Cụm từ “hoa hồng” là “mỹ từ” trong kinh doanh, nhưng dưới góc độ pháp lý, có thể gọi đây là hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”.

Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), người này đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit test lên khoảng 45%.

Số tiền Việt Á thu về trong vụ này được xác định trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.

Trao đổi với VietNamNet về tình huống pháp lý nêu trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm cho rằng, cụm từ “hoa hồng” là “mỹ từ” trong kinh doanh, nhưng dưới góc độ pháp lý có thể gọi đây là hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, ít nhất cũng là “nhận quà trái quy định” pháp luật.

‘Hoa hồng’ và ‘gai đâm’ trong vụ nâng khống giá kit test ở Việt Á
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư phân tích, theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức là người làm công cho Nhà nước, được trả lương, tiền phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu theo quy định của pháp luật.

Ngoài các khoản thu mà pháp luật quy định, nghiêm cấm việc cán bộ công chức, viên chức nhận tiền của các tổ chức, doanh nghiệp.

Việc cán bộ công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để trục lợi từ tổ chức, cá nhân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể xử lý hình sự bởi các tội danh trong nhóm tội phạm về tham nhũng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc tặng quà theo văn hóa, phong tục tập quán thì giá trị của những món quà chủ yếu thể hiện tình cảm của người tặng quà với người nhận quà.

Nhưng dưới góc độ pháp lý, việc tặng quà có thể là hợp đồng dân sự hoặc là hành vi pháp lý đơn phương, thông thường sẽ là ý chí của người tặng quà khi họ chuyển giao một món quà (tài sản) của mình cho người khác.

“Nếu quà tặng giữa những người không phải là thân thích, nhưng giá trị quà tặng lên tới vài tỷ đồng, trị giá cả một gia tài thì chỉ có thể là “ăn chia”, “chung chi”, là hoạt động gian lận, chứ không thể có chuyện “người dưng” mà tặng cho nhau cả một gia tài như vậy”, lời Tiến sỹ Đặng Văn Cường.

Vẫn theo luật sư, nếu quà tặng là từ doanh nghiệp gửi đến và số tiền, số quà đó lại để ngoài sổ sách, không hạch toán, không kê khai thì đó là căn cứ xác định của gian, xác định nguồn gốc và động cơ sai phạm, vi phạm pháp luật.

Nhận quà bị xử lý

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, pháp luật quy định rất rõ về việc cán bộ công chức không được nhận quà của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp, đến công việc mà mình đang thực hiện. Việc nhận quà trái quy định sẽ bị xử lý kỷ luật.

‘Hoa hồng’ và ‘gai đâm’ trong vụ nâng khống giá kit test ở Việt Á
Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á)

Ngoài ra, nếu nhận quà để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa quà thì đó là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.

BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó, hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị xử lý về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS.

Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, trong vụ việc Việt Á chi “hoa hồng” cho các đối tác, CQĐT sẽ làm rõ những ai là người đã nhận quà? quà đó là tiền hay dạng vật chất khác? việc chuyển quà đó được thực hiện như thế nào? Số tiền dùng để tặng quà đó có phải là do phạm tội mà có, có phải thu nhập bất chính hay không?

Đồng thời, CQĐT cũng sẽ làm rõ những tác động của việc tặng quà đó mang lại đối với người tặng quà?

Những thỏa thuận trực tiếp hoặc thỏa thuận ngầm giữa người tặng quà và người nhận quà như thế nào để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, người nhận quà trong vụ án này là người có chức vụ quyền hạn, việc nhận quà đó để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người tặng quà thì việc tặng quà này là hành vi đưa hối lộ và người nhận quà sẽ bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ theo điều 354 BLHS năm 2015, với chế tài cao nhất của tội danh này là tù chung thân hoặc tử hình nếu của hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên.

Theo luật sư, CQĐT cũng sẽ làm rõ số tiền 800 tỷ đồng này là tiền từ đâu mà có? Trước khi chuyển giao số tiền này thì có việc thỏa thuận giữa lãnh đạo, cán bộ Công ty Việt Á với các cán bộ, lãnh đạo đã mua kit test của doanh nghiệp này hay không? Làm rõ các hợp đồng mua bán, các thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu với Việt Á có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

“Trường hợp số tiền tặng quà trên là do phạm tội mà có, hành vi có sự thông đồng cấu kết giữa cán bộ, lãnh đạo và doanh nghiệp để làm thất thoát tài sản của nhà nước, sau đó ăn chia, chung chi với nhau qua hình thức “quà tặng”, “lại quả” với cái tên mỹ miều là “hoa hồng” thì hoàn toàn có thể xử lý các đối tượng về tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ (kể cả trong trường hợp những người trong cuộc không thừa nhận hành vi phạm tội của mình)”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Công ty Việt ÁKit Test COVID-19

Các tin liên quan đến bài viết