Bình Phước có nhiều thế mạnh về khí hậu, đất đai để phát triển các loại cây trồng giá trị xuất khẩu cao như điều, cao su, cà phê, hồ tiêu. Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở Bình Phước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng trong nước và quốc tế, đây cũng là biện pháp tốt nhất để nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ khuyến nông Bù Đốp (phải) hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh
10 năm trước, nhà nông Phạm Đức Gá ở thôn 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp trồng được 5.000 trụ tiêu nhưng bị chết rụi mặc dù đã dùng rất nhiều loại thuốc hóa học để trị sâu bệnh. Vẫn đam mê cây tiêu, ông gây dựng lại và quyết định chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay gia đình ông đang có gần 6 ha hồ tiêu, mỗi năm cho thu khoảng 20 tấn. Từ thành công của mình, ông đã trao đổi kinh nghiệm, vận động nhiều hộ nông dân thay đổi cách sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường.
Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp cho biết: “Nông dân rất tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đặc biệt ứng dụng là công nghệ sinh học vào sản xuất. Khi cả xã hội lên án về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp và hậu quả của việc canh tác không bền vững. Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững và kết quả đạt rất tốt”.
Việc lạm dụng các sản phẩm hóa học trong trồng trọt không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn tác động nguy hiểm đến sức khỏe con người. Nếu không thay đổi theo hướng sản xuất sạch bằng phương pháp hữu cơ bền vững, thì nông sản của Việt Nam sẽ rất khó xâm nhập vào các thị trường khó tính của thế giới.
Trong một buổi hội thảo về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững tại thị xã Đồng Xoài, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam chia sẻ: “Bình Phước có nhiều thế mạnh, ngoài điều, cao su, cây ăn trái, còn có nhiều loại cây trồng khác giá trị kinh tế cao. Bà con phải làm thế nào để giá trị các sản phẩm này được nâng lên. Chúng ta phải đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp kết hợp với sử dụng các giải pháp hữu cơ thì mới có sản phẩm sạch và năng suất cao. Thời gian qua, hàng nông sản xuất khẩu bị trả lại chỉ vì chúng ta dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật”.
Với việc sử dụng các dòng sản phẩm hữu cơ sinh học trong sản xuất, hy vọng trong tương lai không xa, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản.
Bây giờ người dân rất quan tâm đến sản phẩm hữu cơ vì nó giúp cây trồng phát triển cân đối và không độc hại đến con người. Sản xuất nông nghiệp sạch thì ai cũng ủng hộ vì không ảnh hưởng đến môi trường, đất đai và con người. Làm ra sản phẩm sạch, dễ tiêu thụ mà giá bán cao hơn nên ai cũng ủng hộ. Nhà nông Phạm Đức Gá, thôn 10, xã Thiện Hưng |
Phạm Tăng (BPO)