Vì học theo các nhân vật có ảnh hưởng về “ăn sạch” trên Instagram, Ashlee Thomas mắc chứng biếng ăn và suýt chết.
Instagram độc hại với giới trẻ ra sao? |
Suýt chết vì học tập thần tượng trên Instagram
Năm 14 tuổi, Ashlee Thomas mắc chứng biếng ăn và chỉ nặng 38,5kg. Cô phải nhập viện, tim ngừng đập hai lần và các bác sĩ cho rằng Ashlee không thể qua khỏi. Tuy nhiên, Ashlee vẫn sống. Giờ đây, cô gái sống ở bang New South Wales, Australia này đang cống hiến cả đời mình để giúp những bé gái khác. Lời cảnh báo đầu tiên mà Ashlee gửi tới các bậc phụ huynh, em nhỏ chính là Instagram rất nguy hiểm. Đó chính là nơi hành trình cận kề cái chết của cô bắt đầu.
Hãng tin CNN dẫn lời Ashee kể, khi dùng ứng dụng Instagram, cô bắt đầu bằng việc theo dõi những người có ảnh hưởng về vấn đề ăn sạch. Là một vận động viên, Ashlee muốn có một thân hình cân đối nhất và những thân hình mà cô coi là lý tưởng đã xuất hiện trên dòng thời gian của Ashlee mỗi ngày. Mỗi lượt thích và bình luận lôi kéo cô gái bắt chước kiểu cơ thể đã thấy.
“Tôi chỉ muốn được nhiều người thích và yêu mến như họ. Tôi muốn có cảm giác đó”, Ashlee, năm nay 20 tuổi, cho biết. Tuy nhiên, điều trái ngược đã xảy ra. Ashlee bắt đầu chán ghét bản thân.
Một người dùng mạng bình luận về bức ảnh chân dung Ashlee đăng lên là bụng cô nhiều mỡ. Có lúc, Ashlee bỏ ăn, khiến cha mẹ cô phải tìm mọi cách để ép con gái ăn. Các nhà chức trách về phúc lợi trẻ em đã được gọi tới và họ phải dùng tới cách ép Ashlee ăn. Ashlee nhớ lại: “Tôi còn nhớ mình ngồi xuống và bố buộc tôi phải há miệng còn mẹ bơm thức ăn vào miệng vì tôi không chịu ăn”.
Tác hại của Instagram
Những gì xảy ra với Ashlee chỉ là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng “độc hại” tiềm tàng của mạng xã hội Instagram đối với các cô gái “tuổi teen” như thế nào. Đây là vấn đề đã được người tiết lộ bí mật của Facebook là Frances Haugen nêu bật trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hồi tuần trước.
“Tôi tin rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta”, Haugen – cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, người từng làm về vấn đề liêm chính công dân của công ty này, nói với một tiểu ban của Thượng viện.
Haugen đã trích dẫn một nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy, 13,5% nữ thanh thiếu niên trên Instagram nói, nền tảng này khiến những suy nghĩ về tự vẫn và tự gây thương tích cho bản thân trở nên tồi tệ hơn, 17% cho rằng Instagram khiến các vấn đề về ăn uống như chứng biếng ăn, thêm trầm trọng. Nghiên cứu cũng cho hay, cứ 3 các cô gái “tuổi teen” thì có một người bị các nền tảng của Facebook làm cho vấn đề hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn. Instagram thuộc sở hữu của Facebook.
Tuyên bố trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ, Haugen nói: “Các lãnh đạo công ty biết cách làm cho Facebook và Instagram trở nên an toàn hơn, nhưng họ không muốn thực hiện những thay đổi cần thiết vì họ luôn đặt lợi nhuận của công ty lên trước… Quốc hội cần hành động. Facebook sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này nếu không có sự trợ giúp của các vị”.
Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg đã lên tiếng biện hộ trước những cáo buộc của Haugen. Mark cho hay, nghiên cứu của công ty về tác động của các nền tảng thuộc Facebook đã bị hiểu sai.
Theo các chuyên gia, nội dung từ các tài khoản ăn kiêng nghiêm ngặt có thể đóng vai trò xác thực cho những người dùng có khuynh hướng với các hành vi không lành mạnh.
Pamela Keel, Giám đốc phòng khám nghiên cứu Hành vi ăn uống tại Đại học bang Florida cho hay, việc đăng ảnh lên Instagram làm tăng những lo ngại về cân nặng và hình dáng cũng như mối bận tâm, sự không hài lòng với ngoại hình của một người. “Đó thực sự là một trong những yếu tố có nguy cơ mạnh nhất để phát triển chứng rối loạn ăn uống”.
Theo bà Keel, do khả năng tiếp cận rộng rãi của Instagram đối với phụ nữ và các em gái nên những nội dung như vậy khi được đăng lên nền tảng này trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Nguồn: vietnamnet