Theo các chuyên gia nông nghiệp, gạo thơm tôm sạch không chỉ là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn có cơ hội xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng cho vùng ĐBSCL, nâng cao giá trị hạt lúa, con tôm và đời sống dân vùng ngập mặn.
Mô hình sản xuất an toàn, sản phẩm bán tốt
Theo ông Nguyễn Trường Duy – một đại lý bán gạo ST25 tại TP.HCM, năm 2019 gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, tạo ra cơn sốt về nhu cầu với loại gạo thơm này và cho đến nay vẫn chưa suy giảm. Trong hai năm qua, gạo ST25 trồng trên các ruộng lúa tôm đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm càng làm cho người tiêu dùng ưa chuộng hơn, bởi không chỉ thơm ngon mà còn an toàn khi sử dụng.
“Nhu cầu gạo ST25 vẫn tăng đều đặn qua các năm, nhất là dịp Tết vừa qua đã tăng khoảng 15 – 20% so với bình thường. Nhưng năm nay không thiếu hàng như các năm trước vì vùng trồng đã mở rộng, có thêm nhiều đơn vị tham gia trồng và cung ứng loại gạo này”, ông Duy cho biết.
Đại diện Công ty Hồ Quang Trí (đơn vị phân phối gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST25) cũng cho biết dịp Tết vừa qua lượng đặt gạo ST25 tăng mạnh. Trong đó, TP.HCM vẫn là thị trường tiêu thụ chính của loại gạo này.
Bên cạnh ST25, nhiều loại lúa thơm, lúa đặc sản trồng theo mô hình lúa tôm ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL cũng đang hút hàng trong thời gian qua. Ông Lâm Anh Tú, giám đốc Công ty TNHH nông sản Hoa Nắng (TP.HCM), cho biết dù có chuẩn bị nhưng cũng bất ngờ trước sức mua với loại gạo hữu cơ trồng trong ruộng lúa tôm tại Thạnh Phú (Bến Tre).
Tết Nhâm Dần vừa qua, Hoa Nắng đã chuẩn bị rất kỹ về nguồn hàng và thiết kế bao bì dành riêng cho sản phẩm gạo hữu cơ làm quà tặng trực tiếp và đưa vào các gói quà Tết. “Chúng tôi chuẩn bị nguồn hàng để bán cho cả tuần trước và sau Tết. Nhưng do khách đặt mua nhiều quá nên trước Tết cả chục ngày toàn bộ gạo quà tặng đã được bán hết”, ông Tú chia sẻ.
Tiềm năng phát triển dòng gạo cao cấp
Không chỉ người thành thị biết và ưa chuộng loại gạo lúa tôm mà người dân nhiều địa phương cũng chấp nhận trả giá cao để mua. Trước đây người trồng lúa tôm bán lúa bằng giá lúa thường trên thị trường. Hoa Nắng đã hợp tác, bao tiêu và trả giá cao hơn gần 50% (khoảng 11.000 đồng/kg lúa tươi đạt chuẩn). Ngoài ra công ty còn hỗ trợ 50% chi phí phân bón cho nông dân.
“Gần đây người dân trong vùng Thạnh Phú biết mô hình làm lúa tôm hữu cơ của Hoa Nắng an toàn nên đến trả giá cao, cạnh tranh với chúng tôi để mua về nhà dùng. Điều đó cho thấy gạo lúa tôm với giống lúa cao cấp, trồng theo phương pháp an toàn hay hữu cơ là hướng đi tiềm năng cho lúa gạo những vùng ngập mặn”, ông Tú nhận định.
Nhận thấy tiềm năng của loại gạo thơm “lúa tôm”, nhiều công ty đã hợp tác với nông dân, các hợp tác xã sản xuất gạo cao cấp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết ngay khi biết tin ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, trong hơn hai năm qua Vina T&T đã bỏ công sức làm thương hiệu cho loại gạo này tại Mỹ và đến nay được khách hàng và người tiêu dùng ưa chuộng. “Ngay sau Tết chúng tôi sẽ xuất khẩu 20 container gạo ST25 đi Mỹ và năm 2022 sẽ tăng cường xuất khẩu loại gạo này sau thời gian làm thương hiệu”, ông Tùng nói.
Với lợi thế an toàn cùng chất lượng thơm ngon, gạo làm từ giống lúa thơm trồng trong các vuông tôm vùng ĐBSCL được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, đặc biệt hút hàng dịp Tết vừa qua.
Liên tục mở rộng vùng trồng
Nhiều đơn vị đang tiếp tục mở rộng diện tích gạo lúa tôm. Như năm 2021, Hoa Nắng tăng diện tích trồng lúa tại Thạnh Phú (Bến Tre) lên 150ha (tăng 50ha so với năm 2020). Theo ông Lâm Anh Tú, nhu cầu của người tiêu dùng với loại gạo hữu cơ trồng trên các ruộng tôm tăng trưởng khá nhanh trong ba năm qua. Vì vậy, công ty tiếp tục phát triển vùng trồng mới rộng 40ha tại U Minh (Kiên Giang) và có kế hoạch mở rộng thêm ở vùng lúa tôm các tỉnh khác.
Nguồn: tuoitre.vn