Nếu tháng cuối tháng 5 đầu tháng 6, chị em háo hức đợi mua sấu non đầu mùa thì từ cuối tháng 8, khi thời tiết sang thu, nhiều người lại đặt mua sấu chín cuối vụ về ngâm mặn ngọt.

Chị Ngọc ở Giáp Bát (Hà Nội), một tiểu thương bán sấu chín trên chợ mạng, chia sẻ: “Mùa sấu chín chỉ kéo dài trong vài tuần là hết. Sấu chín rộ, người thu hoạch phải hái quả nhanh tay, nếu không sấu chín quá sẽ khó bán. Nhiều nhà đã mua sấu xanh để ngăn đá tủ lạnh tích trữ, dùng cho cả năm, hoặc ngâm sấu bánh tẻ rồi nhưng vẫn mua thêm sấu chín về thưởng thức.

Mặc dù sấu chín không để được lâu, mua về là phải ăn ngay hoặc dầm đường luôn, nhưng điều mọi người thích chính là hương vị đặc trưng riêng của sấu chín và coi đó như món quà của mùa thu Hà Nội”.

Đặc sản Hà Nội ngày cuối mùa, khách tranh mua ăn dè đến sang năm
Mỗi ngày, chị Ngọc lấy được 50 đến 60kg sấu chín bán cho khách

Chị Ngọc cho biết, nhà chị có một quầy hàng ở chợ Giáp Bát. Mọi năm khi không có dịch, cứ tới trung tuần tháng 8 là chị nhập sấu chín về bày đầy sạp cho khách thoải mái chọn mua. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị chuyển sang bán hoàn toàn qua mạng.

“Sấu chín không có nhiều, mình phải nhập từ nhiều mối khác nhau mà mỗi ngày cũng chỉ lấy được khoảng 50-60kg. Khách đặt mua nhiều lắm. Họ mua về chế biến đủ các món như dầm mặn ngọt, xào đường, làm ô mai, ngâm đường… Có những người hỏi mua liền lúc chục cân luôn. Thường mình chỉ rao bán trong nửa ngày là hết”, chị Ngọc nói.

Chị Ngọc nhận xét, giá sấu chín năm nay cao hơn năm ngoái một chút vì dịch bệnh khó thuê thợ hái, khó thuê shipper, chi phí vận chuyển cũng cao hơn.

Khi nhập sấu chín về, chị chia loại để bán. Sấu chín loại 1, quả to đều, màu đẹp, chín vừa phải được chị bán với giá 60.000 đồng/kg. Loại 2 kích cỡ quả nhỏ hơn, vỏ sấu không được đẹp mã bằng loại 1 có giá 40.000 đến 50.000 đồng/kg.

Đặc sản Hà Nội ngày cuối mùa, khách tranh mua ăn dè đến sang năm
Chị nhận gọt sấu chín, dầm mặn ngọt, ngâm đường bán cho khách

Ngoài ra, theo yêu cầu của khách, chị Ngọc nhận gọt vỏ sấu, cắt khoanh tròn để khách chỉ việc mang về chế biến thành các món. Công gọt như vậy chị tính 5.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, chị cũng dầm đường, ngâm đường luôn với giá 90.000 đồng/kg sấu chín dầm mặn ngọt, 130.000/hộp 2 kg sấu chín ngâm đường.

Chị kể, cứ chịu khó nhặt nhạnh phục vụ theo đơn hàng của khách, trừ mọi chi phí, trung bình một ngày chị cũng thu về khoảng 300.000-400.000 đồng.

Là người chuyên bán hoa quả rong, chị Hà ở Hoàng Mai cho hay: “Mọi năm, vào mùa sấu chín tôi bán được nhiều sấu dầm lắm. Mỗi ngày, tôi dầm 5kg, cứ tới chiều là hết bay. Năm nay dịch bệnh, không đi bán rong được thì tôi làm ở nhà rồi nhờ con gái đăng bán trên chợ mạng”.

Đặc sản Hà Nội ngày cuối mùa, khách tranh mua ăn dè đến sang năm
Sấu chín dầm là đặc sản của thu Hà Nội

Theo chị, lượng khách đặt mua qua mạng cũng khá đông vì sấu chín đúng thời gian giãn cách, mọi người mua về làm quà ăn vặt. Tưởng dịch khó buôn bán thế mà ngược lại, năm nay chị bán được nhiều sấu chín hơn. Có ngày chị bán được hơn chục cân, lãi khoảng 200.000 đồng, phụ vào chi tiêu ngày dịch.

Yêu thích vị sấu chín, chị Thu ở Ô Chợ Dừa, nói: “Với mình, mùa thu Hà Nội không thể thiếu vị chua dịu, thanh thanh của những trái sấu chín. Năm nào cuối mùa sấu, mình cũng mua tầm chục cân về dầm, xào đường, bỏ tủ lạnh ăn dần và làm một ít ô mai sấu gửi vào Sài Gòn làm quà cho cô em gái mình trong đó, để đỡ nhớ nhà. Năm nay, do dịch bệnh nên mình không gửi được”.

Còn chị Tâm ở Ngọc Hồi chia sẻ, cứ tới mùa sấu chín là chị và đồng nghiệp mua cả rổ, vừa làm vừa chấm sấu muối ớt ăn rả rích cả ngày. Năm nay làm ở nhà, chị mua sấu về dầm mặn ngọt và làm 5kg sấu xào đường bỏ tủ lạnh, khi nào hết dịch sẽ mang tới cơ quan mời mọi người.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đặc sản Hà nộimón ăn vặtquả sấuSấu ChínSấu Dầm

Các tin liên quan đến bài viết