Dịch COVID-19 khiến sinh viên các trường đại học phải chuyển sang học trực tuyến. Không ít sinh viên than phiền học trực tuyến không hiệu quả, dễ bị xao nhãng… Tuy nhiên, có thể họ đã học không đúng cách.

Thủ khoa chia sẻ cách học trực tuyến hiệu quả trong giãn cách - Ảnh 1.

Nguyễn Hữu Hưng, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2020 

Đề ra những nguyên tắc riêng

Lê Minh Quân, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang trong những ngày giãn cách ở quê nhà Trà Vinh. Chàng thủ khoa đầu vào năm 2018 cùng các bạn đã học online hơn 2 tháng nay kể từ đầu đợt bùng phát dịch lần này.

Quân chia sẻ trong năm 2020, mình đã học nhiều học phần từ xa nên đã quen. Tuy nhiên để mỗi buổi học hiệu quả nhất, Quân vẫn phải đề ra những nguyên tắc riêng.

Trước hết là đặt báo thức đầy đủ cho từng tiết để không vào trễ giờ. Thứ hai là chuẩn bị đầy đủ dụng cụ từ máy tính, tai nghe, sách vở, bút viết để không phải bỏ dở bài học để đi lấy đồ dùng.

Trong lúc học, tuyệt đối không mở Facebook vì có thể bỏ lỡ nhiều chi tiết của bài giảng. Chưa kể, thầy cô có thể dặn dò những bài tập cho tuần sau, nếu bỏ sót sẽ bị dồn bài, học rất mệt.

“Ngoài ra tụi mình thường xuyên học nhóm. Có chuyện gì cần bàn bạc là sẽ lên một ứng dụng để thảo luận ngay. Đồng thời kết nối với giảng viên, cần trao đổi thì cứ online”, Quân nói.

“Thật ra ở đâu cũng có thể học hiệu quả, quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức và sự gắn kết với thứ mình đang làm”, Quân khẳng định.

Cất điện thoại trước mỗi buổi học 

Nguyễn Hữu Hưng, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2020, cho rằng yếu tố gây mất tập trung hàng đầu khi học từ xa là mạng xã hội. Do đó trước mỗi buổi học online, Hưng đều cất điện thoại vào tủ khóa lại.

Hưng cũng kiểm tra lại tin nhắn Facebook rồi “dẹp sang một bên” và chỉ mở lại trong giờ giải lao hoặc khi đã xong buổi học. Nếu vi phạm, bạn sẽ tự phạt mình bằng cách giảm thời gian giải trí trong ngày.

Hưng thừa nhận học ở nhà đôi lúc khiến mình “làm biếng” hơn. Bạn cố gắng không để cảm giác này tồn tại quá lâu bằng cách nhắn tin tìm các bạn đang chăm chỉ học bài để tự nhắc nhở mình không được “nghỉ ngơi” quá lâu.

Cũng trong thời gian này, Hưng đang tự ôn bài cho các môn thi học kỳ chưa diễn ra. Giữ ý định trở thành giáo viên, Hưng cũng tận dụng lúc rảnh rỗi trau dồi thêm kỹ năng soạn bài hay tìm lớp dạy online để luyện khả năng ăn nói, truyền đạt.

“Còn những hoạt động rèn luyện, mình nghĩ sinh viên có thể chủ động. Hiện tại cũng có nhiều sự kiện diễn ra online nên dù ở quê bọn mình cũng tham gia để thêm điểm rèn luyện. Theo mình, tùy tình hình sẽ có những cách ứng phó khác nhau tùy vào sự linh hoạt ở mỗi người”, Hưng nói.

Không để thời gian “chết”

Võ Đức Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), là quán quân cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2020” với dự án bộ trò chơi Korona Board Game nâng cao ý thức chống dịch. Hiện tại, việc sản xuất đang phải tạm ngưng do nhà máy đóng cửa vì lệnh giãn cách. Tuy nhiên thời gian này cũng là cơ hội cho nhóm Minh phát triển thêm nhiều dòng trò chơi về giáo dục khác cũng như tuyển thêm đội ngũ làm Marketing.

Đồng thời, nhóm cũng đang tranh tài tại HICOOL Global Tech Competitons, một cuộc thi khởi nghiệp quốc tế ở Trung Quốc diễn ra online. Nhóm đã đến vòng trình bày, nếu vượt qua có thể có cơ hội gặp gỡ thêm với nhiều nhà đầu tư.

Thủ khoa chia sẻ cách học trực tuyến hiệu quả trong giãn cách  - Ảnh 2.

Võ Đức Minh (trái) cùng đồng đội Nguyễn Anh Kiệt trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2020” 

Minh chia sẻ dù đã về quê nhưng bạn cùng đội ngũ không ngơi nghỉ mà vẫn luôn làm việc hết sức, có khi từ sáng tới tận nửa đêm. Động lực phấn đấu chính là sự cam kết với những nhà đầu tư đã tin tưởng cũng như để theo đuổi đam mê của mình.

Theo Minh, các sinh viên trong những ngày tạm xa trường lớp vẫn có nhiều cách để phát triển bản thân, hướng đến những mục tiêu lớn hơn đã đề ra. “Có thể đọc sách, tập thể học hoặc học các kỹ năng. Hoặc ít nhất có thể bắt đầu bất kỳ một thứ gì đó miễn không để thời gian chết”, Minh nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Động lực họcHọc tại nhàhọc trực tuyếnMùa giãn cáchsinh viênTạo động lực

Các tin liên quan đến bài viết