Nạn ‘cưa tai mài vỏ’ bình gas vẫn tràn lan, đe dọa đến an toàn cháy nổ cho người sử dụng. Thế nhưng, cơ quan chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để vấn nạn nguy hiểm này.
Dồn dập phát hiện việc chiếm dụng bình gas, sang chiết trái phép
Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 29/3, cơ quan chức năng Hà Nội đã tiến hành điều tra làm rõ vụ việc hàng nghìn bình gas mang nhiều thương hiệu khác nhau tập kết ở Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Khí Gas Hóa Lỏng Vạn Lộc (địa chỉ ở Lô CN4 – KCN Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội).
Rộ nạn ‘cưa tai mài vỏ” bình gas, doanh nghiệp tố lên công an |
Trung tá Ngô Văn Kiên, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh, cho biết đã phát hiện xe biển kiểm soát Nghệ An vận chuyển bình gas từ TP. Vinh (Nghệ An) về khu công nghiệp Nguyên Khê.
“Nhận thấy dấu hiệu vi phạm trong việc hoạt động kinh doanh LPG, chúng tôi đã tiến hành kiểm đếm, sàng lọc ra các nhãn hiệu gas đơn vị nào đang sử dụng, đơn vị nào không sử dụng thì thấy số lượng (bình gas mang nhãn hiệu khác) rất lớn. Công an huyện Đông Anh đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để làm rõ, nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý”, ông Kiên cho biết.
Suốt thời gian qua, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh Bắc Bộ, Công ty TNHH dầu khí Quảng Bình, Công ty CP dầu khí EPIC, Công ty TNHH dầu khí Quảng Trị đã liên tục có đơn ‘cầu cứu’ cơ quan chức năng về vấn nạn bình gas bị công ty khác chiếm dụng. Vụ việc ở công ty khí gas hóa lỏng Vạn Lộc cũng chính do những đơn vị này theo dõi và phát hiện, rồi báo cho cơ quan chức năng.
Thực tế, nhiều năm qua, vấn nạn chiếm dụng bình gas diễn ra tràn lan, ảnh hưởng đến không chỉ các DN sở hữu nhãn hiệu gas mà còn đe dọa đến an toàn cho người sử dụng. Ngày 16/7/2021, Công ty TNHH Dầu khí Quảng Trị cũng đã có đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Hà Tĩnh, phản ánh về vấn nạn vận chuyển, mua bán, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas mang nhãn hiệu Green Petrol Gas QHT của Công ty này trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo phản ánh, từ tháng 11/2020 đến hết tháng 6/2021, Công ty này đã bị mất khoảng 8.000 vỏ chứa LPG, thiệt hại ước tính khoảng 4 tỉ đồng. Số vỏ này được đặt mua tại Hà Nội và Thái Bình, nhưng khi về Hà Tĩnh, phân phối ra thị trường thì dần dần biến mất không rõ lý do. Từ đó đến nay, số vỏ bình gas của các DN vẫn liên tục ‘không cánh mà bay’.
Thực tế, nhiều vụ việc vận chuyển bình gas có dấu hiệu bị chiếm dụng trái phép cũng đã bị phát hiện. Tháng 1/2021, Đội QLTT số 5, Cục QLTT Hải Phòng đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hồng Bàng bắt quả tang một cơ sở đang có 4 máy sang chiết LPG hoạt động cùng trên 9.000kg khí LPG trong tec và các loại máy móc khác phục vụ quá trình sang chiết gas. Trong kho có nhiều bình gas dán thương hiệu của các hãng như: PetroVietnam gas, TotalGaz, Dai Hai Petro, Clean Energy, Hồng Hà gas, Sai Gon gas, Vnshingas Petrol…
Cả năm 2021, lực lượng quản lý thị trường Tiền Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cũng phát hiện nhiều vụ việc chiếm dụng vỏ bình gas LPG.
Một vụ việc sang chiết gas trái phép bị phát hiện |
Tràn lan vi phạm, vẫn không thể ngăn chặn
Năm 2018, khi nạn ‘cưa tai mài vỏ’ bình gas diễn ra nghiêm trọng, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khi đó đã ban hành công văn gửi Ban chỉ đạo 389 các địa phương trong cả nước yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh gas.
Theo Ban 389 quốc gia, thị trường sản xuất kinh doanh mặt hàng gas trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật với các hành vi như: Chiết nạp gas lậu, gas giả, kém chất lượng, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas (LPG) của nhau; cắt tai, mài vỏ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu, chiếm đoạt, hủy hoại vỏ bình, gây thiệt hại kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh, có nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng gas để có biện pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp thu gom trái phép vỏ bình mua khoảng 200.000 đồng/vỏ, sau đó họ cắt tai, mài vỏ, sơn lại và dán nhãn mới chỉ hết khoảng 160.000 đồng/vỏ. Tổng chi phí để chế lại mỗi vỏ bình khoảng hơn 360.000 đồng. Trong khi đó, giá thành một vỏ bình gas mới là hơn 570.000 đồng, mức chênh lệch hơn 200.000 đồng/vỏ, giúp họ lãi tương đương 36%. |
Còn ở góc độ ngành Công Thương, tại một cuộc họp vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã phê bình nghiêm khắc lực lượng quản lý thị trường khi để tình trạng sang chiết gas, cắt tai, mài vỏ, chiếm bình xảy ra phổ biến.
Sau đó, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về xử lý nạn “cắt tai mài vỏ”, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas đã họp khẩn tại trụ sở của Cục Quản lý thị trường ở Hà Nội. Nhưng từ đó đến nay, vấn nạn này vẫn chưa dứt như đã liệt kê ở trên.
Khi trình bày ở hội thảo kinh doanh khí cuối năm 2021, Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng hiện nay còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, về uy tín của doanh nghiệp khác. Cụ thể như chiếm đoạt chai LPG (khí hóa lỏng) của chủ sở hữu, sang chiết trái pháp luật vào chai của chủ sở hữu; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong sang chiết LPG.
Các vụ việc bị phát hiện hầu hết chỉ dừng ở mức xử lý hành chính khiến tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan, trong khi lợi nhuận từ việc ‘chiếm dụng bình gas’ là rất lớn. Theo các chuyên gia, cần phải có những chế tài xử lý hình sự các hành vi này để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đặc biệt đem lại sự an toàn cho các khách hàng sử dụng bởi nguy cơ cháy nổ từ những bình gas không đạt chuẩn này là rất lớn.
Nguồn: vietnamnet