Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống và các sinh viên chuẩn bị trở lại học trực tiếp, thông tin Trường ĐH Thủ Dầu Một (trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) tăng học phí kể từ đầu năm 2022 đã khiến nhiều người xôn xao.

Sinh viên sắp học trực tiếp, trường lại tăng học phí - Ảnh 1.

“Bài toán” giữa việc đảm bảo mức học phí hài hòa cho sinh viên và câu chuyện tự chủ đại học, “cắt bầu sữa mẹ ngân sách” tiếp tục cần tìm lời giải.

Học phí tăng do… tự chủ

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều sinh viên và cựu sinh viên của Trường ĐH Thủ Dầu Một bàn luận sôi nổi về thông báo của nhà trường về việc từ học kỳ II của năm học 2021 – 2022 học phí sẽ tăng.

“Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, đáng lẽ trường phải giảm học phí cho sinh viên, đằng này lại tăng. Trong khi suốt từ đầu năm học, hầu như sinh viên phải học trực tuyến, không sử dụng cơ sở vật chất của trường” – bạn H.Đ. nêu ý kiến. Nhiều ý kiến khác cho rằng chọn trường công lập vì mức học phí rẻ, nay học phí liên tục tăng qua các năm khiến nhiều người phải “suy nghĩ lại”.

Trường ĐH Thủ Dầu Một là trường quy mô của khu vực Đông Nam Bộ và thuộc tốp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương xét về cơ sở vật chất (tổng diện tích trên 64,3ha, bao gồm cơ sở tại thị xã Bến Cát) và xét theo quy mô sinh viên, học viên (hiện đang đào tạo khoảng 20.000 người mỗi năm). Nếu chưa tính sinh viên ngành sư phạm không phải đóng học phí do Nhà nước chi trả thay thì khoảng 15.000 sinh viên còn lại sẽ bị điều chỉnh bởi mức học phí mới.

Theo thông báo của Trường ĐH Thủ Dầu Một, mức học phí từ học kỳ II năm học 2021 – 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với trước. Lý do nhà trường đưa ra là từ 1-1-2022, trường chính thức trở thành trường đại học tự chủ tài chính. Mặc dù là trường công lập nhưng Nhà nước sẽ cắt toàn bộ các khoản hỗ trợ chi thường xuyên của trường.

Về cơ sở tăng học phí, hội đồng trường Trường ĐH Thủ Dầu Một cho rằng tổng mức học phí vẫn thấp hơn các trường khác trong địa bàn và mức tăng này đảm bảo theo quy định của nghị định 81 năm 2021. Theo đó, đối với đại học công lập đảm bảo chi thường xuyên thì được thu học phí tối đa bằng 2 lần mức trần của các trường công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên. Trong khi đó, hội đồng trường Trường ĐH Thủ Dầu Một cho rằng để chia sẻ với khó khăn của sinh viên nên đã quyết định tính học phí chỉ bằng mức 1,5 lần mức trần theo quy định.

Nằm trong lộ trình

Dư luận cũng đặt vấn đề về việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực… của Trường ĐH Thủ Dầu Một có tương xứng với mức học phí, cũng như với vị thế, nguồn lực mà Nhà nước, xã hội đã đặt ra cho nhà trường?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Thủ Dầu Một – cho rằng việc tăng học phí nằm trong lộ trình tự chủ tài chính đã được đặt ra từ lâu cho nhà trường. “Các năm trước đây học phí của nhà trường cũng đã có điều chỉnh tăng từng bước, có sự tính toán thận trọng mức hợp lý để vừa tự chủ nhưng cũng không tạo ra “cú sốc” cho xã hội. Hiện ngân sách không còn hỗ trợ chi thường xuyên nên nếu không điều chỉnh học phí thì trường không thể bù đắp chi phí cho hơn 600 giảng viên, nhân viên cũng như tích lũy để đầu tư phát triển” – ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cho biết thêm việc tự chủ tài chính, trong đó có việc học phí không còn được ngân sách bao cấp, là một việc khó nhưng không thể không làm, “phải tự chủ mới lớn lên được”. Vì vậy, bên cạnh việc cân đối tài chính từ nguồn thu học phí, nhà trường cũng sẽ mạnh dạn vay vốn của quỹ đầu tư phát triển tỉnh và ngân hàng để từng bước cải tạo, xây dựng thêm phòng học và phòng thí nghiệm, công trình phụ trợ… ở cả cơ sở hiện hữu và cơ sở mới. Qua đó, vừa từng bước tạo thêm tiện ích cho sinh viên, giảng viên mà không phải chi ngay một khoản tiền lớn để xây dựng cơ sở mới.

Xem xét hỗ trợ học phí cho sinh viên

Ông Nguyễn Lộc Hà – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết Trường ĐH Thủ Dầu Một đã tự chủ tài chính nên tôn trọng quyết định của hội đồng trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh thì với hệ thống giáo dục cần có tính toán phù hợp. Như với bậc phổ thông, chủ trương của UBND tỉnh là miễn giảm đối với các trường công và vận động giảm hoặc không tăng học phí với trường tư. Đối với mức học phí tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, với tư cách là cơ quan chủ quản, UBND tỉnh Bình Dương sẽ làm việc cụ thể với nhà trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hội đồng trường Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản hồi của sinh viên, dư luận về mức học phí mới cũng như xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nhà trường đã chấp thuận cho khoảng 200 sinh viên có đơn xin gia hạn đóng học phí.

Mức tăng học phí của Trường ĐH Thủ Dầu Một

khuon vien truong dh thu dau mot tran van on

Trụ sở chính Trường ĐH Thủ Dầu Một tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương 

Nhóm ngành giáo dục, quản lý kinh tế, khoa học xã hội nhân văn: mức cũ (học kỳ I năm học 2021 – 2022) trung bình 408.500 đồng/tín chỉ, mức mới (từ học kỳ II) 490.000 đồng/tín chỉ. Nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, kiến trúc…: mức cũ trung bình 487.500 đồng/tín chỉ, mức mới 585.000 đồng/tín chỉ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dịch COVID-19Học Trực Tiếptăng học phíTrường ĐH Thủ Dầu Một

Các tin liên quan đến bài viết