Tại trung tâm du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), nhà hàng, khách sạn trên bờ thiếu đầu bếp, bồi bàn; tàu du lịch dưới biển thiếu nhân viên đang là hiện trạng diễn ra khiến nhiều DN đau đầu.

Hơn 2 năm qua, tới 90% nhà hàng, khách sạn tại địa phương đã phải đóng cửa, nếu hoạt động cũng chỉ cầm chừng. Để giảm chi phí phát sinh, toàn bộ nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh phải nghỉ việc, những vị trí chủ chốt cũng làm việc bán thời gian.

Ngay tại thủ phủ du lịch của Hạ Long, Bãi Cháy cũng chuyển chế độ “ngủ đông” khi những tuyến phố như Vườn Đào, khu phố cổ, các cảng tàu du lịch vắng bóng người. Để có đủ tiền trang trải cuộc sống, hầu như nhân viên làm việc tại các nhà hàng đã chọn đi làm công nhân ở các công ty với mức lương ổn định.

Kể từ đầu năm, du lịch Quảng Ninh bắt đầu vào giai đoạn “rã đông”, dần hồi phục sau ảnh hưởng dịch Covid-19. Lượng khách nội địa tăng theo từng tuần, song các khách sạn, DN du lịch lại phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực.

Nhà hàng ở Hạ Long thời gian gần đây rất đông khách du lịch nội địa nhưng thiếu nhân viên làm việc

Khảo sát một vòng quanh các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ ở Hạ Long trước thời điểm mùa du lịch cận kề, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5, nơi đâu cũng treo biển tuyển nhân viên.

Anh Nguyễn Công Hải (chủ nhà hàng Hải Quân, khu phố cổ Bãi Cháy) cho biết, từ khi nhà hàng mở lại, anh kiêm luôn đầu bếp, chạy bàn và mời khách. Tuần vừa rồi khách du lịch trở lại, đông đúc vào thứ 7, Chủ nhật, anh Hải quay cuồng. Nhiều khi chuẩn bị đồ ăn lâu quá, khách không chờ được bỏ đi.

“Cứ hễ thời gian rảnh, tôi liên hệ với tất cả người quen, đăng bài lên Facebook để tuyển nhân viên chạy bàn với mức lương 7 triệu/tháng bao ăn ở, nhưng đều nhận lại lời từ chối”, anh Hải chia sẻ.

Là hướng dẫn viên du lịch đã nhiều năm, anh Nguyễn Thái Dương (28 tuổi) chưa từng nghĩ mình sẽ phải kiêm nhân viên nhà hàng mỗi khi dẫn khách đi ăn trưa và tối.

Bởi, mỗi đoàn khách trung bình hơn 20 người đi ăn, do thiếu người chạy bàn nên anh Dương phải tự đi xếp bàn ghế, gọi món xong lại lao đi bê món ăn cho khách. Khách thiếu đồ gì cần gọi, anh cũng tất tả phục vụ.

“Dẫn khách đi tour đứng nói cả buổi, tưởng đến trưa được nghỉ nhưng lại phải làm bồi bàn bất đắc dĩ vì nhà hàng thiếu người, đồ ăn lên lâu thì khách họ khó chịu, vả lại thời gian không cho phép chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi”, cậu hướng dẫn viên than thở.

Khách xếp hàng để lên tàu du lịch tham qua vịnh Hạ Long

Chủ tàu du lịch lo phải nằm bờ vì thiếu nhân viên 

Trước đây, trung bình một tháng, mỗi tàu sẽ đi từ 20 đến 25 chuyến chở khách tham quan vịnh. Nay dù đã mở cửa du lịch, nhưng cũng chỉ được hơn 5 chuyến. Nhân viên bếp, nhân viên phục vụ mỗi tàu cần khoảng gần 10 người thì mới hoạt động trơn tru, thế nhưng hiện tại, đội ngũ này đã lên bờ chuyển sang công việc khác có mức lương ổn định hơn.

Mặt khác, với số lượng chạy tuyến chở khách nhỏ giọt như hiện nay, các chủ tàu cũng chỉ thuê nhân viên theo kiểu thời vụ, theo chuyến tiền công khoảng 2 triệu/2 ngày.

Lý giải về việc này, một số chủ tàu cho rằng làm vậy để giảm chi phí, tránh bù lỗ vì nếu thuê theo hợp đồng nguyên tháng thì phải trả từ 8-10 triệu đồng/tháng/người. Trong khi thời điểm này khách du lịch lúc có lúc không thì việc thuê theo tháng là bất khả thi.

Liên quan vấn đề nhân sự du lịch, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh – bà Nguyễn Thuỳ Yên cho rằng, để mở cửa du lịch, thu hút mạnh mẽ và phục vụ khoảng 10 triệu khách trong năm nay, du lịch Quảng Ninh cần có lực lượng nhân sự đảm bảo. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán không chỉ với du lịch địa phương mà còn của cả nước.

Tàu du lịch neo đậu chờ khách tại Hạ Long
Phần lớn trong số này đang trong quá trình tuyển dụng nhân viên để hoạt động trở lại như trước
Dịp cuối tuần là thời gian tàu du lịch hoạt động nhiều nhất

Tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh rà soát nhân lực phù hợp để đào tạo. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn.

Thời gian qua, có trên 70% người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng phải nghỉ việc, mất việc và giãn việc. Để nhóm nhân lực này quay trở lại hoặc đào tạo nhân lực mới thì cần phải có thời gian. Sở Du lịch Quảng Ninh đang lấy ý kiến từ hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội du lịch và các ban, ngành địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, phục hồi nhân lực du lịch.

Các đối tượng đào tạo gồm cán bộ, người lao động ngành du lịch và các công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương về du lịch, có thể là các cán bộ của xã, phường.

“Nội dung đào tạo là nâng cao trình độ, chuyên môn về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ đồng thời cũng có nội dung về quản lý rủi ro về khủng hoảng. Những đợt dịch Covid-19 vừa qua là ví dụ điển hình cho việc khủng hoảng du lịch, vì vậy các cơ sở du lịch cũng cần có đội ngũ phản ứng được với rủi ro để tránh bỡ ngỡ và giảm thiểu thua lỗ sau này”, bà Yên cho biết.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Du Lịch Quảng Ninhnhân lực du lịch

Các tin liên quan đến bài viết