Với số ca mắc COVID-19 và số người tử vong đang tăng cao, khi nguồn cung hạn chế, việc có thêm một nguồn vắc xin, theo các nhà khoa học, cũng là điều rất đáng quý lúc này.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa Y tế công cộng (Trường ĐH Y dược TP.HCM) – nhận định với Tuổi Trẻ: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 cấp bách hiện nay và về lâu dài, việc đa dạng nguồn vắc xin tiêm chủng cho người dân là điều rất tốt. Tuy nhiên khi nhu cầu rất lớn mà nguồn cung hạn chế, việc có thêm một số lượng vắc xin, dù chưa phải là loại tốt nhất, cũng là điều rất đáng quý lúc này”.
* Việt Nam đã phê duyệt các vắc xin, bao gồm: AstraZeneca, Spunik V, Pfizer, Sinopharm, Moderna và Johnson & Johnson. Ông có thể đánh giá sơ bộ về tính hiệu quả của các loại vắc xin này?
– Tôi không đánh giá loại vắc xin nào là tốt nhất, nhưng giữa các loại vắc xin sẽ có sự hơn kém nhau một chút nào đó.
Điểm chung của các loại vắc xin này được Bộ Y tế phê duyệt, tức đều có kiểm chứng bằng khoa học, có giá trị sử dụng và có hiệu quả phòng chống dịch.
Với vắc xin Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc) vừa được nhập về cũng nằm trong các loại vắc xin được đánh giá có hiệu quả được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, bằng chứng đã có nhiều quốc gia sử dụng.
Về cơ chế hoạt động, các khảo cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin này có thể hơi chậm so với một số loại vắc xin khác nhưng lại có ưu điểm hạn sử dụng dài, không tạo sức ép phải sử dụng ngay. Các nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin này có hiệu quả rất tốt với nhóm người trẻ tuổi.
* Mục tiêu đầu tiên của Việt Nam cũng như nhiều nước hiện nay là sớm bao phủ vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng. Việc có thêm một nguồn vắc xin phải chăng sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu này, thưa ông?
– Đúng như vậy. Bất cứ một nguồn vắc xin nào đã được chứng minh có hiệu quả, an toàn về Việt Nam cũng là điều đáng mừng, đáng quý cả. Chúng ta cần phải tận dụng cơ hội này để tiêm chủng có hiệu quả cho người dân càng sớm càng tốt.
* Nhưng thực tế đang có một số tâm lý “kén chọn”, thậm chí từ chối tiêm vắc xin. Theo ông, tâm lý này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng?
– Vấn đề này thuộc quyền quyết định của mỗi người, khó có thể can thiệp buộc họ phải thay đổi. Tuy nhiên tâm lý này sẽ trực tiếp gây hại cho chính bản thân mỗi người, cho cộng đồng và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Về cá nhân, trong khoảng thời gian chờ đợi tiêm vắc xin theo ý muốn, ai cũng có thể mắc COVID-19 và có thể tử vong.
Với cộng đồng, khi có người mắc bệnh sẽ phải đưa vào các cơ sở chăm sóc COVID-19, nặng hơn sẽ phải vào bệnh viện, vô hình trung những người này chiếm giường bệnh của người khác, gây quá tải bệnh viện.
Ngoài ra khi mắc bệnh, khả năng lây lan bệnh cho người khác rất cao. Điều này không chỉ gây hại cho chính mình, mà còn gây hại cho cộng đồng.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động được bởi tỉ lệ tiêm vắc xin trong công nhân rất thấp. Ai cũng hiểu rằng nếu tỉ lệ công nhân được tiêm đủ cao, vắc xin có hiệu lực bảo vệ tốt, các doanh nghiệp đều sẽ mạnh dạn cho hoạt động trở lại, vừa giúp nền kinh tế phát triển, cuộc sống của người lao động vì thế cũng được đảm bảo hơn.
Như vậy, nếu tỉ lệ tiêm chủng đạt được yêu cầu, lúc đó có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
* Như vậy, theo ông, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn cần có thông điệp gì để giải tỏa được những lo lắng cho người dân trong việc tiêm vắc xin hiện nay?
– Các nhà khoa học cần phải ngồi lại với nhau cùng thảo luận dựa trên các bằng chứng khoa học, qua đó cần đưa ra được sự đồng thuận trong quan điểm, bởi ý kiến khoa học sẽ chiếm ưu thế.
Trên cơ sở đồng thuận về khoa học, các hội nghề nghiệp, các y bác sĩ với sự tương tác gần gũi với người dân (bệnh nhân) tiếp tục truyền tải ý nghĩa của việc tiêm chủng vắc xin sâu rộng cho cộng đồng.
Về góc độ quản lý nhà nước, tôi thấy rằng đôi khi ngành y tế hơi bị động trong việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, bởi nếu chủ động người dân sẽ ít hoang mang hơn.
Và để tạo được sự đồng thuận, các cơ quan quản lý cần phải thể hiện rõ thiện ý, sự quan tâm của mình trong việc nỗ lực đưa nguồn vắc xin về cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ lộ trình sử dụng vắc xin (thời gian, nhóm đối tượng cụ thể) để người dân an tâm, loại bỏ tâm lý “hên xui may rủi” trong việc tiêm chủng vắc xin.
Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh (phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):
Cần theo dõi hiệu lực bảo vệ sau tiêm
Hiện nay số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất cao, do đó không còn cách nào khác cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh này, tôi cho rằng nếu có cơ hội được tiêm vắc xin, cần tranh thủ tận dụng để vừa bảo vệ chính mình, vừa bảo vệ cộng đồng.
Tôi xác nhận bản thân mình không “kén cá chọn canh” khi tiêm vắc xin trong lúc dầu sôi lửa bỏng thế này.
Tuy vậy về mặt khoa học, nếu mọi thông tin khoa học được minh bạch (hiệu lực bảo vệ, hiệu quả thực tế và độ đáp ứng tạo kháng thể sau tiêm), tôi tin rằng người dân sẽ thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn của Nhà nước và sẽ an tâm hơn khi được tiêm chủng.
Các loại vắc xin hiện nay đều được cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Do đó vấn đề đặt ra là sau khi tiêm cần phải có cơ quan chuyên môn theo dõi dữ liệu khoa học của việc vắc xin có tạo được kháng thể hay không.
Điều này rất quan trọng, bởi với mỗi người khi tiêm đều mong tạo được kháng thể bảo vệ, nếu ngược lại thì việc tiêm vắc xin sẽ không có giá trị.
Không vắc xin nào hoàn hảo, nhưng tiêm là tốt nhất
Tuy nhiên, so với các ca nhiễm ở những người chưa tiêm vắc xin COVID-19, số ca mắc bệnh sau khi đã tiêm đủ vắc xin vẫn còn hiếm hoi và thường chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
“Thông điệp đọng lại chính là: Nếu bạn đã tiêm vắc xin, bạn sẽ được bảo vệ.
Bác sĩ Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue ở New York (Mỹ), kết luận trên báo New York Times.
Hiểu sai: vắc xin có hiệu quả 100%
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, 46 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã báo cáo tổng cộng 10.262 “ca nhiễm đột phá” từ ngày 1-1 tới 30-4-2021.
Việc xuất hiện ca nhiễm đột phá không đồng nghĩa vắc xin COVID-19 có vấn đề. “Vấn đề không phải là vắc xin, mà do sự hiểu sai của công chúng và các chính khách về những gì vắc xin có thể làm và không thể làm được” – giáo sư Nikolai Petrovsky đến từ Đại học Flinders (Úc) đánh giá.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, lưu ý không nên nhìn vào “các ca nhiễm đột phá” để nói rằng vắc xin không hiệu quả. “Thành công của vắc xin dựa trên việc ngăn ngừa bệnh” – ông Fauci chỉ ra.
Ông Thiệu Nhất Minh – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc – đánh giá việc ghi nhận các “ca nhiễm đột phá” là bình thường vì không có vắc xin nào hiệu quả 100% trong ngăn ngừa nhiễm virus.
Ông Thiệu dẫn lại dữ liệu cuộc thử nghiệm vắc xin bất hoạt CoronaVac của Hãng Sinovac với hơn 10 triệu người ở Chile.
Kết quả cho thấy trong số những người đã tiêm vắc xin đầy đủ, hiệu quả của vắc xin này là 65% đối với việc phòng ngừa COVID-19 nói chung hoặc bệnh nhẹ, 87,5% trong ngăn ngừa bệnh nặng, 90,3% trong ngăn ngừa các ca nhiễm phải vào phòng chăm sóc tích cực (ICU) trong bệnh viện và 86,3% trong ngăn ngừa ca tử vong liên quan COVID-19.
Trong khi đó, ông Dương Hiểu Minh – chủ tịch Công ty Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một đơn vị của Sinopharm – nói rằng không có vắc xin COVID-19 nào trên thế giới có thể đảm bảo hiệu quả 100% trong ngăn ngừa nhiễm virus.
Hiệu quả của các vắc xin bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn hiệu quả ngăn ngừa tử vong và tình trạng bệnh nặng.
Dữ liệu
Hiểu đúng: tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ
Mặc dù xuất hiện các “ca nhiễm đột phá” trên thế giới song giới chuyên gia nhận định vắc xin COVID-19 có tác dụng.
Đài CNN ngày 1-8 dẫn dữ liệu mới nhất từ CDC của Mỹ cho biết 99,99% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều không nằm trong các trường hợp “nhiễm đột phá dẫn tới bị nhập viện hay tử vong”.
Cụ thể, CDC Mỹ đã ghi nhận 6.587 “ca nhiễm đột phá” nghiêm trọng tính tới ngày 26-7, gồm 6.239 ca nhập viện với 1.263 người tử vong.
Vào thời điểm đó, hơn 163 triệu người Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều. Do đó, chưa tới 0,004% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều trở thành “ca nhiễm đột phá bị nhập viện”, và chưa tới 0,001% người Mỹ đã tiêm vắc xin đủ liều trở thành “ca nhiễm đột phá bị tử vong”. Hầu hết “ca nhiễm đột phá” nghiêm trọng này (khoảng 74%) là các trường hợp từ 65 tuổi trở lên.
Theo CNN, dữ liệu của CDC Mỹ càng nêu bật những gì mà các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đã nhấn mạnh nhiều tháng qua: vắc xin rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca trở nặng và ca tử vong do COVID-19.
Đang xuất hiện thông tin về trường hợp đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều nhưng vẫn nhiễm bệnh. Các nhà khoa học gọi đó là các “ca nhiễm đột phá” vì virus đã chọc thủng hàng rào bảo vệ mà vắc xin mang lại.
“Rất ít hoặc không có triệu chứng”, nhờ đâu?
Sự xuất hiện của biến thể lây nhiễm cao như Delta, số “ca nhiễm đột phá” có thể sẽ tăng lên nhưng vắc xin vẫn là vũ khí quan trọng và đáng tin lúc này.
Bác sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh không có vắc xin nào hiệu quả 100%, nhưng phần lớn người đã tiêm đủ vắc xin bị “nhiễm đột phá” do biến thể Delta đều có “rất ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào”.
Nguồn: tuoitre.vn