Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp ngành công nghiệp tiếp tục đưa ra hàng loạt kiến nghị cụ thể đến Bộ Công Thương, Bộ Y tế nhằm đảm bảo yêu cầu cấp thiết cần duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay.
Địa phương cần có kịch bản phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp
Tại cuộc họp trực tuyến với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cuối tuần trước, các hiệp hội, doanh nghiệp cho biết, công tác phối hợp phòng chống dịch Covid-19 giữa địa phương với doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua đã lộ rõ nhiều bất cập, đặc biệt là mô hình “3 tại chỗ”.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ sở hạ tầng hạn chế, không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch để triển khai mô hình “3 tại chỗ” nên buộc phải tạm dừng sản xuất.
Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cần được duy trì ổn định sản xuất trong dịch bệnh |
Trong khi đó, với các doanh nghiệp đã triển khai mô hình này, chi phí thực hiện quá lớn. Các quy định hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán càng khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, có những doanh nghiệp vừa đầu tư hàng tỷ đồng cho cơ sở vật chất để triển khai mô hình “3 tại chỗ” thì tỉnh lại ra thông báo dừng thực hiện mô hình này. Hậu quả là doanh nghiệp vừa bị dừng sản xuất, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa có nguy cơ bị phạt hợp đồng do không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Các doanh nghiệp cho rằng, khi thấy có một số bất cập xảy ra, lẽ ra, chính quyền tỉnh cần tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp thay vì ra các mệnh lệnh hành chính đột ngột làm ảnh hưởng và gây nản lòng các doanh nghiệp.
Do đó, thông qua Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp bày tỏ kiến nghị tới Bộ Y tế cần xem xét bổ sung thêm các quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại cơ sở để sát thực tiễn hơn.
Ngoài hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Y tế cần bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn, đặc biệt cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).
Các địa phương cần xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Đặc biệt, các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 là người lao động ra khỏi cộng đồng để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất, đảm bảo an toàn cho những người lao động khác yên tâm tập trung làm việc.
Các kịch bản cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các mức hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Từ đó, doanh nghiệp chủ động có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.
Khi địa phương quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định.
Nâng mức ưu tiên tiêm vắc xin đối với doanh nghiệp sản xuất
Vấn đề cấp thiết khác được các doanh nghiệp công nghiệp khẩn thiết đề nghị sửa đổi là phân nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.
Theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 – 2022, người lao động tại doanh nghiệp là đối tượng gần cuối, đứng thứ 13 trong 16 nhóm đối tượng.
Một doanh nghiệp chia sẻ, Bộ Y tế đặt lĩnh vực sản xuất sau lĩnh vực du lịch là chưa hợp lý và chưa logic. Khi dịch bệnh căng thẳng, người dân ngừng tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, ngành du lịch gần như đóng cửa vì không còn khách thì được ưu tiên tiêm vắc xin trước.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất hàng hoá, nhất là hàng thiết yếu như sữa, thực phẩm, chế biến nông sản và sản xuất linh kiện để phục vụ xuất khẩu cho các Tập đoàn đa quốc gia vẫn hoạt động 24/7 lại thuộc diện ưu tiên gần cuối.
Người lao động tại doanh nghiệp sản xuất cần được nâng mức ưu tiên tiêm vắc xin |
Các doanh nghiệp đề xuất cần đưa nâng mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp từ vị trí thứ 13 này lên vị trí thứ 7, nằm trong nhóm đối tượng cung cấp hàng thiết yếu (trở thành đối tượng ưu tiên tiêm văc-xin theo điểm g mục 3 phần III).
Trong nhóm doanh nghiệp, cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm…
Đồng thời, cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị, để giảm tải cho các cơ sở y tế, Bộ Y tế xem xét cho phép bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế; áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tránh việc tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.
Trong trường hợp các Hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung văc-xin từ nước ngoài, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện ký kết hợp đồng cung ứng văc-xin, qua đó, giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn văc-xin trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cũng đề xuất thêm hàng loạt các giải pháp hỗ trợ khác như bố trí các cơ sở hạ tầng xã hội như chỗ ăn ở cho người lao động (có thể xem xét tận dụng các ký túc xá, trường học, trụ sở cơ quan, nhà khách, khách sạn tại địa phương đảm bảo điều kiện vệ sinh dịch tễ), doanh nghiệp có thể trả tiền thuê, giúp giảm tải đáng kể cho doanh nghiệp trong việc phải bố trí chỗ ăn ở cho một lượng lớn người lao động, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn tại môi trường ăn ở và sinh hoạt.
Đồng thời, các địa phương cho phép lưu thông toàn bộ các hàng hóa mà doanh nghiệp đăng ký sản xuất, đơn giản hoá thủ tục lưu thông hàng hoá theo hướng yêu cầu xuất trình hồ sơ bao gồm những giấy tờ doanh nghiệp có sẵn, đủ để chứng minh tính hợp pháp của phương tiện và tính cần thiết của việc di chuyển, tránh tạo ra cơ chế cấp phép, xin-cho, gây ách tắc lưu thông.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị, khi thay đổi chính sách nên có lộ trình và thời gian báo trước để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch và ứng phó với tình hình, không nên quá đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Sau cuộc họp, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tổng hợp các kiến nghị trên của doanh nghiệp đến Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.
Nguồn: vietnamnet