Không phải con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không ít sinh viên vẫn được “lột xác” thành người dân tộc thiểu số để cho đi học Đại học Y dược TPHCM theo diện… cử tuyển (?). Bị phát hiện, 6 sinh viên buộc phải thôi học.
Lâu nay, Trường ĐH Y dược TP HCM là điểm đến của nhiều sinh viên cử tuyển ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đ.A
Sinh viên cử tuyển bị buộc thôi học, do đâu?
Có 6 sinh viên bị buộc thôi học từ năm 2016-2017, thuộc diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước (BP), gồm: Trần Mạnh Cường (SN 1994, ngành Y học dự phòng), Huỳnh Minh Đức (SN 1996, ngành Y đa khoa), Phạm Thị Quỳnh Như (SN 1996, ngành Y đa khoa), Nguyễn Trần Hoàng Phương (SN 1996, ngành Y dự phòng), Nguyễn Thị Hương Thủy (SN 1992, ngành Dược học) và Vũ Thị Trang (SN 1995, ngành Y học cổ truyền).
Theo Quyết định số 1230/QĐ-ĐHYD ngày 8/5/2017, do Trường ĐH Y dược TPHCM ban hành, nguyên nhân 6 sinh viên nêu trên bị buộc thôi học từ năm 2016-2017, thuộc diện cử tuyển của tỉnh BP, vì không có tên trong danh sách cử đi học.
Điều đáng nói, 6 sinh viên nêu trên không phải những trường hợp đầu tiên được ai đó “phù phép” từ người Kinh thành người dân tộc thiểu số, để được hưởng chế độ cử tuyển của nhà nước, nhằm học đại học mà không phải đóng tiền…
Trước đó, vào ngày 10.11.2016, Trường ĐH Y dược TPHCM từng ra Quyết định số 4364/QĐ-ĐHYD-ĐT buộc thôi học đối với Đỗ Hoàng Hải, vì sinh viên này không thuộc đối tượng tuyển sinh ngành y khoa chính quy theo hệ cử tuyển.
Sau khi sinh viên Hải bị buộc thôi học, ngày 25.11.2016, UBND tỉnh BP đã có văn bản yêu cầu Sở GDĐT tỉnh giải trình về trường hợp này; đồng thời, yêu cầu phải thu hồi số tiền về ngân sách là 57.870.000 đồng gồm: học bổng, trợ cấp, học phí đã cấp cho sinh viên là người dân tộc thiểu số theo chế độ cử tuyển trong thời gian học tại Trường ĐH Y dược TPHCM…
Ngày 9.12.2016, UBND tỉnh BP tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu Sở GDĐT tỉnh BP phải bổ sung thêm nội dung xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác tham mưu dẫn tới UBND tỉnh ra quyết định cử tuyển sinh viên Đỗ Hoàng Hải đi học tại Trường ĐH Y Dược TPHCM bằng ngân sách nhà nước. Thế nhưng, từ đó đến nay, vẫn chưa có ai liên quan bị xử lý (?!).
Hộ khẩu 52 sinh viên cử tuyển không trùng nơi công tác (?)
Ngày 27.3.2017, ông Nguyễn Thành Chương – GĐ Sở Nội vụ tỉnh BP có báo cáo số 37/BC-SNV gửi lãnh đạo UBND tỉnh, về việc bố trí công tác cho sinh viên thuộc diện cử tuyển. Theo nội dung báo cáo này: “Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh bố trí công tác cho 7/10 sinh viên, 3 sinh viên có hộ khẩu tại huyện Đồng Phú chưa bố trí được công tác, do UBND huyện không cử đi đào tạo”.
Báo cáo số 37 cũng nêu: “Trong 118 sinh viên thuộc diện cử tuyển được UBND tỉnh cấp kinh phí đào tạo đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2010, theo Quyết định 2412/QĐ-UBND ngày 18.10.2010: Có 52 sinh viên cử tuyển có nơi bố trí công tác không trùng khớp với hộ khẩu thường trú. Theo nhiều quyết định của UBND tỉnh cử sinh viên đi đào tạo ĐH, CĐ các năm 2009 đến 2015 – do Sở GDĐT cung cấp – không thể hiện được nơi dự kiến bố trí công tác cho sinh viên cử tuyển. Trong khi Quyết định 2412 của UBND tỉnh có thể hiện hộ khẩu thường trú và nơi dự kiến bố trí công tác…”.
Điều đáng nói, trong 52 sinh viên thuộc diện cử tuyển nêu trên, có 12 sinh viên là người Kinh, nhưng vẫn được xét duyệt cho đi học, làm mất đi cơ hội của nhiều học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Sở GDĐT tỉnh Bình Phước đóng vai trò chủ chốt trong việc tham mưu cho UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định cho sinh viên đi học cử tuyển. Ảnh: Đ.A
Mới đây, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hùng – GĐ Sở GD-ĐT tỉnh BP – cho rằng: Theo quy định về đối tượng cử tuyển, tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14.11.2006, tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao. Việc tỉnh BP xét duyệt cử 15 học sinh người Kinh đi học cử tuyển năm 2010 là đúng với quy định. Đối với thông tin 52 sinh viên có hộ khẩu không khớp với nơi công tác, theo ông Hùng, vào năm 2010, tổng chỉ tiêu được giao là 147, số dự tuyển là 134, số xét tuyển 118.
Khi thực hiện xét tuyển, các huyện Đồng Phú, Bù Đăng và Bù Đốp được phân bổ 45 chỉ tiêu, nhưng các đơn vị này gửi cử tuyển tới 75 hồ sơ đủ điều kiện. Trong khi đó, ở các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phước Long có chỉ tiêu phân bổ là 102, nhưng những đơn vị này chỉ gửi 43 hồ sơ đủ điều kiện. Vì vậy, để xét tuyển đủ chỉ tiêu 118 học sinh, Hội đồng cử tuyển đã điều chuyển 30 hồ sơ từ nơi thừa sang nơi thiếu chỉ tiêu.
Ngoài ra, còn 22 hồ sơ đủ điều kiện nhưng chuyên ngành đào tạo đăng ký xét tuyển không còn chỉ tiêu nơi các em thường trú, vì vậy hội đồng đã điều chuyển sang huyện khác có chỉ tiêu chuyên ngành đó nhưng còn thiếu hồ sơ tham gia xét tuyển. Từ đó dẫn đến việc năm 2010 có 52 trường hợp học sinh cử tuyển có hộ khẩu thường trú không trùng khớp với nơi bố trí công tác…
Tuy nhiên, dựa trên cơ sở nào mà Hội đồng cử tuyển (do Sở GDĐT chủ trì) “điều chuyển” các chỉ tiêu, hồ sơ trên, trong khi UBND các huyện, thị xã không yêu cầu, không có văn bản đề nghị, thì không thấy ông Hùng đề cập… Ông Hùng cũng cho hay, nhằm khắc phục hậu quả trên, hiện Sở GDĐT đã tham mưu cho tỉnh BP đề nghị buộc thôi học 7 sinh viên và bồi hoàn kinh phí cử tuyển đã cấp.
Ông Hùng phủ nhận mọi sự liên quan của Sở GDĐT đối với các trường hợp sinh viên bị buộc thôi học và bồi hoàn tiền học cử tuyển kể trên… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Sở GDĐT không thể “phủi” trách nhiệm một cách đơn giản như vậy, một khi mỗi trường hợp sinh viên đi học cử tuyển phải qua rất nhiều thủ tục phê duyệt từ chính quyền cơ sở lên đến UBND tỉnh, mà Sở GDĐT lại là cơ quan tham mưu chủ yếu cho UBND tỉnh.
Nguồn: Báo Lao động