Thời gian gần đây, nạn mua, bán điều non ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Phước có biểu hiện diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng. Các đối tượng lợi dụng khó khăn, sự nhẹ dạ cả tin của bà con để mua điều non, cầm cố tài sản… Tình trạng trên khiến cuộc sống người dân vốn đã khó khăn, càng thêm khó khăn.
Nhiều thủ đoạn mua điều non
Tháng 6-2017, giá hạt điều tại tỉnh Bình Phước tuy đã tăng lên 54.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ dân không còn điều để bán. Tìm hiểu ở các thôn, ấp của huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), chúng tôi ghi nhận, nguyên nhân là do bà con đã bán điều non, cầm cố tài sản trước đó. Ông Điểu Klé, 51 tuổi, dân tộc S’tiêng, ngụ xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập) than thở: “Trước đây, tôi có 1,5ha trồng điều. Vì chi tiêu không phù hợp nên tôi đã phải vay của ông Hoàng Sơn Đông người cùng xã số tiền 170 triệu đồng. Do không có tiền để trả nên tôi đành phải bán 1,5ha điều non cho ông Đông. Tuy nhiên, khi tôi xin chuộc lại, thì ông Đông đòi số tiền rất cao. Mặc dù tôi đã phải cầm cố thêm tài sản, nhưng vẫn không thể chuộc lại được 1,5ha điều”.
Cùng hoàn cảnh như ông Điều Klé, anh Điểu Linh, sinh năm 1984, dân tộc S’tiêng, ngụ xã Phú Nghĩa, cũng vì không có tiền chữa bệnh cho bố nên để vay được 110 triệu đồng của ông Lê Văn Toàn, ngụ thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) anh đã phải bán 2ha điều non. Trường hợp của ông Điểu Klé và anh Điểu Linh là hai ví dụ trong số 12 hộ dân ở xã Phú Nghĩa đã phải cầm cố đất, bán điều non với tổng diện tích 14,6ha vì những khó khăn của gia đình. Lý giải điều này, ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, cho biết: “Vấn nạn cầm cố tài sản; mua, bán điều non tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn xã. Mỗi héc-ta điều bán non, bà con thiệt hại từ 40 đến 50%. Địa bàn rừng núi rộng, đi lại khó khăn, các hoạt động mua, bán diễn ra lén lút nên chúng tôi rất khó kiểm soát”.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, thì chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 375 hộ bán điều non với 523,4ha, số tiền 22,6 tỷ đồng và 371 hộ cầm cố tài sản, trị giá 21,9 tỷ đồng… Riêng tại huyện Bù Gia Mập có hơn 200 hộ cầm cố tài sản, bán điều non, trong đó xã Bù Gia Mập có đến 49 hộ cầm cố tài sản, 16 hộ bán điều non với 24ha… Nạn cầm cố tài sản, bán điều non tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp… cũng diễn biến hết sức phức tạp. Ông Nguyễn Đình Sang, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, bức xúc: “Lợi dụng trình độ kỹ thuật canh tác, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, cuộc sống gặp khó khăn nên các đối tượng trục lợi đã mua điều non, cầm cố tài sản của bà con. Các hoạt động giao dịch này thường ngấm ngầm giữa các đối tượng và người dân thông qua nhiều hình thức như: Hợp đồng miệng, viết giấy tay… Khi bà con không có tiền trả, hoặc muốn chuộc lại tài sản, đối tượng tìm cách nâng giá, ép bán tài sản để trục lợi… Nạn cầm cố tài sản, mua bán điều non không chỉ làm cho cuộc sống của bà con thêm nghèo đói mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn về an ninh, phát sinh các tệ nạn, quan hệ xã hội phức tạp, gia tăng nạn phá rừng. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 150 vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng”.
Cấp bách giải bài toán quy hoạch, hỗ trợ nông dân
Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước với 143.000ha, sản lượng đạt 153.000 tấn, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh Bình Phước đang thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nạn cầm cố tài sản, mua, bán điều non. Theo ông Nguyễn Đình Sang, thì hiện Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng cầm cố tài sản, mua, bán điều non. Theo đó, các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý giao dịch trong các lĩnh vực không thuộc hệ thống ngân hàng về mua, bán điều non, vay tiền, cầm cố tài sản. Khi phát hiện các giao dịch có sự chèn ép về giá, quyền lợi, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời. Lực lượng chức năng địa phương cũng chủ động rà soát phân loại các đối tượng, có biện pháp răn đe và giải quyết từng vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ quy hoạch, phát triển đạt 180.000ha đến 200.000ha diện tích trồng điều năng suất cao. Bên cạnh việc rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu, chất lượng cây giống, quy trình canh tác, liên kết, mở rộng hợp tác sản xuất; tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, biện pháp hỗ trợ nông dân. Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp chính quyền, nhất là ở cấp xã, thôn, ấp chủ động nắm vững hoàn cảnh của từng hộ dân, nhất là những khó khăn đột xuất, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; đồng thời chủ động hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất, canh tác cho người dân. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò các ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín, đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho nhân dân nhận rõ thủ đoạn của các đối tượng trục lợi để chủ động phòng tránh và phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết từng vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
DUY NGUYỄN