Không chỉ những người sắp ‘gần đất xa trời’ mới làm di chúc, mà hiện nay nhiều người còn trẻ cũng làm di chúc. Họ có một số ước nguyện muốn được thực hiện nếu chẳng may qua đời.
Những người trẻ đã lập di chúc cho biết việc này là cần thiết và văn minh. Vậy di chúc của họ thường có những nội dung chủ yếu gì?
Phần lớn liên quan đến tài sản
Anh Nguyễn Văn H. ở TP.HCM, dù đã 40 tuổi nhưng vẫn độc thân, có dành dụm, mua sắm được một số tài sản. Tháng 5-2021, anh H. đến văn phòng công chứng lập di chúc. Lý do lập di chúc là bởi gia đình anh H. có đến 4 dòng con. Anh em (cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, cùng cha cùng mẹ) của H. lên đến 18 người.
“Mẹ tôi là vợ thứ 3 của ba tôi, còn ba tôi là đời chồng thứ 2 của mẹ. Thực tế tôi chỉ có một người chị ruột cùng cha mẹ, còn lại 16 người kia chỉ cùng mẹ hoặc cùng cha. Khi còn nhỏ, chẳng ai yêu thương tôi. Chỉ mỗi người chị này là thương yêu, chăm sóc tôi. Nếu chẳng may tôi qua đời, tôi sợ tài sản bị xâu xé nên mới lập di chúc. Tại sao tiền bạc của tôi lại phải chia cho những người chưa bao giờ yêu thương và đùm bọc tôi. Sau khi lập di chúc xong tôi nhẹ hết cả người”, anh H. tâm sự.
Hiện những người lập di chúc sớm như anh H. không phải hiếm, trong đó độ tuổi 40 – 50 là khá phổ biến. Chị Trần Thị P. (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) hiện là mẹ đơn thân nuôi 2 con dưới 18 tuổi. Chị P. ly hôn chồng đã hơn 10 năm, chị hay đùa: “Nói theo phong thủy thì sau khi ly hôn, tôi làm ăn phát đạt hơn, con cái ngoan ngoãn, khỏe mạnh”.
Lý do chị P. lập di chúc là: “Một lần ngủ dậy tôi bị choáng ngất đi, rồi có lần bị đau đầu đến không ngủ được. Tôi đi khám thì không ra bệnh, con thì còn nhỏ nên phải lập di chúc phòng bất trắc”.
Theo lời chị P., sau khi tìm hiểu chị biết rằng nếu chẳng may chị qua đời thì tài sản của chị sẽ chia 4 (cha mẹ ruột và 2 con). Mà do 2 con đều chưa đủ 18 tuổi, nên người giám hộ đương nhiên (cả phần tài sản) của chúng là cha ruột. Chị không muốn điều đó xảy ra nên mới lập di chúc.
Ngoài ra, cha và mẹ chị cũng ly hôn từ khi chị còn nhỏ. Cha chị cũng đã lấy vợ và có con. Nếu để pháp luật phân chia thì cha và gia đình mới của ông cũng sẽ được 1/4 tài sản của chị.
“Điều đó là bất công với tôi. Bởi khi chúng tôi cần ông nhất thì ông sống với vợ kế và chăm nuôi những đứa con khác. Vậy tại sao tôi phải để lại tài sản của mình cho họ? Có thể tôi sẽ thay đổi nội dung di chúc, nhưng tôi muốn con mình được đảm bảo chuyện tiền bạc để học hành, sinh nhai, tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra phải được dùng đúng chỗ”, chị P. nói.
1.001 lý do lập di chúc
Thực tế có nhiều trường hợp tìm đến luật sư hoặc văn phòng công chứng để tư vấn lập di chúc với những lý do rất khó tin. Công chứng viên Nguyễn Minh Phát kể ông T. có 2 người con trai nhưng khi lập di chúc, ông T. để lại toàn bộ tài sản cho người con nhỏ, còn con lớn chỉ được hưởng một phần rất nhỏ chỉ đủ cho việc sinh hoạt, học hành.
Ông T. tâm sự do đứa con lớn không phải con ruột của ông, vì trước khi đến với ông, vợ ông đã có thai với một người đàn ông đã có vợ. Để êm ấm, người đàn ông đó đã cho vợ ông một số tiền và yêu cầu bỏ thai đi nhưng bà không làm.
Sau khi cưới nhau, trên danh nghĩa ông T. vẫn là cha của đứa trẻ ở giấy tờ nhưng thực tế thì không có quan hệ máu mủ gì. Đứa trẻ sau khi lớn lên cũng được nhà ngoại nói cho biết và vợ ông vẫn lén lút cho con đi gặp cha ruột. Do vậy ông không muốn chia tài sản lớn cho đứa con này.
Luật sư Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết khách hàng của cô nhờ tư vấn lập di chúc khá nhiều, phần lớn là những người thành đạt. Những nội dung di chúc chủ yếu đều liên quan đến tài sản mà họ nhận thấy nếu để phân chia thừa kế theo quy định pháp luật thì sẽ không ổn, hoặc trái ý nguyện của họ.
Ví dụ, có một vị khách ở TP.HCM, lúc trẻ ông chăm chỉ buôn bán làm ăn nên tích lũy đất đai, nhà cửa ở nhiều nơi. Nhưng căn nhà ông đang ở xây kiên cố ở ngoại thành trên diện tích đất rộng 5.000m lại là tài sản mà ông trăn trở nhất. Ông muốn sau khi qua đời căn nhà này sẽ là nơi tập hợp con cháu những ngày lễ tết và đặc biệt không được bán, sang nhượng.
Dù hiện nay các con cháu đều có của ăn của để, nhưng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, nên ông mong muốn căn nhà là nơi con cháu có thể tá túc nếu thất cơ lỡ vận. Người được thừa kế căn nhà chỉ được ở, trông coi, thu hoa lợi trên mảnh đất chứ không được bán. Đến các đời con cháu sau này cũng thế.
Văn minh hay điềm gở?
Tuy là người trẻ có suy nghĩ tiến bộ và cho rằng văn minh khi lập di chúc nhưng đối với người thân, người quen lại cho rằng đó là điềm gở. Chị L., một phụ nữ đơn thân đang nuôi con ở Hà Nội, đã lập di chúc về việc sẽ nuôi dạy con, phân chia tài sản, sử dụng tài sản ra sao nếu chị đột ngột qua đời.
Sau khi lập di chúc xong, chị thông báo cho 2 người bạn biết và nhờ những người này trông nom, giám sát di chúc giúp. Một trong 2 người bạn là một cán bộ công chức nghe xong vừa khóc, vừa mắng bạn: “Sao mày đi làm chuyện gở thế hả? Mày đang khỏe mạnh tự nhiên làm di chúc làm gì như trăng trối thế?”.
Theo chị L., rõ ràng quan niệm dân gian vẫn còn nhiều người kiêng việc này vì họ cho rằng đó là điềm xấu.
“Từ ngày tôi lập di chúc và dặn dò hai người bạn xong, cứ vài ngày bà bạn tôi lại hỏi thăm một lần. Chị ấy dặn tôi thường xuyên đi khám tầm soát sức khỏe, bớt ra đường vì đang dịch bệnh, cần gì sẽ cho người giao tới. Có lẽ bà ấy sợ tôi bị gở thật nên cứ lo lắng”, chị L. kể.
Không chỉ có những người đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn hoặc tới Văn phòng công chứng lập di chúc, cũng có không ít người tự lập di chúc ở nhà, để nhắn nhủ lại những ý nguyện của mình và mong người thân tôn trọng.
Có một nhóm 3 người bạn chơi cùng nhau ở Hà Nội, cùng khởi nghiệp với một dự án nông nghiệp sạch đã cùng nhau lập một thỏa thuận (như một di chúc) về việc kê ra các tài sản, những mong muốn của mình muốn làm được. Nếu chẳng may có ai đó trong nhóm qua đời trước mà chưa thực hiện được ý nguyện thì 2 người còn lại sẽ làm thay.
“Chúng tôi nghĩ là vui thôi, nhưng thỏa thuận đó cũng được cân nhắc và lập khá chi tiết như liệt kê tài sản, xe cộ, nữ trang, nợ nần… và việc xử lý như thế nào. Quan trọng nhất là chúng tôi đều đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời, nên nếu một người chẳng may qua đời trước thì hai người kia có trách nhiệm chu toàn việc đó”, anh Trần Công S., một thành viên của nhóm, kể.
Và thỏa thuận về di chúc của họ không được công bố cho người thân biết. “Bố mẹ mà biết mình còn trẻ lại lập di chúc nói đến chết chóc các cụ mắng cho, thế nên việc của mình thì cứ làm thôi”, anh S. cười nhẹ nhàng.
Lập di chúc vì sợ bị ám hại
Đây là câu chuyện khá ly kỳ của anh Trần Minh D. (21 tuổi), ngụ quận 8, TP.HCM. Mẹ anh D. đột ngột qua đời để lại khối tài sản khá lớn và anh là người thừa kế duy nhất, mặc dù cha anh còn sống. Lý do ông này không được nhận thừa kế bởi ông đang sống với người vợ khác và có 4 người con.
Sau khi mẹ D. qua đời, người cha yêu cầu được chia tài sản nhưng không được nên sinh ra mâu thuẫn với con. Lời qua tiếng lại, cuối cùng D. nghe được người thân bên cha ruột của mình nói rằng dù không chia nhưng nếu D. chết thì người cha vẫn được hưởng khối tài sản khủng đó.
Nghe vậy D. sợ mình bị ám hại nên liền đến văn phòng công chứng lập di chúc nêu rõ, nếu D. qua đời thì toàn bộ tài sản sẽ được lập quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo.
“Cần thiết, văn minh”
Chị Mai Thị H. (28 tuổi) cho biết sẽ lập di chúc sau khi tìm hiểu kỹ các điều luật. Chị H. cho rằng việc lập di chúc là văn minh. Có những khoản tiền mình cho vay, khoản tiền nợ hoặc góp vốn làm ăn với ai đều cần viết lại cho rõ bởi nếu xảy ra bất trắc thì người thân biết mà xử lý. “Mình xa quê, sống ở TP.HCM một mình, không có người thân thì viết di chúc để nói rõ cũng là cần thiết và văn minh”, chị H. nói.
Nguồn: tuoitre.vn