Lo lắng trước sự quá tải của các bệnh viện điều trị COVID-19 cũng như để chủ động hơn trong việc tự chăm sóc tại nhà nếu chẳng may nhiễm bệnh, gần đây nhiều người đã đổ xô đi mua máy tạo oxy dùng cho gia đình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu những chiếc máy tạo oxy không đáp ứng đúng yêu cầu điều trị y tế, không chỉ khiến người mua mất tiền mà còn chẳng giúp được gì cho người bị bệnh suy hô hấp hoặc nhiễm COVID-19.
Lừa người mua thiếu kiến thức
Chị Mỹ Hoa (quận 1, TP.HCM) khoe vừa “tậu” một chiếc máy tạo oxy của Hàn Quốc với giá bán gần 20 triệu đồng để dùng khi gia đình chẳng may có người nhiễm bệnh. Chị Hoa cho biết mua sản phẩm qua giới thiệu của một người quen, chứ không rành về loại máy này.
“Trước giờ tôi chưa nghe đến loại máy này dùng cho gia đình, nhưng nay thấy tình hình dịch bệnh nguy hiểm quá, các bệnh viện lại có dấu hiệu quá tải nên tôi mua để phòng thân. Bạn bè tôi nhiều người cũng mua”, chị Hoa nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, rất nhiều người dân đã mua và đặt mua máy tạo oxy dùng tại nhà, nhưng hầu như chưa tìm hiểu hoặc không được cung cấp thông tin chính xác về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm này.
Ông Vũ Thanh Long, tổng giám đốc dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến eDoctor, cho biết nhiều người dân đã gọi đến dịch vụ nhờ tư vấn về máy tạo oxy dùng tại nhà. Trong đó, “bên cạnh nhiều người dân đang phân vân, nhờ tư vấn thì cũng có nhiều người dân đã mua rồi… nhưng lại chẳng biết gì về máy tạo oxy.
Các bác sĩ tư vấn hỏi lại thì họ cho biết mua… theo phong trào, thấy bạn bè mua và giới thiệu thì cũng mua. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu về thông tin một số loại máy mà họ đã mua, chúng tôi phát hiện không ít sản phẩm không đúng chất lượng như quảng cáo”, ông Long cho biết.
Cụ thể, ông Long ví dụ chiếc máy H. đang được rao bán trên mạng có giá đến 17 triệu đồng với lời quảng cáo có thể cho ra oxy có dung tích 5-7 lít, nồng độ 90-93%. Thế nhưng, trong thực tế sản phẩm này chỉ cho ra nồng độ oxy chất lượng 90% khi lưu lượng là 1 lít. Nếu tăng lưu lượng lên đến 7 lít, nồng độ chỉ còn 30%.
“Nồng độ này chỉ hơn không khí bình thường đôi chút. Người bệnh thở tốt ở nồng độ này thì chẳng cần phải thở máy làm gì”, ông Long phân tích.
Quảng cáo lập lờ
Trong khi đó, chỉ cần lên mạng tìm kiếm cụm từ máy tạo oxy, hơn một chục triệu kết quả hiện ra ngay trước mắt người dùng, trong đó rất nhiều trang quảng cáo rao bán thiết bị này, từ website, sàn thương mại điện tử cho đến mạng xã hội Facebook. Giá bán các máy tạo oxy dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/sản phẩm. Người bán có thể là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ trong nước lẫn nước ngoài.
Người mua nếu không có kiến thức sẽ rất dễ bị “hoa mắt” trước những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của các sản phẩm cũng như giá bán “siêu cạnh tranh”, thậm chí có cả “giao hàng miễn phí từ nước ngoài về Việt Nam”…
Chẳng hạn, sản phẩm máy tạo oxy có tên KSOURCE Pelvifine được rao bán trên một trang mạng với giá chỉ gần 5,5 triệu đồng, giao hàng miễn phí từ nước ngoài. Sản phẩm được quảng cáo với khả năng “cô đặc oxy” để cho ra “oxy chất lượng cao”. Trong thông số kỹ thuật, máy này được giới thiệu có thể cho ra lưu lượng oxy 1-6 lít/phút, nồng độ 30 – 90%, sai số 3%.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, cách đăng thông số kỹ thuật kèm quảng cáo này sẽ lừa người dùng tin theo hướng chất lượng 90% mà bỏ qua con số 30%. Trong khi sử dụng cho y tế, đặc biệt là điều trị người nhiễm COVID-19, cần những sản phẩm chất lượng với độ chuẩn xác rất cao.
Một trang Facebook có tên “Máy tạo oxy gia đình Y.” thì quảng cáo thiết bị tạo oxy với hàng nghìn lượt thích và hàng trăm lượt quan tâm của người đọc. “Máy tổng hợp oxy từ không khí nên không lo hết oxy, chủ động phòng dịch bằng máy tạo oxy Y., chỉ cần cắm điện là có oxy để thở tại nhà…” là những thông tin quảng cáo rất thu hút.
Khi chúng tôi liên hệ hỏi mua thì người bán cho biết phải đặt hàng trước do số lượng người mua rất nhiều. “Hiện tại đã hết hàng, khoảng 10 ngày nữa máy sẽ về, lúc đó có nhu cầu thì gọi lại”, người bán thông tin.
Nhiều tài khoản Facebook công khai bán máy tạo oxy với lời cam kết “chắc nịch” đã được Bộ Y tế cấp phép để bán ra thị trường và cam kết “hỗ trợ điều trị và phục hồi nhanh chóng cho các bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp, ngộ độc không khí”. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc, người bán “giả lơ” và chỉ cam kết bảo hành trong quá trình sử dụng.
Máy chuẩn phải luôn cho nồng độ từ 90%
Về tiêu chuẩn của máy tạo oxy dùng trong y tế, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, TS Huỳnh Phước Thọ, phó tổng giám đốc dịch vụ y tế trực tuyến eDoctor, khẳng định: “Các máy tạo oxy chuẩn y tế có đầu ra là 5 lít – 10 lít – 20 lít/phút. Nồng độ oxy tức là độ tinh khiết phải đạt 93%, sai số tầm 3%.
Nồng độ này phải được duy trì dù bất cứ tốc độ nào. Một số người bán thiếu lương tâm đã tung ra các máy tạo oxy kém chất lượng (nồng độ oxy rất thấp, chỉ 30%) hoặc lưu lượng ra rất ít (khoảng 1 lít/phút) hoàn toàn không đủ cho bệnh nhân suy hô hấp”.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cũng cảnh báo nhiều máy tạo oxy được rao bán trên trang mạng xã hội không được quản lý, không có giấy phép được lưu hành là sản phẩm kém chất lượng hoặc máy cũ, về lâu dài khi dùng sẽ không đảm bảo được nồng độ oxy, nếu không được kiểm chứng về độ an toàn và chất lượng có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh.
“Người dân nên chọn máy tạo oxy ở những cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế đã được cấp phép lưu hành, không nên mua những máy trôi nổi trên mạng khi chưa được cấp phép” – ông Sỹ nói.
Sau một thời gian chuyên hỗ trợ máy tạo oxy cho nhiều tình huống khẩn cấp trong lúc phòng chống dịch, ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc chuỗi bán lẻ Di Động Việt, cũng khuyến cáo người dân muốn mua máy tạo oxy “nên chọn một thương hiệu quốc tế đã được bán ở nhiều nước trên thế giới, là một thương hiệu chuyên về thiết bị y tế”.
Ngày 13-8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều kiện hàng bên ngoài không có thông tin tên/số điện thoại chứa 13.828 sản phẩm gồm: máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy… Hầu hết sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Đặc biệt trong đó có một số mặt hàng mang nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tổng giá trị lô hàng ước hàng tỉ đồng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị y tế, dược phẩm, trong đó có máy tạo oxy. Cụ thể, ngày 9-8, cơ quan chức năng phát hiện một công ty ở quận Bình Tân nhập về 20 máy tạo oxy do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Muốn hiệu gì, có hiệu đó
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt, vì nhu cầu quá cao, thị trường cung cấp bắt đầu xuất hiện nhiều thương hiệu máy tạo oxy theo kiểu muốn tên gì có tên đó, thậm chí là tên của một cửa hàng bán hàng online cũng trở thành tên thương hiệu của máy tạo oxy.
Theo tiết lộ của một doanh nghiệp buôn máy tạo oxy, không ít cá nhân, doanh nghiệp đang tìm cách “tuồn” hàng từ Trung Quốc về để bán kiếm lời khủng. Theo đó, phía Trung Quốc có đầy đủ dịch vụ sản xuất gia công thiết bị tạo oxy theo yêu cầu khách hàng (giống như sản xuất điện thoại di động trước đây).
Khách hàng chỉ việc liên hệ với phía nhà máy bên Trung Quốc, lựa chọn mẫu mã, đặt tên thương hiệu mình muốn. Nhà máy sẽ nhanh chóng lắp ráp theo mẫu đã chọn, dán tên thương hiệu và ra ngay một sản phẩm… mang thương hiệu gì cũng được.
Giá bán một sản phẩm từ nhà máy xuất xưởng có thể dao động trong khoảng 100 – 200 USD (khoảng 2,3 – 4,6 triệu đồng), tùy theo chất lượng sản phẩm khách hàng yêu cầu cũng như số lượng đặt hàng. Sau chừng 7-10 ngày là sản phẩm về đến Việt Nam và có thể bán ngay ra thị trường.
Dùng không đúng coi chừng nguy hiểm tính mạng
Không chỉ máy tạo oxy, bình oxy và máy thở cũng là những sản phẩm đang được đông đảo người dân tìm mua đem về nhà sử dụng. TS.BS Bùi Đại Lịch, khoa hô hấp, nội tổng quát Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, kể rất nhiều bệnh nhân đã gọi điện đến nhờ tư vấn về việc tích trữ oxy.
Tuy nhiên, bác sĩ Lịch cho biết việc sử dụng máy thở và oxy hiện nay phải có chỉ định của bác sĩ, phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Theo đó, việc thiết lập, vận hành và sử dụng hệ thống máy thở có yêu cầu cao, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, cần có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo đúng chuyên môn.
Đồng thời, quá trình sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.
Theo bác sĩ Lịch, sử dụng các máy thở không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế có thể dẫn đến tử vong. “Khi người dân sử dụng sai sẽ dẫn đến tình trạng chống máy thở, sẽ có tác dụng ngược, oxy sẽ không vào các phế nang của phổi khiến bệnh nhân thiếu oxy, càng khó thở thêm.
Đối với bình oxy, khi mở van oxy nếu quá tay sẽ khiến bệnh nhân tràn khí màng phổi, rơi vào thế nguy kịch. Ngoài ra, nếu không cấp ẩm cho bình oxy có thể dẫn đến bệnh nhân mất nước. Hơn nữa, nếu không cất trữ cẩn thận oxy rất dễ bắt lửa dẫn đến cháy nổ”, bác sĩ Lịch cảnh báo.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có khuyến cáo người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở.
Người dân mua bình oxy tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Duy Dương, Q.10, TP.HCM
Tương tự, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cũng cảnh báo nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở.
Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.
Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy. Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập…
3 lý do không nên tự mua máy tạo oxy
Bác sĩ Phạm Thế Thạch, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho hay không nên mua máy tạo oxy dự trữ cho gia đình vì một số lý do:
– Bệnh nhân COVID-19 nếu có chuyển nặng thì cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, không thể để bệnh nhân ở nhà vì khi đó tình huống bệnh đã chuyển nặng.
– Nếu người chưa có nhu cầu nhưng đã mua để tích trữ sẽ gây tình trạng khan hiếm, khi bệnh viện và người có nhu cầu cần thì sẽ khó khăn.
– Nhu cầu oxy khi điều trị bệnh nhân COVID-19 đã biến chứng khó thở cần nhiều oxy, thiết bị tạo oxy chỉ có thể sử dụng cho trường hợp nhẹ, vì chỉ có thể tạo dưới 10 lít oxy/phút, trong khi thiết bị HFNC (oxy dòng cao) đang sử dụng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 biến chứng tạo được tới 60 lít/phút.
Nguồn: tuoitre.vn