E ngại đến bệnh viện mùa dịch, người dân tích trữ thuốc hạ sốt tại nhà để tự phòng và chữa COVID-19. Dù là loại thuốc thông thường nhưng nếu dùng quá liều có thể hại gan, gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
Gần đây xuất hiện một số ca cấp cứu do ngộ độc thuốc hạ sốt. Đặc biệt, có trường hợp lan truyền thông tin dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe là nếu mắc COVID-19, không cần đo sốt cao hay thấp, cứ dùng thuốc hạ sốt liên tục 4 – 6 tiếng/viên, uống suốt trong vòng 7 ngày.
Hiểu đúng về sốt
Để chữa trị bệnh trước tiên phải xác định đúng bệnh, nhiều người khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nóng hơn mức bình thường, đã tự ý dùng thuốc, điều này không nên. Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – Trường đại học Y dược TP.HCM, sốt là hiện tượng thân nhiệt tăng cao hơn bình thường, được quy ước khi thân nhiệt cao trên 38OC. Sốt nhẹ từ 38 – 39OC, trên 39OC là sốt cao.
Khi thân nhiệt dưới 38OC, nếu không thấy quá mệt mỏi, khó chịu thì không nên dùng thuốc hạ sốt, thay vào đó có thể nghỉ ngơi nơi thoáng mát, uống nhiều nước lọc.
Theo dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, hai loại thuốc phổ biến thường được dùng để hạ sốt là aspirin và paracetamol. Trong hai loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau, hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày – tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết nếu dùng quá liều. Không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em.
Paracetamol thuộc diện thuốc không phải kê theo đơn, người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt thông thường. Nhưng nếu dùng thuốc thường xuyên, không đúng liều có thể hại gan. Đối với người lớn thường dùng 1 – 2 viên paracetamol 500mg cho mỗi lần uống, trẻ là 10 – 15 mg/kg cân nặng.
Khoảng cách giữa các lần uống từ 4 – 6 tiếng, không nên sử dụng liên tiếp thuốc hạ sốt vì dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Lưu ý không tùy tiện lấy thuốc viên nén paracetamol dành cho người lớn và bẻ nhỏ 1/2, 1/3, 1/4… viên để dùng cho trẻ em. Chỉ dùng thuốc paracetamol trong một thời gian 3 – 4 ngày, nếu sốt tái diễn hoặc tăng thêm, cần đến bác sĩ khám hoặc đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.
Nên có ý kiến bác sĩ khi uống thuốc hạ sốt tại nhà
Trong thời điểm giãn cách xã hội do COVID-19, đặc biệt khi TP.HCM áp dụng cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, nhiều người có tâm lý tự chữa bệnh COVID-19. Ông Hữu Đức cho biết nếu không có sự chỉ dẫn cụ thể của dược sĩ, việc người dân tự sử dụng thuốc liều tối đa theo các bài đăng trên mạng xã hội rất dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc, nặng hơn là tử vong.
“Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, không nên sử dụng liều vượt mức khuyến cáo. Các biểu hiện của ngộ độc thuốc rất khó nhận biết, khi cảm thấy cơ thể chán ăn, vàng da, mệt mỏi, buồn nôn hay đau bụng sau khi dùng thuốc hạ sốt trong 24 tiếng, cần đến gặp bác sĩ để thăm khám. Tránh tình trạng suy giảm chức năng gan, tăng men gan, nguy hiểm đến tính mạng”, ông Đức nói.
Nguồn: tuoitre.vn