Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Trần Đình Long cùng với các câu chuyện kinh doanh của Đức Long Gia Lai, Thế giới di động,… là tâm điểm tuần qua.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng nói về kinh doanh
Mới đây, trong 1 đoạn clip, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng hay còn gọi là Dũng lò vôi cho biết mình “không bao giờ cầm một đồng bạc mà người khác phải rơi nước mắt hết”. Đây là nguyên tắc từ khi mới bắt đầu kinh doanh và cũng là cá tính từ nhỏ của đại gia.
Trước đó, khi đền bù đất cho dân Dĩ An, Bình Dương, ông Dũng thẳng thắn tuyên bố, giá đất của bà con đáng giá 10 đồng, giá 20 đồng thì ông cũng sẵn sàng đền bù ít nhất 30-40 đồng. Bởi luôn trọng lợi ích của người khác nên ông chủ Đại Nam tự hào tuyên bố: “Đố ai tìm được một cái đơn người dân thưa kiện ông Dũng khi tôi đi đền bù”.
Ông Dũng còn có một quan điểm nữa vẫn luôn theo đuổi trong quá trình kinh doanh: “Mình thấy cái gì không vừa lòng thì mình đóng vai trò mình là họ, họ là mình để tìm 1 cái dung hòa làm sao cho thật tốt, không thể vừa ý người này và mất lòng người kia”.
Ông Huỳnh Uy Dũng |
“Ngày mới bắt đầu kinh doanh, tôi tham vọng làm ra thật nhiều tiền. Khi có thật nhiều tiền rồi, bộ não của mình phải lên dây cót để chữ “dừng lại” xuất hiện đúng lúc. Ngày đang tung hoành trên thương trường, nguyên tắc quan trọng nhất của tôi là ai cũng có thể làm bạn với mình. Và tôi tuyệt đối không làm phương hại đến ai”, ông cho biết.
Ông cho rằng, kinh doanh khi dựa vào nền tảng của luật nhân quả thì con người sẽ nhẹ nhàng bước đi. Kiếm được một đồng nhưng tối về ngủ rất ngon hay kiếm cả đống tiền, tối ngủ có khi lại giật mình. Đồng tiền mình kiếm từ chỗ tạo phước đức hay gây tội lỗi, điều đó rất quan trọng.
Tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ lọt top đầu thế giới
Reuters vừa công bố công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, trong đó có một DN Việt Nam. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.
Trong năm 2021, cổ phiếu HPG nói riêng và ngành thép nói chung tăng mạnh nhờ có kết quả kinh doanh rất tốt. Trong quý II, HPG lãi hơn 9,7 n ghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2020 và cao hơn cả năm 2020. HPG là cỗ máy kiếm tiền bậc nhất trong nhóm VN30, vượt qua cả Vinhomes, với mỗi giây kiếm hơn 1 triệu đồng lợi nhuận cho cổ đông, hay tương đương 92 tỷ đồng mỗi ngày.
Lũy kế 9 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Tính tới hết 6/10, theo Forbes, ông Long có tài sản ròng 3,8 tỷ USD, xếp thứ 853 trên thế giới và là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Công ty sách do con trai bầu Hiển làm chủ tịch huy động 750 tỷ
CTCP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (Habook – HAB) sẽ chốt danh sách chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1.000 : 5.015, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1.000 cổ phiếu sẽ được mua 5.015 cổ phiếu mới.
Habook dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 75.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về nếu chào bán thành công dự kiến là 750 tỷ đồng. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 19/10/2021 đến 29/10/2021. Thời gian đăng ký đặt mua từ 19/10/2021 đến 3/11/2021.
Trên thị trường, cổ phiếu HAB hầu như đóng băng thanh khoản từ cuối năm 2018 tới nay. Đến phiên 13/5/2021, thị giá bắt đầu tăng từ vùng giá 28.000 đồng/cổ phiếu lên mức 66.200 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 21/5, khối lượng giao dịch chỉ 100 đơn vị/phiên.
Hiện Habook đang có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó T&T Group của bầu Hiển nắm giữ 28,55% vốn. Ông Đỗ Vinh Quang – con trai út của bầu Hiển hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Trong năm 2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thoái toàn bộ 37,6% vốn của Habook.
Đỗ Vinh Quang, con trai thứ hai của ông bầu Đỗ Quang Hiển |
Đức Long Gia Lai nói về dư nợ, nợ và việc thay đổi CEO
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa công bố thông tin cho hay, trong ngày 30/9 vừa qua, doanh nghiệp này đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật công ty của ông Trần Cao Châu.
Theo đó, ông Châu xin từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng Giám đốc – Người đại diện pháp luật công ty kể từ ngày 1/10. Trong đơn xin từ nhiệm, ông Châu cho biết lý do vì “công việc gia đình”. Hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai đã đồng ý miễn nhiệm ông Trần Cao Châu khỏi các chức vụ nói trên.
Ông Nguyễn Tường Cọt được HĐQT để cử Tổng giám đốc Tập đoàn kể từ ngày 1/10/2021. Ở tuổi 37, ông Nguyễn Tường Cọt là Tổng Giám đốc trẻ nhất trong các đời Tổng Giám đốc tiền nhiệm và cũng là người lãnh đạo gắn bó lâu năm nhất, trưởng thành cùng với sự phát triển của DLG, thăng trầm qua nhiều vị trí: Giám đốc xí nghiệp chế biến gỗ Đức Long Gia Lai, Giám đốc Công ty CP ĐTPT Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Alpha Seven), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Ông là một lãnh đạo trẻ năng động, nhạy bén dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh và chủ động quyết định mọi công việc theo thẩm quyền được giao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn đăng ký mua thêm 8 triệu cổ phiếu
ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 17,72% lên 18,75% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 14/10 đến 29/10.
Xét về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của GEX đạt gần 13.110 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh chính về thiết bị điện tăng trưởng hơn 59% lên gần 9.669 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Công ty tăng 55% lên hơn 1.893 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu thuần, doanh thu tài chính của GEX cũng ghi nhận tăng trưởng ở mức 43%, đạt hơn 518 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty trong kỳ ghi nhận khoản lợi nhuận phát sinh gần 219 tỷ đồng do đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty con.
Đối với công ty liên doanh, liên kết, lợi nhuận trong các công ty này mang về cho GEX gấp 7 lần cùng kỳ, với gần 161 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng người thân sếp đua nhau bán
Bà Võ Thị Thái Hòa, chị dâu ông Phạm Kim Châu, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đạt Phương đã bán 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,532% về còn 0,453% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 30/9 đến 1/10.
Ngoài ra, bà Hòa tiếp tục đăng ký bán thêm 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu về 0,373% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 11/10 đến 31/10.
Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Xuân, em gái ông Đặng Hoàng Huy, Thành viên HĐQT đăng ký bán ra 20.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,171% về còn 0,139% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 11/10 đến 15/10.
Được biết, từ 19/7 đến 6/10, cổ phiếu DPG tăng 107% lên 57.000 đồng/cổ phiếu và thuộc cổ phiếu tăng nóng nhất thị trường.
Nguồn: vietnamnet