Sau bài “Việt Nam nên tính nhanh gói hỗ trợ mới” (phỏng vấn giám đốc ADB tại Việt Nam, Tuổi Trẻ ngày 8-6), nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hỗ trợ một số ngành quá khó để có thể chờ phục hồi.
Đặc biệt là một số ngành có khả năng lan tỏa, đã từng được nhắc tới trong gói hỗ trợ trước đây cần có hành động dứt khoát.
Hàng không kiệt quệ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không thừa nhận tình hình hiện nay đối với ngành đang rất căng thẳng vì dịch COVID-19.
Nhiều tỉnh thành đã ra thông báo tạm dừng khai thác chuyến bay đi, đến TP.HCM. Các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng khách hủy chuyến, hoàn vé tăng cao bất thường. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, số lượng chuyến bay khai thác chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Nguyễn Đình Hùng – tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) – cho biết chỉ Hà Nội và TP.HCM vẫn còn duy trì chuyến bay, nhiều tỉnh thành khác đã dừng. Đến ngày 5-6, công ty này chỉ phục vụ 6 – 8 chuyến bay nội địa như của Vietjet và Bamboo Airways thay vì hàng trăm chuyến như trước đây.
Đối với ngành dịch vụ phi hàng không, nhiều cửa hàng, quán ăn ở sân bay đã “cửa đóng, then cài”, chỉ còn duy trì vài quầy bán hàng take away (bán mang đi) để cho có “dịch vụ ở sân bay”.
“Doanh thu mỗi ngày chỉ đạt 2 triệu đồng, thu chẳng đủ bù chi. Năm ngoái tôi còn động viên nhân viên giai đoạn khó khăn nhất rồi cũng qua, ai ngờ năm nay còn tệ hơn” – tổng giám đốc một công ty dịch vụ phi hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ.
Với các hãng bay, dịch COVID-19 khiến các hãng kiệt quệ về tình hình khai thác, duy trì dòng tiền để hoạt động. Sự cạnh tranh khốc liệt về giá vé 0 đồng hoặc 6.000 – 39.000 đồng/vé với quy mô lớn, tham gia kích cầu du lịch nội địa, lợi nhuận của các hãng rất mỏng và không đủ bù đắp.
Đường bay quốc tế vẫn chưa được khơi thông, hầu hết các hãng tiếp tục phải cho “nằm đất” nhiều máy bay hiện đại trong khi vẫn đều đặn trả chi phí thuê mua, bảo dưỡng máy bay.
Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. Mới đây Vietnam Airlines cũng phải rao bán 11 máy bay để bổ sung dòng tiền hoạt động.
“Các đường bay như Vân Đồn, Phú Quốc, Hải Phòng… đều đã tạm ngưng. Nhiều nơi không còn duy trì các chuyến bay, máy bay bắt buộc phải nằm đất. Khả năng phục vụ dịp hè từ tháng 6 đến tháng 9, dịch kéo dài nữa thì kế hoạch hè coi như phá sản” – đại diện một hãng bay nói.
Hàng không cần “bình oxy” dài hơi
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không đã chịu tác động lớn từ 3 đợt bùng phát dịch, đến nay là đợt thứ 4.
Nếu năm 2020, VABA thống kê các hãng bay nội địa gánh khoản lỗ trên 18.000 tỉ đồng hoạt động vận tải hàng không thì năm 2021 các hãng vẫn tiếp tục lỗ trên 15.000 tỉ đồng, đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền.
Tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, ông Bùi Doãn Nề cho biết phía VABA cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp hàng không.
Hiện Vietnam Airlines đã được duyệt hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi lãi suất. Do đó, VABA cho rằng cần tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không còn lại, trong đó, Vietjet đã đề nghị được vay tín dụng 4.000 – 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 – 2023 bằng lãi suất tái cấp vốn. Bamboo đề nghị vay 5.000 tỉ đồng bằng lãi suất tái cấp vốn và vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng.
Theo VABA, điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất; tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí, như cần được giảm 70% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2021; giảm thuế xuất nhập khẩu; giảm 16 loại phí tại cảng hàng không thuộc danh mục phí do Bộ GTVT ban hành, quản lý.
Sẽ báo cáo chính phủ về các chính sách hỗ trợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Bảo Ngọc – vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT – cho biết ngày 5-4-2021 Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các doanh nghiệp hàng không.
Bộ GTVT đánh giá vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch COVID-19. Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp lĩnh vực vận tải hàng không.
Đặc biệt, cho phép Bộ GTVT tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.
Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan xem xét kiến nghị khác của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.
Về đề xuất chính sách giảm phí, lệ phí và thuế, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư tiếp tục giảm một loạt loại phí, lệ phí đến hết năm nay.
Đối với phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng không, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 10% đối với phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay; phí hải quan, lệ phí ra vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam.
Chính sách thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh hàng không bị thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng được giảm đến hết năm 2021.
* Ông Nguyễn Tuấn Anh (vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước):
Tiếp tục cơ cấu nợ
Về việc tiếp cận tín dụng của các hãng hàng không, hiện các ngân hàng vẫn cho vay mới và các khoản nợ trước đây vẫn được cơ cấu thời hạn. Các khoản vay của các hãng vẫn là nhóm 1, không bị chuyển nhóm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nếu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì dòng tiền của các doanh nghiệp hàng không có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực.
* Ông Lê Xuân Sang (phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):
Hỗ trợ cần có tính trọng điểm, linh hoạt với tình hình
Thời gian tới, ngoài việc phải tập trung phòng chống, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, cần đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin, đẩy nhanh chứng nhận thị thực vắc xin, thì việc kích thích thúc đẩy nền kinh tế là cần thiết qua gói hỗ trợ với các biện pháp, cơ chế mới khác biệt năm ngoái.
Trong đó cần cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục, nhằm thúc đẩy mạnh hơn hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi hiện nay nhiều nước trên thế giới đã tiêm vắc xin trên diện rộng, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, nên việc thúc đẩy doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị, khai thác tốt các FTA thế hệ mới (kể cả FTA với Anh).
* Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):
Bảo đảm đối xử, cạnh tranh công bằng giữa các hãng hàng không
Tại Việt Nam, mức hỗ trợ cho hàng không và du lịch vừa thấp vừa ngắn so với tiềm lực và so với mức hỗ trợ bình quân chung của chính phủ các nước. Chi phí vận hành hãng hàng không rất lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng/ngày. Nguồn thu chính từ bán vé nhưng COVID đã khiến khách bay giảm nghiêm trọng khiến dòng tiền hoạt động của các hãng bay bị suy kiệt.
Tôi đồng tình với các chuyên gia kinh tế khi đề xuất cần cho hãng bay tư nhân vay ưu đãi. Qua đó sẽ cứu giúp hàng không vượt qua khó khăn, đóng góp trở lại cho nền kinh tế, vừa bảo đảm đối xử, cạnh tranh công bằng giữa các hãng hàng không.
Nguồn: tuoitre.vn