14 năm gắn liền với Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG cùng những ngôi sao Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh…, HLV GUILLAUME GRAECHEN đã trải lòng cùng Tuổi Trẻ về việc xuất ngoại thi đấu.
“Niềm vui lớn nhất của tôi là cưới vợ Việt và có một gia đình hạnh phúc (cười). Tất cả những gì tôi có được là nhờ bầu Đức. Ngoài ra, tôi sẽ nhớ mãi cuộc hành trình tuyệt vời với lứa U19 của Công Phượng, Xuân Trường… Tôi tự hào đã góp công đào tạo lứa cầu thủ này và góp niềm vui cho người hâm mộ VN”, HLV Guillaume Graechen nói.
* Điều gì khiến ông tiếc nuối nhất trong 14 năm qua?
– Lứa U19 VN do tôi dẫn dắt có đến 5 lần thất bại trong các trận chung kết. Đó là điều khiến tôi vẫn tiếc nuối.
* Khi lứa đầu tiên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ra đời, người hâm mộ kỳ vọng sẽ có nhiều cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Nhưng thực tế tất cả đều thất bại. Ông nói gì về điều này?
– Tôi vẫn khẳng định Công Phượng đủ trình độ để chơi bóng ở châu Âu. Nhưng vấn đề của anh nằm ở hợp đồng, bởi HAGL chỉ cho mượn trong khi các CLB ở châu Âu lại muốn mua đứt. Việc Công Phương đến CLB nào cũng không được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ở CLB Sint-Truiden (Bỉ), vị trí sở trường của Công Phượng có đến 7 cầu thủ cạnh tranh, trong đó có cả đội trưởng. Thế thì làm sao một tân binh như Công Phượng có thể cạnh tranh (?!)
* Dù được trang bị ngoại ngữ và chuyên môn tốt nhưng cầu thủ VN vẫn không thể hòa nhập khi ra nước ngoài thi đấu?
– 5 năm trước, tôi từng xem đội Mito HollyHock ở J-League 2 của Công Phượng. Họ chỉ chuyền dài rồi chạy thôi, chứ có gì đặc biệt đâu.
Nhưng cầu thủ VN vẫn không thể hòa nhập vì chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp (kể cả được thi đấu ở V-League). Đã vậy, họ còn vào ngay đội 1 nên khó cạnh tranh. Và một điều rất quan trọng: phần lớn đó là những chuyến đi không hoàn toàn mang tính chuyên môn.
Theo tôi, cầu thủ VN không nên ra nước ngoài thi đấu trước 23 tuổi. Họ cần có kinh nghiệm thi đấu vài năm ở V-League và quốc tế cùng tuyển VN.
Muốn đi sớm hơn, họ phải đi trước 18 tuổi để vào đội B của các CLB chuyên nghiệp nhằm học ngoại ngữ, làm quen văn hóa và triết lý bóng đá của họ. Cái nền này cộng với nỗ lực, cầu thủ VN có thể hòa nhập khi được gọi lên đội 1.
* Để đưa cầu thủ ra nước ngoài thành công, ngoài chuyên môn, còn cần thêm điều gì?
– JMG rất có kinh nghiệm vấn đề này. Chỉ tính riêng 5 giải đấu khắc nghiệt nhất châu Âu là Ngoại hạng Anh, La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Ý), Bundesliga (Đức), Ligue 1 (Pháp), JMG có hàng trăm cầu thủ đang thi đấu.
Để đưa một cầu thủ đến một CLB nước ngoài, chúng tôi sẽ nghiên cứu: HLV là ai? Triết lý bóng đá của ông ta như thế nào? Và quan trọng nhất là cầu thủ của mình có cơ hội ra sân hay không?
Cùng thời điểm Công Phượng đến Bỉ, một CLB ở Ligue 2 (Giải hạng hai Pháp) cũng muốn có anh. Đây là CLB vừa tầm, lại có 4 cầu thủ của JMG, nên sẽ rất hợp với Công Phượng vì được đào tạo như nhau.
Kế đến, CLB này chỉ có 18 cầu thủ nên cơ hội ra sân cao. Nhưng giờ chót Công Phượng không thể đi dù đã cầm vé máy bay trên tay!
Hiện 2 trong số 4 cầu thủ JMG ở CLB này đã chuyển sang chơi bóng ở Bundesliga và Ligue 1 với giá chuyển nhượng khoảng 3 triệu USD. Trường hợp đi tiên phong của Công Phượng không suôn sẻ sẽ khiến các trường hợp sau rất khó thành công.
* Việc không cho mang giày, không cho thi đấu sớm (như lứa đầu của Học viện HAGL Arsenal JMG) khiến cầu thủ ít có khả năng thực chiến. Ông đánh giá sao về nhận định này?
– Dù cách thức vận hành và triết lý đào tạo không thay đổi nhưng JMG sẽ có những điều chỉnh để thích nghi điều kiện thực tế của từng nơi.
Chẳng hạn dù JMG đang đánh giá lại nhưng quan điểm cho cầu thủ tập tâng bóng bằng chân trần vẫn là cơ bản, chỉ là thời gian mang giày có thể sớm hơn.
Chúng tôi cũng cho các cầu thủ rèn sức mạnh sớm hơn (từ 16 tuổi), dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia thể lực. Điều này giúp các cầu thủ JMG không những thi đấu đẹp mà còn hiệu quả hơn.
* Vài tháng trở lại đây, trong khi huấn luyện, nhiều người thấy ông mặc áo của Học viện bóng đá NutiFood JMG. Vì sao?
– Ồ, không có gì nghiêm trọng cả! Hợp đồng thứ hai giữa JMG với Hoàng Anh Gia Lai kết thúc. Bầu Đức không có ý ký hợp đồng mới, cho nên từ tháng 6 tôi chuyển sang huấn luyện cho Học viện NutiFood JMG.
Hơn nữa hai học viện cùng đóng ở Trung tâm thể thao Hàm Rồng, cùng chung giáo án huấn luyện của JMG toàn cầu nên không có gì trở ngại.
HLV của CLB đủ sức làm thay phần việc của JMG
Nói về việc khép lại hợp đồng thứ hai với JMG, bầu Đức cho biết: “Hiện tại, CLB Hoàng Anh Gia Lai quy tụ rất nhiều HLV, cựu tuyển thủ được đào tạo bài bản, có bằng cấp của LĐBĐ châu Á.
Họ rất tâm huyết, yêu nghề, có tư duy sáng tạo trong huấn luyện, quản lý nhân sự nên tôi quyết định không kéo dài hợp đồng với JMG.
Thay vào đó, tôi đưa HLV của mình về quản lý và hướng dẫn các tuyến năng khiếu của học viện. Từ những điều thu được qua 14 năm với JMG, cộng với các giáo án từ các lớp HLV quốc tế, tôi tin rằng lớp HLV của CLB đủ sức làm thay phần việc của JMG”.
Nguồn: tuoitre.vn