Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, tổ chức ngày 28-9.
Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm giải ngân được 183.320 tỉ đồng, đạt 39,74% kế hoạch; dự kiến đến 30-9, số vốn giải ngân 218.550 tỉ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.
Việc giải ngân chậm, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn…
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh – tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng – cho biết trong 2.511 dự án năm 2021, có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, 490 dự án khởi công mới. Với hơn 80 vướng mắc được tổ công tác tiếp nhận, có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương.
Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài nên khi thực hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho các ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực, “gặp vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ”.
Giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch – đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ ngành tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của nguồn lực quan trọng này bởi chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%.
Có 76/114 ban, bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.
Đồng tình với các lý do khách quan đã nêu, Thủ tướng cho rằng vấn đề vẫn là ở khâu thực hiện, yếu tố chủ quan như việc xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải; thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển, thiếu quyết liệt, sâu sát, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát…
Biểu dương những đơn vị có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%, nhưng cũng phê bình nghiêm khắc đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 40%, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền cần kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, rút kinh nghiệm, còn trì trệ, vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc với tinh thần “khen chê rõ ràng, phân minh, khách quan, xuất phát từ kết quả cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới trì trệ”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhận thức rõ khó khăn do đợt bùng phát dịch thứ 4 nên càng phải tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, còn hơn 50% nguồn vốn (tương đương 250.000 tỉ đồng) phải giải ngân là thách thức rất lớn.
Vì vậy cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, linh hoạt sáng tạo và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất, chống tham nhũng tiêu cực.
Bộ ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, xem đây là một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ cuối năm, chủ động điều chỉnh vốn nếu chậm giải ngân.
Cùng với các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư, huy động nguồn lực.
Tiếp tục tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu cho đầu tư, địa phương thực hiện giãn cách tranh thủ làm ngay thủ tục cho các dự án, để sau ngày 30-9 có lộ trình phù hợp, mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn.
Cần tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn, “các địa phương không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy lên các bộ ngành trung ương” để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà, tiết kiệm cho dân cho nước.
Rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài, công khai tiến độ giải ngân hằng tháng để khen chê kịp thời, minh bạch.
Với những vướng mắc về thể chế, Thủ tướng yêu cầu tổng hợp, rà soát để báo cáo các cấp, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tạo đồng thuận cao.
Nguồn: tuoitre.vn