Căng thẳng giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) đã bùng nổ thành khẩu chiến công khai trong ngày cuối cùng họp thượng đỉnh của nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7).
Kể từ khi Anh bỏ phiếu tán thành rời khỏi EU vào năm 2016, hai bên đã cố gắng giải quyết khúc mắc chính về Bắc Ireland, một tỉnh thuộc Anh có chung đường biên giới trên bộ với Cộng hòa Ireland, một nước thành viên EU. Tranh cãi một lần nữa lại bùng lên hôm 13/6, xoay quanh chủ đề xúc xích, với cả Anh và EU đều đổ lỗi cho bên kia gây bất hòa tại thượng đỉnh G7.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall. |
Theo Sputnik, trong cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề cuộc họp của các lãnh đạo G7 ở Cornwall, Anh, Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã tỏ ra tức giận sau khi người đứng đầu Điện Elysée tuyên bố Bắc Ireland không phải là một phần của Anh.
Cụ thể, ông Johnson đã hỏi ông Macron sẽ phản ứng ra sao nếu các xúc xích của vùng Toulouse không thể đem bán ở Paris. Ông Macron đáp rằng, đó không phải là so sánh hợp lý vì Paris và Toulouse đều thuộc cùng một quốc gia. Tờ Telegraph của Anh trích dẫn các nguồn thạo tin nói, phát biểu của tổng thống Pháp khiến thủ tướng Anh phẫn nộ và đáp trả rằng: “Bắc Ireland và Anh là cùng một nước”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sau đó mô tả phát biểu của ông Macron là “xúc phạm” và cho thấy quan điểm lâu nay của EU. “Nhiều quan chức EU suốt nhiều tháng, nhiều năm qua đã coi Bắc Ireland bằng cách nào đó như một quốc gia riêng rẽ và điều đó là sai. Đây là hành động không hiểu sự thật”, ông Raab nhấn mạnh.
Điện Elysée về sau ra tuyên bố giải thích rằng, Tổng thống Macron chỉ muốn nói “Toulouse and Paris cùng thuộc một khu vực địa lý đơn nhất, trong khi Bắc Ireland nằm riêng rẽ trên một hòn đảo”.
Phát biểu trước các phóng viên sau khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 13/6, ông Macron khẳng định, Pháp tôn trọng chủ quyền của Anh nhưng đã đến lúc chấm dứt các tranh cãi về xúc xích và tập trung vào những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Theo Reuters, vấn đề Bắc Ireland từng là trở ngại chính khiến EU và Anh mất một thời gian rất dài đàm phán mới đạt được thỏa thuận chia tay. Từ ngày 1/1, Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU, nhưng riêng Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan. Điều này là vì cả hai bên đều muốn duy trì một “đường biên giới mở” giữa Bắc Ireland với CH Ireland để bảo vệ Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành, vốn giúp chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại khu vực này từ những năm 1960.
Anh – EU đã ký Nghị định thư Bắc Ireland. Theo đó, EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland để tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua cảng nhằm bảo đảm những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh. Song, việc triển khai nghị định thư đã vấp phải nhiều rắc rối, làm đình trệ hoạt động giao thương giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Anh do các bên chưa thực hiện nhuần nhuyễn thủ tục mới, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian và tiền bạc, chưa kể những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Anh Johnson mới đây đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp về Nghị định thư Bắc Ireland nếu các bên không tìm được giải pháp thỏa đáng cho thỏa thuận Brexit. Động thái làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này với EU.
Nguồn: vietnamnet