Phát triển điện mặt trời áp mái là để phục vụ tự dùng là chính nên sẽ quy định tỉ lệ tự dùng, giá điện được xây dựng trên cơ sở khung giá phát điện hằng năm được Bộ Công thương ban hành.
Ngày 30-8, tọa đàm Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Ông Phạm Nguyên Hùng – phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) – cho biết hiện bộ đang xây dựng dự thảo khung của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung (bao gồm cả điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời nổi…).
Dự thảo sẽ được xây dựng theo hướng không hạn chế công suất, nhưng với điện mặt trời mái nhà sẽ đưa ra tỉ lệ tự dùng. Mục đích để không phải đầu tư thêm lưới điện, đảm bảo hệ thống điện mặt trời áp mái có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội.
Với quan điểm phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ tự dùng là chính, ông Hùng cho hay dự thảo cũng xây dựng giá điện theo hướng không duy trì giá cố định, mà dựa trên khung giá phát điện hằng năm được Bộ Công thương ban hành.
Hiện nay, bộ đang giao cho Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu xây dựng thông tư về khung giá, phương pháp định giá phát điện mặt trời hằng năm để làm cơ sở xác định giá điện mặt trời. Mục tiêu đảm bảo sát giá thị trường, tránh chuyện thực hiện giá cố định (FIT) cho 20 năm như trước đây.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho hay cơ chế mua bán điện của các hộ lắp đặt điện mặt trời áp mái với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không theo hướng bù trừ như trước. Thay vào đó, cơ chế mua bán điện được xác định trên cơ sở quy định của Bộ Tài chính, nên ở chiều mua/bán sẽ được thiết lập hai hóa đơn khác nhau để tách bạch hoạt động này.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thông – giám đốc phát triển dự án Công ty cổ phần VNG – cho biết đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620.73kwp, đáp ứng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà.
Mặc dù có những lợi ích cho doanh nghiệp, như giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho tòa nhà, giảm phát thải khí cacbon… ông Thông cho hay có nhiều vướng mắc trong triển khai, khi sản lượng điện sau khi cung cấp cho chính nhu cầu còn dư đã tải lên lưới điện hơn 200.000 kWh, tương đương 300 triệu đồng, nhưng chưa được điện lực trả tiền.
Lý do là ngành điện yêu cầu phải có đăng ký ngành nghề sản xuất điện để công ty xuất hóa đơn. Song doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký bổ sung ngành nghề do có vốn đầu tư nước ngoài, phải tuân thủ theo biểu cam kết WTO nên khó để đăng ký thêm ngành.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng – trưởng ban kinh doanh (EVN) – cho rằng hiện Chính phủ chưa có chính sách mua điện với lượng điện phát từ dự án điện mặt trời áp mái ở các khu công nghiệp, nên EVN vẫn đang chờ hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công thương để làm cơ sở hướng dẫn thực hiện thanh toán đối với các doanh nghiệp đã phát lên lưới.
Nguồn: tuoitre.vn