Là người nghiên cứu về quản trị truyền thông về khủng hoảng, với tôi cuộc chiến Nga – Ukraine là một hiện tượng đáng để quan tâm, và thực tế quan sát kỹ hai bên sẽ thấy đây là một cuộc chiến tranh tổng hợp, với độ phức tạp chưa từng có.
Ingo, anh bạn người Đức, nhắn cho tôi thông tin về một phi công xuất sắc của Ukraine vừa được vinh danh là “Bóng ma trên bầu trời Kiev”. Theo thông tin này, anh phi công trẻ tuổi này là “nỗi khiếp hãi của kẻ thù”, đã diệt được 8 máy bay chiến đấu khi đánh nhau với quân Nga trên bầu trời Ukraine… Nghi nghi, tôi đối soát lại các nguồn và thấy rằng đó chỉ là tin giả.
Môtip “phi công” có vẻ mang tính văn chương, lãng mạn dễ đi vào lòng người nên được phía nào đó ủng hộ Ukraine ứng dụng khá nhiều lần. Trước “chàng phi công” mà anh bạn Ingo của tôi chia sẻ, còn có một nàng phi công xinh đẹp tên là Natasha Perokova đang lái máy bay chiến đấu thì bị quân đội Nga bắn rơi và “hy sinh”. Tuy nhiên, đối soát kỹ thì có thể nhận ra đó là một bức ảnh từ năm 2018, là chân dung một thiếu nữ mặc quân phục do nhiếp ảnh gia Ukraine là Igor Dovzhenko chụp.
Trước đó, từ phía những người ủng hộ Nga cũng không vừa, những ngày đầu liên tục xuất hiện các tin, nào là khi quân Nga vào lãnh thổ của Ukraine, tất cả đều buông súng chạy tán loạn, trong khi thực tế là quân Nga thiệt hại nhiều xe tăng và tiến chậm chạp hơn dự kiến… Ngay con số thiệt hại trong cuộc chiến, mỗi bên đang đưa ra một kiểu.
Là người nghiên cứu về quản trị truyền thông về khủng hoảng, với tôi cuộc chiến Nga – Ukraine là một hiện tượng đáng để quan tâm, và thực tế quan sát kỹ hai bên sẽ thấy đây là một cuộc chiến tranh tổng hợp, với độ phức tạp chưa từng có. Đây không chỉ là một cuộc chiến đơn thuần về mặt vũ khí, mà còn là cuộc chiến tranh về kinh tế, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin – truyền thông.
Không chỉ có sự giằng xé bằng tăng thiết giáp, pháo binh hiện đại hay không quân áp đảo, mà cuộc chiến trên mặt trận thông tin – truyền thông giằng co không kém.
Nổi trội trong cuộc chiến về thông tin này là nạn tin giả mà hai bên hoặc những người ủng hộ của mỗi bên tung ra. Nếu như trước đây ta thường thấy tin giả để thao túng bầu cử, hay tin giả trong việc xúc phạm hay hạ bệ cá nhân những người nổi tiếng thì trong chiến tranh, tác dụng của tin giả là vô cùng lớn. Nó liên quan đến sinh mạng của rất nhiều người dân và có thể là sự tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc. Trong cuộc sống mái “một mất một còn” của chiến tranh, các thủ thuật tạo và tung tin giả được áp dụng triệt để.
Câu hỏi đặt ra: Giữa chiến tranh khốc liệt như thế, “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, biết tin ai bây giờ?
Khi những tin giả được tin là thật, nó sẽ là một loại vũ khí triệt tiêu mọi động lực kháng cự của đối phương. Nếu có tin giả về sự đầu hàng của lãnh đạo của một trong hai phía, được quân lính, người dân và công chúng tin là thật, thì việc triệt hạ ý chí đấu tranh của đối phương sẽ có sức mạnh hơn mọi loại đạn bom.
Tin giả có sức mạnh ghê gớm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng ngàn quân lính, châm thêm lửa hay hạ nhiệt cho một cuộc chiến chết chóc, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của một quốc gia.
Chính vì những hậu quả khủng khiếp đó, phải thực sự cẩn trọng khi lan truyền, chia sẻ những tin tức chưa được kiểm chứng.
Một cách để hạn chế tin vào tin giả và chia sẻ nó, đó là bình tĩnh đọc, tách mình ra khỏi sự kiện để không cảm tính đứng về một bên nào. Tránh “bẫy cảm xúc”, thấy câu chuyện ly kỳ là tin ngay để rồi từ đó có những nhận định phi lý tính.
Ở thực tế phức tạp như chiến tranh đòi hỏi phải dùng tư duy duy lý – dùng lý trí để phân định, đánh giá.
Nếu biết ngoại ngữ sẽ vào các nguồn khả tín khác nhau để tìm hiểu thông tin và kiểm tra, đối soát về tính logic, hợp lý giữa các con số, sự kiện. Từ đó bạn sẽ hình thành nên một hiểu biết riêng về bối cảnh câu chuyện cho riêng mình.
Hãy duy lý và cô lập cảm xúc để tránh những “bom”, “mìn” tin giả! Hãy duy lý và đối chiếu với nhiều sự kiện để có được logic của riêng mình. Bằng cách đó, bạn sẽ tiệm cận gần hơn với sự thật trong sự khốc liệt của chiến tranh.
Nguồn: tuoitre.vn