Nhiều sinh viên dự kiến vào các ngành sư phạm băn khoăn về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Tuy nhiên, Nghị định cũng chia 2 nhóm: Nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu).

Sinh viên không theo diện ‘đặt hàng’ có được hỗ trợ?

Trước những quy định mới, nhiều thí sinh bày tỏ băn khoăn liệu có phải cứ trúng tuyển vào học sư phạm là được hỗ trợ tiền đóng học phí và phí sinh hoạt (3,63 triệu đồng/tháng) hay phải có quyết định của địa phương mới được nhận hỗ trợ?

Nếu có nguyện vọng vào diện đặt hàng của địa phương thì thủ tục đăng kí ra sao?

Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay, quy trình theo Nghị định 116 là sau khi trúng tuyển, trường thông báo tới sinh viên trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) để sinh viên đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương.

Sau đó, trường tổng hợp và thông báo cho các địa phương để thống nhất xét hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm đã trúng tuyển, phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên để xét chọn.

Trường hợp nguyện vọng của sinh viên không đáp ứng được các tiêu chí của các địa phương, trường thông báo để sinh viên tiếp tục đăng ký theo nhu cầu của địa phương khác hoặc đăng ký đào tạo theo nhu cầu của xã hội (có hoặc không đăng ký hưởng chế độ hỗ trợ).

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cần hiểu rằng các địa phương đặt hàng là đặt chỉ tiêu nhu cầu cần và sinh viên trúng tuyển trường sư phạm có quyền đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết sau này công tác cho địa phương, chứ không phải đặt hàng là địa phương gửi danh sách học sinh của địa phương đến trường đào tạo. Do đó, sinh viên của tỉnh này có thể đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết công tác tại tỉnh khác.

“Như vậy, có thể hiểu đơn giản là sau khi thí sinh trúng tuyển, trường sẽ thông báo về chỉ tiêu đào tạo mà các địa phương đặt hàng, các em có mong muốn công tác tại địa phương nào sẽ đăng ký”.

SV Sư phạm không vào diện 'đặt hàng' có được hỗ trợ 3,63 triệu/tháng?
Ảnh minh họa

Lãnh đạo cả hai trường sư phạm lớn đều cho rằng, có thể chia thành các nhóm:

Nhóm 1: Sinh viên sư phạm đăng ký theo diện đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ của địa phương.

Nhóm 2: Sinh viên sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu).

Tuy nhiên, sinh viên sư phạm có thể yên tâm rằng, dù ở nhóm nào cũng đều được nhận chế độ hỗ trợ bình đẳng như nhau.

Cụ thể, theo Nghị định số 116, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm theo cơ chế Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các sinh viên sư phạm thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Đối với sinh viên sư phạm khác trong chỉ tiêu Bộ GD-ĐT thông báo nhưng không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, thì kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Với cả 2 nhóm này, cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.

Trúng tuyển vào ngành giáo dục (công lập và ngoài công lập) là không phải bồi hoàn

Đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Chỉ trừ các sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp)”.

Theo vị này, lợi ích của việc đặt hàng, giao nhiệm vụ là các sinh viên đã có định hướng về mặt đầu ra, tuy nhiên ngược lại phải chịu ràng buộc trách nhiệm. Trong trường hợp số sinh viên chọn vào diện đặt hàng của một địa phương nào đó vượt quá chỉ tiêu, thì trường và địa phương đưa ra tiêu chí để xét chọn.

Trước thắc mắc là nếu thuộc diện được địa phương đặt hàng nhưng khi thi tuyển biên chế theo Nghị định 115 lại trượt thì có phải bồi hoàn hay không, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, mục tiêu của Nghị định 116 không phải là để thu hồi kinh phí, mà là nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với nhu cầu.

“Bộ GD-ĐT và Nhà nước cũng không mong muốn việc phải thu hồi chi phí bồi hoàn đó. Chỉ một số những trường hợp cố tình không muốn làm hoặc lợi dụng chính sách thì phải đưa ra điều kiện đó để ràng buộc”, vị này nói.

Theo vị này, nếu sinh viên được đào tạo tốt thì không khó xin việc. Nghị định 116 quy định rõ công tác trong ngành giáo dục, kể cả làm giáo viên, làm quản lý hay bất cứ việc nào ở công lập hay ngoài công lập đều không phải bồi hoàn kinh phí.

“Ngoại trừ bằng tốt nghiệp vào diện trung bình, yếu. Nhưng đây cũng là sức ép để sinh viên sư phạm học tập tốt. Còn thi tuyển thì vô cùng, tất nhiên sinh viên ra trường cũng phải biết lượng sức mình để đăng ký ứng tuyển vào đâu có cơ hội trúng tuyển”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ GD-ĐTgiáo viênsinh viênTrường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2

Các tin liên quan đến bài viết