Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tiếp tục dẫn đầu tốp 75 trường đại học sáng tạo nhất châu Á – Thái Bình Dương theo Reuters |
Đây là năm thứ hai liên tiếp hãng thông tấn Reuters công bố bảng xếp hạng. Các tiêu chí được đưa ra để đánh giá gồm: số lượng bằng sáng chế, số lượng các sáng chế được áp dụng, số lượng sáng chế toàn cầu, chỉ số trích dẫn (các bài báo, sáng chế, công trình nghiên cứu), số lượng các bài báo quốc tế,…Vị trí đầu bảng năm nay tiếp tục thuộc về KAIST – Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Được thành lập năm 1971 nhờ vào viện trợ từ Mỹ, KAIST chú trọng vào việc thực hành hơn học lý thuyết. Số lượng bằng sáng chế có ảnh hưởng của KAIST được ghi nhận không chỉ ở khu vực châu Á mà còn ở tầm thế giới. Theo Reuters, số lượng các sáng chế của KAIST được các tổ chức trên thế giới trích dẫn nhiều hơn bất kỳ trường đại học nào khác ở châu Á. Công trình nghiên cứu đáng kể nhất của KAIST gần đây là chế tạo ra một robot “ký sinh trùng” có khả năng điều khiển quá trình di chuyển của một vật chủ còn sống. Đại học Quốc gia Seoul xếp vị trí thứ hai, kế tiếp là Đại học Tokyo của Nhật Bản. Ở vị trí thứ tư tiếp tục là một trường đại học của Hàn Quốc – Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, hoặc POSTECH. Hãng tin Reuters nhận xét các trường đại học của Hàn Quốc thường có mối quan hệ mật thiết với các ngành công nghiệp của nước này. Điển hình như trường POSTECH được thành lập bởi tập đoàn thép POSCO của Hàn Quốc năm 1986, cho đến nay vẫn là trường có số lượng bài báo quốc tế hoặc đồng tác giả về công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc. Nhìn tổng thể, bảng xếp hạng năm nay của Reuters cho thấy sự thống trị của các trường đại học Hàn Quốc, bất chấp tình hình chính trị và xã hội bất ổn. Hàn Quốc có 4 trường trong tốp 5, tám trường trong tốp 20 và tổng cộng 22 trường trong bảng xếp hạng gồm 75 trường. Tuy nhiên, xét về quốc gia có số trường đông nhất trong bảng xếp hạng của Reuters thì đó là Trung Quốc, với 25 trường đại học. Nhật Bản có 19 trường trong bảng xếp hạng, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Kế tiếp là Úc (5 trường), Singapore (2 trường), Ấn Độ và New Zealand mỗi quốc gia 1 trường. Indonesia, quốc gia đông dân thứ ba ở châu Á – Thái Bình Dương và năm trong nhóm các nước G20, không có trường đại học nào trong danh sách của Reuters. Philippines và Việt Nam, hai nền kinh tế được Reuters đánh giá là lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á, cũng vắng bóng. Tuy nhiên, theo Reuters, thứ hạng này chỉ là tương đối và nó không cung cấp bức tranh toàn cảnh về việc học và nghiên cứu, sáng tạo tại các trường đại học của khu vực. “Dù các trường đại học có đứng đâu trong bảng xếp hạng, các bạn vẫn nằm trong tốp 75 trường hàng đầu của khu vực. Tất cả đều đặt các nền tảng nghiên cứu ban đầu, tạo ra các công nghệ hữu ích và kích thích nền kinh tế toàn cầu”, hãng tin Reuters khéo léo bình luận.