Chỉ trong vòng 7 giờ, từ 8h sáng đến 15h chiều 30-11, thủy điện Sông Ba Hạ tại Phú Yên đã tăng lưu lượng xả lũ từ 4.000m3/s lên đến 9.400m3/s.
Thủy điện Sông Hinh cũng tăng lưu lượng xả lũ từ 1.500m3/s lúc sáng sớm lên hơn 2.000m3/s vào đầu giờ chiều. Như vậy từ xế chiều hôm qua, sông Ba phải “gánh” hơn 11.400m3 nước xả về mỗi giây, nên nước lũ tràn về hạ du ào ạt, nhiều khu dân cư ở các địa phương như Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, thị xã Đông Hòa và TP Tuy Hòa ngập trong nước.
Ông Lê Xếp – chủ đại lý vật liệu xây dựng Chín Xếp ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) – kể lại: “Lúc 11h trưa nước lên ào ào, cả nhà tui cố đưa hàng hóa lên cao để cứu được gì thì cứu. Nhưng 1 giờ sau đó phải bất lực nhìn dòng nước lũ ngâm chìm cả kho ximăng bao và nhiều hàng hóa khác. Lũ lớn nhanh như hồi lũ lịch sử năm 1993 luôn”.
Còn ông Nay Y Blung – bí thư Huyện ủy Sơn Hòa – cho biết từ sáng sớm khi có thông tin thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, huyện đã triển khai ngay lực lượng để di dời dân vùng trũng thấp.
“Nhưng thật không ngờ là nước lũ lên quá nhanh, chỉ 30 phút mà thấy khắp nơi ngập sâu, lênh láng. Cho đến 19h tối 30-11, chúng tôi vẫn đang chỉ đạo công tác ứng cứu dân kẹt lũ tại xã Sơn Hà vì còn mấy chục hộ dân kêu cứu. Chưa thể biết thiệt hại như thế nào vì trận lũ lớn bất ngờ này” – ông Nay Y Blung nói.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến 17h chiều 30-11, các địa phương tỉnh này phải di dời 3.381 hộ với 11.457 người dân tránh lũ.
Trước câu hỏi “vì sao xả lũ tăng rất nhanh như vậy?”, ông Trần Hữu Thế – chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – nhìn nhận có điểm bất ngờ là trước đó một ngày (tức ngày 29-11), hồ thủy điện Sông Ba Hạ không có nhiều nước.
“Nhưng do Tây Nguyên mưa quá lớn trong hai ngày nay, nước thượng nguồn về quá nhanh, các thủy điện ở lưu vực trên thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng quá lớn, làm cho hồ thủy điện Sông Ba Hạ, hồ thủy điện cuối cùng trên sông và không có “bụng” chứa nên nhận được bao nhiêu phải xả hết bấy nhiêu.
Chúng tôi cũng đã cố gắng điều hành xả lũ linh hoạt, cho tăng dần nhanh rồi sau đó cũng giảm nhanh để tránh thời điểm thủy triều dâng cao, có nguy cơ gây ngập lụt trầm trọng hơn nữa” – ông Thế giải thích.
Tại Bình Định, có 17.000 ngôi nhà bị ngập. Ngập nặng nhất là ở huyện Tuy Phước với hơn 10.000 nhà dân ngập từ 1 – 1,8m.
Các xã Phước Nghĩa, Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận bị ngập hầu hết đường sá, làng xóm. Mưa lớn kéo dài cũng đã gây ra 10 điểm sạt lở tại huyện An Lão khiến việc đi lại tại các xã An Toàn, An Quang, An Vinh và An Trung bị tê liệt hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Phi Long – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đây là trận mưa lũ lớn gây ngập trên diện rộng, chia cách nhiều nơi. “Chúng tôi tập trung di dời dân ở những vùng ngập sâu, sạt lở đến nơi an toàn, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tại những nơi ngập sâu, lực lượng chức năng phải đưa dân đến các trụ sở ủy ban, trường học trú ngụ” – ông Long nói.
Quảng Nam: ngập lũ đồng bằng, miền núi khắc phục sạt lở
Mưa lớn kèm thủy điện xả nước điều tiết khiến nhiều nơi khu vực đồng bằng Quảng Nam ngập sâu. Ngày 30-11, một số khu vực thấp trũng ở huyện Duy Xuyên, TP Hội An ngập sâu gần 1m, người dân phải dùng ghe đi lại. Bà Lê Thị Tấn (65 tuổi, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cho biết mưa lớn, thủy điện xả nước khiến nước sông Thu Bồn dâng nhanh, đến sáng cùng ngày thì ngập sâu vào nhà dân.
Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường dọc sông Hoài như Bạch Đằng, Ngô Quyền, Nguyễn Thái Học (TP Hội An, Quảng Nam) ngập sâu gần 1m, nước lũ tràn vào nhà dân, quán xá ở phố cổ.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn đã gây sạt lở tại một số địa phương như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn. Tại huyện Phước Sơn, sạt lở tại khu dân cư thôn 2, xã Phước Thành, ảnh hưởng đến 6 hộ dân và làm 2 trụ điện có nguy cơ gãy đổ.
Nguồn: tuoitre.vn