Từ cuối năm 2016 đến nay, giá mủ cao-su bắt đầu tăng lên giúp nông dân Bình Phước có lãi. Kéo theo đó, thị trường mua bán giống cao-su cũng trở nên nhộn nhịp hơn, giá bán cây giống tăng lên đáng kể. Hiện, người mua chủ yếu sử dụng hai loại cao-su giống là BP2-3-5 và lai hoa.

Trong đó, giống BP2-3-5 có giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/stump bầu, còn stump trần có giá 5 nghìn đến 6 nghìn đồng/cây, tăng từ ba đến bốn lần; giống lai hoa có giá từ 20 đến 22 nghìn đồng/stump bầu, tăng từ hai đến ba lần so với những năm trước. Nhiều năm qua, do giá mủ cao-su bấp bênh cho nên các vườn ươm cây giống chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chuyển qua các hình thức kinh doanh khác. Thời gian gần đây do nhu cầu về cây giống của người dân tăng cao, sẽ kéo theo việc nhiều cơ sở sẽ quay lại sản xuất giống ồ ạt. Ðiều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính người kinh doanh cũng như những người dân trực tiếp mua cây giống.

Hiện nay, ngoài những cơ sở, đại lý cung cấp cây giống chuyên nghiệp thì các cửa hàng vật tư nông nghiệp, đại lý phân bón và một số hộ có điều kiện cũng tự sản xuất và nhập cây giống trôi nổi trên thị trường về bán, thậm chí chở xe gắn máy đi bán dạo đến từng ấp, xóm. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, dựa theo kinh nghiệm, hình thức bên ngoài người nông dân khó phân biệt được chất lượng tốt, xấu của cây giống. Việc mua phải cây giống không bảo đảm chất lượng về lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, người dân sẽ không được đền bù thiệt hại và phải tự chịu tổn thất về tiền của, công sức, thời gian trong suốt quá trình trồng, chăm sóc.

Trước thực trạng “thả nổi” vấn đề cung cấp cây giống như hiện nay, người nông dân mong muốn cơ quan chức năng thẩm định và công bố công khai danh sách các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống bảo đảm chất lượng. Ðồng thời, đối với những đơn vị kinh doanh cây cao-su giống không bảo đảm chất lượng cần có biện pháp xử lý thích đáng, tránh hậu quả đáng tiếc về sau.

Nguyễn Văn Thuận

 

Từ khóa : Cao su giốnggiá mũ cao sukỹ thuật chăm sóc cao su giống

Các tin liên quan đến bài viết