Đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị… ở TP.HCM tăng đột biến 300 – 600% khi nhiều người hạn chế đến siêu thị, chợ để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Dù dồn nhân lực và đầu tư nhưng nhà kinh doanh, nhà bán lẻ thừa nhận vẫn không thể tránh khỏi những đơn hàng không thành công trước tốc độ tăng trưởng này.
Mua dùng trong ngày, được giao sau 2-3 ngày!
Chị K.Trâm (ngụ quận 11, TP.HCM) cho biết do đang giãn cách nên chị đã thử đặt hàng online. Sau khi gọi điện cho tổng đài của siêu thị gần nhà để đặt hàng, chị Trâm được tư vấn gửi đơn hàng qua Zalo sẽ được giao tận nhà, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Tuy nhiên, mãi đến gần cuối ngày chị mới nhận được phản hồi từ siêu thị và thông báo sẽ giao hàng trong sáng hôm sau.
“Nhưng rồi mọi thứ cứ trục trặc nên đơn hàng tiếp tục bị dời, tôi hơi thất vọng vì cách xử lý của siêu thị này vì những mặt hàng khách đặt đều thiết yếu như thịt, rau, cá…” – chị Trâm cho biết.
Nhiều người mua hàng cũng phản ảnh có những đơn hàng bị giao trễ đến vài ngày, như chị Trang ở Tân Bình phải đợi hàng đến 7 ngày, trong khi dịch vụ “đi chợ” là để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong ngày. Một số khách hàng còn phản ảnh bị “xù” luôn đơn hàng.
Người mua đã lựa được các loại rau củ quả, thịt, mì và chọn thanh toán thành công nhưng hàng vẫn không được giao và mất hút. Một số trường hợp người mua đã chuyển tiền cho người bán hàng nhưng không nhận được sản phẩm hoặc hàng hóa kém chất lượng, khó đổi trả.
Giám đốc kinh doanh một sàn thương mại điện tử khẳng định rằng quan trọng nhất của mua sắm thực phẩm, hàng tươi sống online là phần vận chuyển, giao hàng.
Do đó, các sàn đã triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày, giao nhanh trong 2 giờ, 4 giờ… để đảm bảo hàng tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy vậy, việc số lượng đơn hàng tăng đột biến khiến nhiều dịch vụ bị quá tải, khó đảm bảo được chất lượng phục vụ.
Các nhà bán lẻ cho biết nguồn hàng hóa vẫn rất dồi dào, sẵn có nhưng do số đơn hàng online tăng quá mạnh khiến thời gian giao hàng bị kéo dài, dù đã tăng cường nhân sự cho bộ phận nhận đặt hàng, giao hàng.
Vì vậy, người mua được tư vấn nên chia đơn hàng tươi sống và thực phẩm khô cho mỗi lần mua sắm. Trong đó, hàng thực phẩm khô có thể được giao chậm hơn.
Điểm bán thêm vách ngăn, bán hàng đăng ký trước
Trong khi đó, ngoài việc thực hiện giãn cách và khai báo y tế, nhiều chợ lẻ và cửa hàng đã lắp vách ngăn vào khu vực mua bán để phòng chống COVID-19.
Cụ thể, ban quản lý chợ Ngã Ba Bầu (quận 12) đã tổ chức lắp vách ngăn tại các gian hàng ở chợ để hạn chế tiếp xúc giữa người bán và người mua. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một số quầy sạp yêu cầu khách hàng đứng ở phía ngoài vách ngăn, giăng dây.
Ban quản lý chợ Bà Chiểu cũng cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, lắp vách ngăn đến nhiều ô vựa để giãn cách tuyệt đối.
Tại một số cửa hàng, khu mua bán và thanh toán tiền cũng được lắp vách ngăn trong suốt, mọi hoạt động mua bán đều giữ khoảng cách khá xa.
Vừa mua thịt heo tại cửa hàng Hà Hiền (quận Bình Thạnh), bà Minh (quận Bình Thạnh) cho rằng việc lắp vách ngăn không cản trở mua bán nhưng lại giúp hạn chế tiếp xúc, giãn cách nên cần được phổ biến.
Nhằm duy trì hàng hóa xuyên suốt, không gây ùn ứ, không để xảy ra việc lợi dụng lượng điểm bán giảm để găm hàng hay tăng giá trục lợi, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu phải nhanh chóng báo cáo tình hình hoạt động các chợ.
Theo đó, với chợ tạm ngưng hoạt động, cần thống kê và nêu rõ tên chợ, địa chỉ và số lượng tiểu thương kinh doanh, lý do ngưng, xác định thời điểm dự kiến hoạt động lại.
Với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca nhiễm, cần chủ động xem xét, đánh giá, triển khai các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động lại trong thời gian sớm.
“Riêng những chợ không thể khắc phục để khôi phục hoạt động lại, UBND các quận huyện giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa để bố trí điểm bán hàng lưu động, đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.
Thông tin đến người dân về địa điểm bán hàng, danh mục hàng hóa, giá cả để người dân chủ động mua sắm…” – Sở Công thương yêu cầu.
Sẽ tổ chức điểm bán hàng lưu động tại khu vực bị phong tỏa
Tính đến nay TP.HCM đã có 93 trong tổng số 234 chợ phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Trong thời gian chờ các chợ, siêu thị hoạt động trở lại, để bù đắp một phần nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm và rau củ quả đang thiếu hụt, Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường lên kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động ở khu vực có nhiều điểm bán bị phong tỏa.
Hàng hóa về chợ giảm, giá tăng
Theo Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối ngày 1-7 đạt gần 4.600 tấn, giảm 11% so với ngày trước đó, sản lượng rau củ, thịt, hải sản… đều giảm nhẹ nhưng giá bán không tăng nhiều.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số điểm chợ truyền thống như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1)… cho thấy giá nhiều loại rau củ quả, hải sản bán ra đã tăng 5 – 25% so với tuần trước.
Theo một số người bán, lượng hàng lấy về khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi sức mua một số thời điểm tăng nên giá cũng biến động.
Nguồn: tuoitre.vn