Vào lúc 00 giờ ngày 19-7, Bình Phước chính thức áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Cũng như các huyện, thị xã, thành phố, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân và an toàn phòng, chống dịch, các cấp, ngành huyện Bù Đăng đã có những giải pháp cụ thể cho các chợ đầu mối, cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn.

Đứng chân trên địa bàn thị trấn Đức Phong, chợ Bù Đăng là một trong những chợ đầu mối quan trọng trong khu vực. Chợ nằm trên Quốc lộ 14, rất thuận lợi cho các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa với các chợ đầu mối từ các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh. Chợ hiện có 58 tiểu thương đăng ký kinh doanh, 43 tiểu thương đăng ký hoạt động ngoài khu vực chợ.

Người dân vào chợ Bù Đăng được đề nghị khai báo y tế

Trong những ngày huyện Bù Đăng chưa phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, các hoạt động giao thương buôn bán tại chợ luôn được huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất. Để kiểm soát phòng dịch, Ban quản lý chợ chủ động phối hợp với các lực lượng tiến hành phân luồng, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố dịch tễ liên quan tới các đầu mối cung cấp hàng hóa, người ra vào chợ.

Ông Võ Thế Đa, Trưởng ban quản lý chợ Bù Đăng cho biết: Ban Quản lý chợ đã chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu; kiểm soát chặt chẽ xe ra, vào, các đầu mối bỏ hàng. Chợ cũng đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, tổ chức phát phiếu đi chợ và người đi chợ phải quét mã QR, hoặc khai báo y tế với Ban quản lý chợ.

Các tiểu thương chợ Thống Nhất chủ động căng dây duy trì khoảng cách với người tham gia mua bán tại chợ

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đức Phong thông tin thêm: “UBND thị trấn cùng Ban quản lý chợ đã thành lập 4 tổ kiểm soát thông tin, lịch trình di chuyển của các tiểu thương; đồng thời phát phiếu, kiểm tra, giám sát xe ra, vào của các đầu mối bỏ hàng”.

Cũng giống như chợ Bù Đăng, Ban quản lý chợ xã Thống Nhất cũng đã xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch. Thường xuyên nhắc nhở tiểu thương thực hiện tốt biện pháp 5K và không tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Vũ Phú Quang cho biết: “Hàng ngày, chợ xã có khoảng 10 xe thường xuyên chở các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho các hộ tiểu thương, Ban quản lý chợ phải lấy mẫu test nhanh thường xuyên để kiểm soát dịch”.

Bù Đăng hiện có 11 chợ, có 352 tiểu thương đăng ký kinh doanh trong chợ và 1.480 tiểu thương kinh doanh ngoài chợ. Với sự chủ động của các cấp, ngành, địa phương, các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Bù Đăng vẫn hoạt động ổn định  đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : bù đăngkiểm soát

Các tin liên quan đến bài viết