Ngoài việc theo dõi 3 thông số quan trọng là độ bão hòa oxy trong máu (SpO2), nhịp thở và nhiệt độ cơ thể, bạn cũng cần lắng nghe cơ thể mình để sớm phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác thường.
Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Úc), khi cách ly tại nhà, có 3 thông số quan trọng mà các F0 nên theo dõi thường xuyên là độ bão hòa oxy trong máu (SpO2), nhịp thở và nhiệt độ cơ thể.
Việc đo SpO2 giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, đánh giá tiến triển bệnh khi mắc Covid-19. Để đo SpO2 tại nhà bằng máy đo chuyên dụng, người bệnh cần thực hiện 6 bước sau:
1, Bỏ móng tay giả hoặc lau sạch sơn móng tay (nếu có).
2, Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.
3, Xoa 2 tay vào nhau để làm ấm ngón tay.
4, Đưa ngón trỏ hoặc ngón giữa vào miệng máy để ngón tay được kẹp chặt và bật máy.
5, Giữ yên máy đo và ngón tay trong một phút cho đến khi số đo được ổn định hơn 5 giây.
6, Xem kết quả và ghi lại chỉ số cao nhất mà bạn đo được.
Nếu kết quả nằm trong khoảng 95-99% là bình thường; 93-94% khi đang nằm, ngồi và kiểm tra lại sau một tiếng thấy giá trị không đổi tức là có dấu hiệu thiếu oxy; nếu kết quả từ 92% trở xuống tức là đã bị giảm oxy trong máu.
“Lưu ý, người mới đo lần đầu hoặc đang lo lắng thường sẽ bị điều chỉnh nhịp thở theo phản xạ dẫn đến chỉ số SpO2 thấp. Trong trường hợp này, đừng quá lo lắng, hãy nghỉ ngơi và chờ đo lại sau 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, những người có bệnh hô hấp mạn tính thì chỉ số SpO2 sẽ thấp, nên khi mới mua máy hãy đo ngay chỉ số này và so sánh với các lần đo sau”. TS Thu Anh nói.
Nữ chuyên gia nhấn mạnh, nếu chỉ số SpO2 dưới 95% (đã thực hiện các bước đo lại), nên gọi ngay cho cơ quan y tế vì đó có thể là cảnh báo bệnh diễn tiến nặng.
Máy đo SpO2 |
Sau khi đo SpO2, bệnh nhân cần đo thêm nhịp thở và nhiệt độ cơ thể. Chỉ số nhịp thở có thể đo bằng cách đặt tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong một phút. Nhịp thở bình thường sẽ ở mức 16-20 lần/phút.
Nên đo các chỉ số ít nhất 3 lần/ngày và vào khung thời gian cố định, ví dụ như trước khi ăn. Kết quả cần cập nhật đầy đủ vào bản theo dõi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần lắng nghe cơ thể mình để sớm phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác thường.
Một số triệu chứng cảnh báo diễn tiến nặng như: nhịp thở khi thư giãn nhiều hơn 24 lần/phút; cảm thấy ngực bó thắt, khi hít sâu thấy đau tăng lên trong ngực; khó thở, hụt hơi khi vận động, mệt lả không nói được đủ câu; lẫn lộn về thời gian, địa điểm, không nhớ rõ mình đang ở đâu, không biết lúc này là mấy giờ; thấy da xanh, môi nhợt nhạt; không tự cầm được cốc nước, không tự đi hay tự ăn uống được; lạnh đầu ngón tay, ngón chân;…
“Có những người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng nồng độ oxy trong máu lại thấp vì nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ra tình trạng thiếu oxy thầm lặng. Do đó, việc đo SpO2 đều đặn là vô cùng cần thiết”, TS Thu Anh lưu ý.
Về cách chăm sóc sức khỏe khi cách ly tại nhà, theo bà Thu Anh, trong trường hợp bị sốt, bệnh nhân có thể uống paracetamol theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, nếu dị ứng với paracetamol hoặc đang bị viêm gan, men gan cao, tuyệt đối không uống loại thuốc này. Thay vào đó, bệnh nhân nên lau người bằng nước ấm, lấy khăn lạnh chườm trán, mặc áo quần thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.
Bên cạnh đó, khi nhiễm bệnh, nhiều người thường bị thiếu nước, thiếu kali. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần uống nước đầy đủ, uống bổ sung oresol để giúp cơ thể đỡ mệt mỏi hơn.
Nếu cảm thấy khó thở, có thể nằm sấp trên giường phẳng rồi kê gối ở đầu và kê chăn ở bụng (hoặc chuyển sang nằm nghiêng hay bất cứ tư thế nào để dễ thở). Cách này sẽ giúp cải thiện trao đổi oxy trong phổi.
“Đặc biệt, cần ăn uống khoa học, đảm bảo đủ và cân bằng dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, bởi đây là nhân tố quan trọng giúp bạn chiến thắng virus và vượt qua bệnh tật”, TS Thu Anh nói.
Nguồn: vietnamnet