Ngày cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC để điều tra hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, dư luận không còn ngỡ ngàng bởi những hành vi trên của ông được cơ quan điều tra nhận định đã “gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Và sau đó, ngày 4/4 đến lượt em gái ông, bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán tập đoàn FLC bị bắt với vai trò là đồng phạm, giúp ông Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nhìn ở góc độ công việc, bà Huế là thuộc cấp của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, nhưng ở khía cạnh gia đình, bà là em gái.
Ông Trịnh Văn Quyết. |
Và chỉ một ngày sau, chiều 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, vai trò đồng phạm giúp sức cho Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “thao túng thị trường chứng khoán”. Và ngoài vai trò đồng phạm, ở khía cạnh gia đình, bà Nga cũng là em gái của ông Trịnh Văn Quyết.
Cho đến nay, những người bị khởi tố, bắt giam liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đều là thân thuộc, cả hai người với vai trò đồng phạm đều là em gái.
Trong tối 5/4, khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, lệnh bắt bị can để tạm giam với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có một người là con trai của ông Dũng.
Ông Dũng vừa qua nổi tiếng với phi vụ đấu giá đất Thủ Thiêm giành kỷ lục “giá đắt nhất thế hành tinh” nhưng sau đó “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng đó là một vụ việc khác mà ông có liên quan, còn việc ông bị bắt lần này là tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, kết quả điều tra xác định: trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Ở khía cạnh pháp lý, những tội danh của ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng điều đã thấy, những thân nhân của cả hai người này cũng vướng vào vòng lao lý với vai trò đồng phạm, giúp sức.
Điều dễ thấy khi những vị chủ tịch này này còn quyền lực, tên tuổi những đại gia này ít nhiều đã nổi tiếng trên thương trường, và ở khía cạnh gia đình còn là niềm tự hào. Như với ông Trịnh Văn Quyết, từ tay không đi lên, bắt đầu bằng một văn phòng tư vấn luật. Còn ông Đỗ Anh Dũng, cũng bươn trải qua nhiều nghề và một thời cạnh tranh bằng một hãng taxi. Có thể phần nào thấy họ cũng từ gian khó đi lên nhưng không giữ mình, không nâng niu trân trọng thành quả từ thời khó khăn, cùng người thân vi phạm pháp luật.
Đất nước rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó vươn lên, có ý chí làm giàu. Và chắc chắn nhà nước, nhân dân rất ủng hộ và tạo điều kiện cho những ai dám làm giàu và biết làm giàu từ cái tâm cái tầm của mình. Quốc gia nào cũng vậy, muốn phát triển phải có đội ngũ doanh nhân biết làm giàu cho mình và cho xã hội.
Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh). |
Dư luận đã từng thán phục và tự hào về một lớp doanh nhân trẻ, nhưng cũng rất thất vọng về một số cá nhân không còn tuân thủ pháp luật, người thao túng thị trường chứng khoán, người lừa đảo… Họ chỉ biết làm giàu cho mình mà không nghĩ đến cái chung, thậm chí không nghĩ cho cả những người giúp và đồng hành cùng họ.
Khi họ bị bắt, có thể đó là nỗi đau của gia đình, nhưng cũng là điều tiếng mà đội ngũ doanh nhân ít nhiều phải hứng chịu.
Về tiền bạc, có thể họ đã là người giàu, rất giàu trong xã hội. Nhưng giữa tiền bạc và tự do, tiền nhiều mà làm gì khi bản thân bị bắt, người thân cũng vướng vòng lao lý.
Làm giàu chính đáng, có đóng góp cho xã hội sẽ luôn được khuyến khích, nhưng làm giàu bằng thủ đoạn, bằng sự lừa lọc, bằng lợi mình hại người thì không có nơi nào chấp nhận và đại gia, doanh nhân thì lại càng không.
Đất nước phát triển luôn cần những doanh nhân có hoài bão, lý tưởng, khát vọng, sẵn sàng tận hiến tài năng, sức lực của mình kiến thiết những giá trị trường tồn, tiếng thơm còn mãi. Ngược lại, sẽ chẳng có xã hội nào dung dưỡng những cá nhân khoác áo doanh nhân, làm giàu bằng mưu mô, bằng lừa gạt, bằng liên kết, cấu kết bất tuân pháp luật. Những cá nhân đó, hành vi đó tuyệt nhiên không có chỗ tồn tại trong một xã hội thượng tôn pháp luật.
Nguồn: vietnamnet