Như chúng tôi đã thông tin, dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định hành vi phôtô bài báo để kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi bị phạt đến 10 triệu đồng. Cụ thể, khoản 1 Điều 29 dự thảo nghị định nêu rõ: “Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản trái phép báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi”.

Nhiều người thắc mắc mục đích của việc phạt hành vi này để làm gì, bởi hành vi ấy đâu có gây hại cho ai, nếu có vi phạm bản quyền thì đã có quy định khác điều chỉnh.

Đại diện cơ quan soạn thảo giải thích

Để làm rõ thêm quy định này, ngày 21-6, chúng tôi đã liên hệ với Thanh tra Bộ TT&TT, đơn vị được giao chủ trì xây dựng nghị định. Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng, cho biết quy định trên hướng đến việc sử dụng thiết bị. “Dự thảo chỉ gom lại không chỉ báo chí mà bất cứ thứ gì nhưng dùng thiết bị này để nhân bản thì đều bị xử lý, vì đó không phải là thiết bị in” – ông Toàn nói.

Trước câu hỏi thực tế đã nảy sinh vấn đề gì để Thanh tra Bộ TT&TT xây dựng quy

định trên, ông Toàn dẫn chứng trường hợp về bài báo “Thánh vật sông Tô Lịch”. (Chánh thanh tra Bộ VH-TT thời điểm đó đã xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin đối với tổng biên tập cơ quan báo chí đăng tải nội dung trên 20 triệu đồng – PV). “Ở thời điểm đó, nhiều người đã phôtô bài báo trên để phát tán, bán lại cho người khác. Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Bộ cũng cho rằng những trường hợp tương tự không phải là phổ biến” – ông Toàn cho hay.

Ông Toàn cho rằng với quy định này, các cơ quan báo chí nếu tự phôtô bài báo của mình thì không bị xử lý hoặc cá nhân, đơn vị khác có hành vi tương tự mà được sự đồng ý của báo thì cũng không bị điều chỉnh bởi quy định trong dự thảo.

Ngoài ra, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng cho biết hiện Nghị định 47/2009 xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả liên quan cũng đã quy định khi cá nhân, tổ chức dùng tác phẩm báo chí in ra để lan truyền còn bị phạt tiếp ở hành vi khác nằm trong Nghị định 47. Bởi đó vẫn là tài sản trí tuệ của cơ quan báo chí, không được lấy dưới bất cứ hình thức nào và cũng không được nhân bản để thu lời.

Phôtô báo cho nhiều người đọc: Phạt là vô lý! - ảnh 1
Công an và cán bộ tòa án huyện Đắk Hà, Kom Tum đi gom báo phôtô của dân… Ảnh: NGÂN NGA

Nếu vi phạm bản quyền, đã có luật khác điều chỉnh

Bày tỏ quan điểm về quy định này, một cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông báo chí đặt vấn đề về sự cần thiết, tính mục đích của quy định trên. “Nếu là vấn đề bản quyền thì tòa soạn và nhà báo bảo vệ bản quyền theo các quy định thuộc về bản quyền. Bên cạnh đó, việc xác định số lượng bao nhiêu bản phôtô thì được coi là lưu hành rộng rãi để xử phạt căn cứ vào đâu? Hoặc nếu một đơn vị A thuê một đơn vị B phôtô lại tác phẩm đó (A không phải là cơ quan báo chí) thì quyết định xử phạt sẽ nhắm đến A hay B?” – cán bộ này nói.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định như trên là không hợp lý. Bởi theo điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm báo chí là loại hình tác phẩm được bảo hộ tác giả. Nếu việc nhân bản trái phép tác phẩm báo chí nhằm mục đích kinh doanh thì hành vi này bị xử phạt là có cơ sở nhưng với mục đích “lưu hành rộng rãi” thì cần phải xem lại. Phải xem lại lưu hành rộng rãi để làm gì. Nếu để phục vụ mục đích tuyên truyền hay phổ biến thông tin… thì việc quy định xử phạt là bất cập. Vì có những trường hợp chủ sở hữu hoặc tác giả của tác phẩm báo chí bị xâm phạm còn thậm chí mong muốn tác phẩm của mình được nhân bản và lưu hành rộng rãi hơn…

“Mặt khác, dự thảo nghị định này là quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản chớ không phải là xử phạt hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả. Hành vi xâm phạm quyền tác giả nên để các chủ thể liên quan giải quyết bằng tranh chấp dân sự, không nên hành chính hóa quan hệ này. Vì nếu chủ sở hữu hoặc tác giả của tác phẩm báo chí bị xâm phạm thì họ có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi hoặc khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình” – luật sư Chánh nói.

Phạt để bảo vệ ai, bảo vệ cái gì?

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nên bỏ quy định xử phạt đối với hành vi này hoặc tối thiểu bỏ đoạn “hoặc lưu hành rộng rãi” như trong dự thảo. “Giá cả một tờ báo là không cao, nhiều khi đem phôtô còn đắt hơn so với giá bán của bản chính. Vậy nếu có báo bản chính thì có ai phôtô để bán. Chắc chắn là không! Thậm chí không ai muốn đọc bản phôtô vì hình thức là không hấp hẫn và tính xác thực là không cao. Vậy nên việc phôtô báo chí chỉ là tức thời và mang tính thời sự mà thôi. Vậy thì phạt để bảo vệ ai, bảo vệ cái gì? Hay việc này chỉ làm hạn chế sự phát triển của báo chí, làm giảm đi tính tuyên truyền của hoạt động báo chí?” – luật sư Hoan bày tỏ.

Theo nhà báo Ngô Sơn (báo Hà Nội Mới), việc phôtô bài báo hay tờ báo liên quan đến quyền lợi bản thân… để nhân rộng hay lưu trữ mà phạt thì quá lạ. Bởi báo chí đã được xuất bản, tức là đã được nhân rộng, công khai, nó không phải là tài liệu mật, càng không phải tài liệu phản động.

Ngoài ra, nhà báo Ngô Sơn cho rằng báo chí xuất bản bán ra thị trường với số lượng có giới hạn, sản phẩm báo chí không như sản phẩm khác để có thể tái bản, in lại. “Khi người dân không kịp mua hoặc mua được ít thì họ phôtô để lưu trữ hay đưa cho người quen, bạn bè… đọc thì càng tốt chứ sao lại phạt. Đó là chưa nói việc ngăn chặn người dân phôtô, phát tán những bài báo đấu tranh chống tiêu cực dễ dẫn đến dư luận nghĩ đến sự bưng bít thông tin, rằng nếu anh không tiêu cực, không sai phạm thì sao phải sợ!” – nhà báo Ngô Sơn bày tỏ.

Phôtô báo để gửi đơn khiếu nại

Tôi từng được một tờ báo phản ánh về tình trạng oan của mình. Để mua được báo, tôi phải chạy khoảng 60 km ra tận Long Khánh, Sông Ray, Suối Cát mới gom được tám tờ báo. Sau đó tôi dùng bài báo kèm với hồ sơ khiếu nại để gửi các cơ quan tố tụng phản ánh việc đình chỉ vụ án của tôi không đúng pháp luật. Tuy nhiên, tôi chỉ mua được mấy tờ, dẫu biết bản chính luôn có giá trị cao hơn nhưng vẫn đành phải đi phôtô. Chứ tôi gửi tới mấy chục đơn rồi mà giờ gửi tờ báo chính thì lấy đâu ra.

TRẦN BÁ ĐẠI, cán bộ UBND xã Xuân Bảo, Cẩm Mỹ, Đồng Nai

Phôtô báo để minh oan

Hồi đó, nghe có báo đăng bài chồng tôi được đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm, tôi mừng quá vội đi mua báo đọc. Tôi rảo nhiều tiệm đều bảo không có, nhiều nơi còn bảo muốn mua thì tôi phải báo trước. Đến được một tiệm thì họ bảo vừa mới bán tờ báo đó cho một người khác nên tôi phải đến tận nơi để năn nỉ họ bán lại cho tờ báo duy nhất. Sau đó tôi phôtô ra một ít để đưa cho chòm xóm đọc, để họ biết rằng chồng tôi đã được minh oan chứ không có tội như trước đó từng bị bắt giam.

Giờ nghe phôtô vậy coi chừng bị phạt, tôi thấy lạ quá!

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾT, Châu Thành, Bến Tre

Theo Plo.vn

Từ khóa : Bị Phạt 10 Triệu ĐồngDự Thảo Nghị ĐịnhHành Vi Phôtô Bài BáoHoạt Động Báo ChíKhoản 1 Điều 29kinh doanhXử Phạt Vi Phạmxuất bản

Các tin liên quan đến bài viết