Cao 1,59m nhưng Thảo có nền tảng thể lực tuyệt vời, tranh chấp tốt và lối chơi cơ động mà hiếm có cầu thủ nữ Việt Nam nào có được. Điều này giúp Thảo có thể vừa phòng ngự vừa hỗ trợ tấn công rất tốt.
Như trong hành trình giành vé dự World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam tại Ấn Độ hồi tháng 2, Thái Thị Thảo đã ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 trước Thái Lan ở vòng play-off và chuyền cho Bích Thùy ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Đài Loan ở trận play-off quyết định vé đến World Cup 2023.
Sự vắng mặt của Thảo buộc HLV Mai Đức Chung phải tức tốc có phương án thay thế trong những buổi tập và cả trong trận đá tập cuối cùng với CLB Than Khoáng Sản Việt Nam vào chiều 4-5. Theo đó, ông Chung cho biết ngoài sự thay đổi lối chơi, ông sẽ bố trí Dương Thị Vân thay thế vị trí của Thảo.
Điều may mắn là đội tuyển nữ Việt Nam vẫn còn khá nhiều thời gian để hoàn thiện lối chơi sau mất mát quan trọng ở tuyến giữa. Cụ thể, sau khi Indonesia rút lui, phải đến ngày 11-5 tuyển Việt Nam mới thi đấu trận đầu tiên với Philippines trong khi đối thủ phải thi đấu từ ngày 9-5.
Nguồn: tuoitre.vn